Trung Quốc: Sau gaokao, học sinh xem livestream chọn trường đại học
Các buổi tuyển sinh qua livestream giúp trường đại học ở Trung Quốc tiếp cận nhiều thí sinh hơn thay vì tuyển sinh trực tiếp.
Sau khi kỳ thi tuyển sinh đại học kết thúc, phụ huynh và học sinh Trung Quốc bắt đầu theo dõi các buổi phát sóng trực tiếp do bộ phận tuyển sinh của trường đại học tổ chức, từ đó đưa ra lựa chọn đăng ký nguyện vọng.
Khác với các buổi tuyển sinh trực tiếp, chương trình tuyển sinh phát sóng trực tuyến trên các nền tảng xã hội giúp các cơ sở giáo dục đại học Trung Quốc tiếp cận lượng lớn học sinh, phụ huynh. Sinh viên có hoàn cảnh khó khăn cũng dễ dàng tìm kiếm hỗ trợ từ các trường đại học qua hình thức này.
Các trường đại học Trung Quốc livestream tuyển sinh trên Douyin. Ảnh: Sixth Tone
Các chuyên gia nhận định những buổi livestream như vậy có thể giúp học sinh vùng nông thôn hoặc các gia đình kém may mắn đưa ra quyết định sáng suốt hơn, theo Sixth Tone.
Thông qua các buổi phát sóng trực tuyến, còn gọi là livestream, các trường có cơ hội giới thiệu thông tin về ngành học, điều kiện cơ sở vật chất, cơ hội việc làm...
Ngoài ra, hội đồng tuyển sinh có thể đưa ra lời khuyên, giải thích về đặc điểm của các chuyên ngành khác nhau và giải đáp thắc mắc cho thí sinh gửi câu hỏi trong buổi phát sóng. Qua đó phụ huynh, học sinh có thêm thông tin trước khi đăng ký nguyện vọng.
Mới đây, truyền thông địa phương đưa tin khoảng 100 trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc sẽ tổ chức hơn 300 buổi phát sóng trực tiếp trên Douyin. Các buổi livestream sẽ diễn ra trong mùa tuyển sinh đại học kéo dài một tháng, từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 7.
Đại học Thiên Tân là một trong hơn 100 trường ở Trung Quốc tuyển sinh qua livestream. Ảnh: Sixth Tone.
Ông Wu Baojun, chuyên gia tuyển sinh tại Học viện Khoa học Trung Quốc, nhìn nhận hầu hết thí sinh, phụ huynh không được trang bị kiến thức kỹ càng để định hướng và chọn ngành nghề tương lai.
Dù có điểm thi tương đương bạn cùng trang lứa, học sinh từ các vùng nông thôn hoặc học sinh thuộc gia đình khó khăn vẫn gặp bất lợi do thiếu kiến thức cần thiết về trường đại học và việc lập kế hoạch nghề nghiệp.
"Học sinh sẽ bối rối và bất lực khi điền nguyện vọng nếu không được cung cấp những thông tin cần thiết. Nhiều em sẽ mù quáng chạy theo đám đông và nộp đơn vào những ngành 'hot' theo định nghĩa của giới truyền thông", ông Wu nhận định.
So với phương pháp tuyển sinh truyền thống như phát tài liệu quảng cáo hay mở ngày hội tuyển sinh trực tiếp, livestream giúp các trường tiếp cận nhiều đối tượng hơn. Một cán bộ tuyển sinh tại Đại học Công nghệ Cáp Nhĩ Tân cho biết ngày hội tuyển sinh thường có sức chứa tối đa là 1.000 người trong khi các buổi phát sóng trực tiếp có thể thu hút hơn 10.000 người xem.
Tại Trung Quốc, trong thập kỷ qua, các chuyên ngành như Kỹ thuật phần mềm, Kỹ thuật mạng và Bảo mật thông tin luôn nằm trong top 10 chuyên ngành có mức lương cao nhất dành cho sinh viên mới tốt nghiệp.
Theo dữ liệu, mức lương trung bình hàng tháng của cử nhân năm 2022 là 5.990 nhân dân tệ (khoảng 19 triệu). Nhưng trong lĩnh vực CNTT, mức lương trung bình là 7.113 nhân dân tệ (khoảng 23 triệu đồng).
Lĩnh vực CNTT đang phát triển mạnh và thu hút nhiều học sinh phổ thông lựa chọn khi xét tuyển đại học. Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý, đây cũng là lĩnh vực có sự cạnh tranh gay gắt và cơ hội việc làm sụt giảm.
Ngược lại, những ngành như Hội họa, Âm nhạc, Tâm lý học là những nghề ít được chú ý do cơ hội việc làm hạn chế và mức lương thấp.
Theo thống kê của trang CNN, năm 2023 có 12,9 triệu thí sinh sẽ tham gia vào kỳ thi tuyển vào đại học tại Trung Quốc đây được cho là một con số cao kỷ lục so với những năm trước...
Nguồn: [Link nguồn]