Nếu con cái xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ nên học hỏi 5 kinh nghiệm này
Có rất nhiều vấn đề xảy ra kể từ khi bé thứ 2 xuất hiện trong gia đình. Nếu không có sự chuẩn bị và phương pháp dạy con phù hợp, rất dễ xảy ra mâu thuẫn giữa anh chị em với nhau.
Phần lớn các gia đình hiện nay đều chọn sinh 1 hoặc 2 con. Ai cũng nghĩ rằng, gia đình có 2 đứa con sẽ viên mãn nhất, nhưng họ không biết được có vô số vấn đề tồn tại khi gia đình có nhiều con. Điển hình nhất là việc 2 đứa trẻ thường xuyên cãi nhau, tranh giành đồ chơi, tị nạnh và thậm chí là ghen tỵ khi thấy em mình được cha mẹ yêu thương nhiều hơn.
Đây là tình trạng xảy ra ở hầu hết những gia đình có từ 2 con trở lên. Bất cứ điều gì cũng đều có thể trở thành “ngòi nổ” gây mâu thuẫn giữa 2 đứa trẻ. Có những việc cha mẹ cứ nghĩ mình đã công bằng nhưng trong mắt bọn trẻ vẫn có sự thiên vị.
Chia sẻ về vấn đề này, giáo sư Li Meijin (Trung Quốc) khuyên cha mẹ nên tìm hiểu 5 điều dưới đây. Đặc biệt, cha mẹ nên tập trung vào vấn đề của bé đầu trước.
1. Tuân thủ nguyên tắc không can thiệp
Khi 2 đứa trẻ xảy ra mâu thuẫn, cha mẹ nên quan sát và để 2 con tự giải quyết. Điều này sẽ có lợi cho sự phát triển của mối quan hệ giữa 2 con.
Trong chương trình nổi tiếng “Bố ơi mình đi đâu thế” của Trung Quốc, 2 người con của diễn viên Sa Dật là An Cát và Tiểu Ngư được mọi người vô cùng yêu quý. An Cát là một người anh hết mực yêu thương em trai mình.
Tuy nhiên, mọi người không biết rằng khi Tiểu Ngư còn nhỏ, An Cát từng rất ghét em trai mình. An Cát luôn cho rằng, em trai đã cướp hết tình yêu thương của cha mẹ mình.
Trong một lần hai anh em cãi nhau về một món đồ chơi nhưng người mẹ chỉ đứng bên cạnh quan sát chứ không can thiệp. Sau đó, 2 đứa trẻ đã tìm ra cách giải quyết vấn đề của mình.
Trên thực tế, mỗi đứa trẻ có cách sống của riêng mình. Sự can thiệp của cha mẹ chỉ khiến mọi thứ trở nên hỗn loạn hơn. Cha mẹ không can thiệp là cách làm đúng đắn nhất.
2. Hãy để bé đầu đưa ra quyết định
Trong nhiều gia đình có 2 con, bé đầu thường cảm thấy mình bị bỏ rơi. Trên thực tế, có một số quyết định cha mẹ có thể để bé đầu tham gia cùng. Điều này sẽ khiến cho bé đầu cảm thấy mình được coi trọng.
Hơn nữa, có một số chuyện giữa bé đầu và bé thứ 2 có thể để bé đầu quyết định. Điều này tốt cho việc trau dồi tinh thần trách nhiệm của người làm anh chị.
3. Đừng ép bé đầu phải nhường cho bé thứ 2
Một số cha mẹ thường hay nói với con cái rằng “con là anh chị lớn phải biết nhường nhịn em nhỏ chứ”. Cách nói này không có tác dụng và khiến cho bé đầu cảm thấy bị tổn thương, ghét bỏ em mình hơn.
Vốn dĩ trước khi có bé thứ 2, cha mẹ dành hết tình cảm cho bé đầu. Vì thế, sự xuất hiện của bé thứ 2 khiến cho cuộc sống của bé đầu bị xáo trộn toàn bộ. Những lời nói như vậy của cha mẹ khiến bé đầu cảm thấy cha mẹ yêu em hơn mình.
4. Quan tâm tới bé đầu nhiều hơn
Một trong những lý do khiến bé đầu ghét bỏ em mình là chúng cảm thấy em đã cướp hết mọi thứ vốn dĩ thuộc về mình. Trong trường hợp này, cha mẹ nên quan tâm nhiều hơn tới bé đầu, sau đó dần dần tạo điều kiện cho bé thứ 2 tiếp xúc thân thiết hơn. Khi đó, mối quan hệ giữa 2 đứa trẻ sẽ dần cải thiện, bé đầu sẽ yêu thương em hơn.
5. Tạo điều kiện cho bé đầu làm nghĩa vụ của một người anh chị
Đôi khi cha mẹ bận việc không có thời gian chăm sóc bé thứ 2, họ có thể nhờ bé đầu giúp đỡ mình. Việc trao quyền cho bé đầu sẽ khiến chúng có trách nhiệm và bắt đầu quan tâm tới em của mình hơn.
Thay vì yêu cầu, bắt ép, làm thay cho con cái, cha mẹ hãy là tấm gương cho con cái noi theo.
Nguồn: [Link nguồn]