Trò mơ màng, thầy “cháy” giáo án
Học sinh ngày càng thiếu tập trung trong giờ lên lớp là thực trạng đáng báo động tại các trường học hiện nay.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo GV trên, là do HS ngày nay ở nhà được sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử như iPad, điện thoại, máy tính... nên khi đến lớp, các em không tha thiết với những trang sách thiếu sinh động. GV dù rất nhiều cố gắng cũng không thể soạn ra những hình ảnh, lời thoại hấp dẫn như phim hoạt hình, game... để thu hút sự tập trung của học trò. Vì vậy, tình trạng trò quậy phá, nói chuyện ngày càng nhiều.
Học sinh bậc tiểu học rất hiếu động nên chương trình - SGK phải nhiều hình ảnh sinh động để thu hút các em. Ảnh: TẤN THẠNH
GV một trường tiểu học tại quận Gò Vấp phân tích: SGK thiết kế cho trẻ nhỏ của chúng ta rất ngược đời. Ở các lớp nhỏ, những hình ảnh trực quan sinh động, bài học nhẹ nhàng rất cần thiết với HS. Xuất phát từ tâm lý các em mới hoàn thành bậc mầm non, vẫn còn vui chơi là chính nên việc kiến thức ôm đồm, nặng nề ngay từ lớp 1 khiến các em hụt hẫng và áp lực.
Trên thế giới, SGK tiểu học thường được thiết kế, trình bày trên khổ to, nhiều hình ảnh phong phú, màu sắc đẹp, bắt mắt. Những nội dung gắn liền với hình ảnh cũng nhẹ nhàng, gần gũi, đặc biệt hấp dẫn để thu hút học sinh. Thậm chí, nhiều sách còn không ngần ngại đưa những nhân vật hoạt hình vào. Việc sử dụng kênh hình trong sách cũng rất “đắt” về giá trị thẩm mỹ và giáo dục. Song song đó, GV sẽ đóng vai trò gợi mở các câu hỏi, bài tập trong sách để HS tự khám phá kiến thức. “Ngược lại, hiện nay SGK ở tiểu học yêu cầu mức độ hiểu biết quá nhiều nhưng bài học lại thiếu thực tế. Trẻ sẽ không thể tiếp thu và sáng tạo trên cái gì mà mình không biết và không hứng thú” - GV này nói.
“Những giờ học nhàm chán xuất phát từ lối dạy áp đặt, nhồi nhét, chạy theo thành tích thi cử, tỉ lệ lên lớp, tốt nghiệp... GV được ví ở các vai trò là nhạc trưởng, nhà thiết kế, huấn luyện viên, trọng tài cho nên vai diễn chính trong lớp học phải là HS. Thế nhưng, thực tế hiện nay là GV giành vai diễn của HS và với lối dạy độc diễn khiến các em không hứng thú học tập” - ThS Hiền nhận định.