Trò chuyện cùng ông Tâm sửa xe miễn phí cho học sinh
Cách đây chưa lâu, trên nhiều trang mạng, các bạn trẻ chia sẻ với nhau tấm biển sửa xe miễn phí của "Ông Tâm". Chúng tôi đã đi tìm, và có được cuộc trò chuyện thú vị với người đàn ông nhân hậu này.
Tấm biển được treo đã 6 năm trước cửa nhà ông Nguyễn Văn Tâm (64 tuổi) đội 4, thôn Tả Thanh Oai, Hà Nội viết giản dị: "Các cháu học cấp 1, cấp 2 đi học qua đây, nếu bị hỏng xe ông sửa, ông không lấy tiền. Nếu muộn học, ông chưa sửa kịp ông đưa đến trường".
Ông Nguyễn Văn Tâm chủ nhân của tấm biển sửa xe miễn phí cho các cháu học sinh
Trò chuyện cùng chúng tôi, ông bảo: “Ngồi chơi mãi cũng buồn, có lúc các cháu học sinh vào bảo ông ơi ông giúp cháu cái này... rồi còn được nói chuyện với các cháu tôi thấy rất vui”.
Ông Tâm mới nói được tới đó thì câu chuyện bị gián đoạn bởi có một cậu học sinh tiểu học dong chiếc xe đạp bị tuột xích tiến lại gần. Cậu bé vừa cất lời “Ông ơi, xe cháu bị tuột xích”, ông Tâm đã tiến lại gần dong giúp cháu bé chiếc xe. Vừa thao tác với chiếc xích dính đầy dầu, ông vừa hỏi han: “Thế cháu con nhà ai, nhà ở chỗ nào, học lớp mấy rồi...”. Rồi ông dặn dò: “Nhớ đến trường đúng giờ nhé, đi học phải ngoan ngoãn, không được la cà. Xe bị hỏng thì mang đến đây ông sửa, ông không lấy tiền”.
Chỉ mất khoảng 3 phút ông Tâm đã sửa xong “bệnh” cho chiếc xe rồi cần thận dắt lên đường cho cháu bé.
Bộ đồ nghề của ông giá chỉ 200 nghìn đồng, gần đây ông mua thêm chiếc bơm mới để những khi vắng nhà bà có thể giúp các cháu bơm hơi miễn phí
Ông Tâm nhớ lại, đã nhiều lần các cháu học sinh dong chiếc xe bị xịt lốp đi qua, ông gọi lại để ông sửa giúp thì nhiều cháu học sinh nói: “Ông ơi, cháu không có tiền”.
Khi biết rằng ông không lấy tiền các cháu mới dám dắt xe lại. Từ đấy, ông mới nghĩ đến chuyện ghi một bảng thông báo sửa xe miễn phí để các cháu học sinh mạnh dạn hơn. Trước đây, ngoài thời gian đi làm, cứ ở nhà là ông lại sửa xe giúp các cháu học sinh nhưng không đề bảng.
Tay chỉ vào chiếc bơm vừa mới mua, ông Tâm thật thà: “Có 200 nghìn thôi, có chiếc bơm dận bằng chân này những lúc ông đi vắng thì bà ở nhà cũng có thể bơm xe giúp các cháu”.
Nhắc đến bà nhà, ông bảo: Có lần cháu học sinh dắt chiếc xe bị tuột xích đến nhờ ông sửa giúp nhưng lúc đó ông đi vắng, bà lại không biết làm nên hai bà cháu đưa xe lên quán sửa xe máy phía trên nhờ sửa giúp. Các chú ấy không sửa xe đạp, nhưng rồi khi bà nói: "Tôi thấy xe cháu bi tuột xích, tôi không lắp được nên mang lên đây nhờ các chú sửa giúp rồi tôi gửi tiền" thì các chú sửa xe lắp xích hộ rồi còn không lấy tiền. Từ đấy, ông dạy bà cách bơm xe rồi lắp xích như thế nào. Bây giờ mỗi khi ông đi vắng, ông có thể yên tâm vì có bà ở nhà rồi”, ông Tâm chia sẻ.
Bữa cơm trưa của gia đình ông Tâm bắt đầu lúc 12h30 khi các cháu học sinh đã về đến nhà
Ông Tâm cười vui vẻ chia sẻ: "Đợt vừa rồi, mấy cháu phóng viên cũng đến quay phim, phỏng vấn thế là từ đó đi đâu người ta cũng hỏi có phải ông Tâm sửa xe đạp miễn phí cho học sinh không? Ông ngại quá nên cũng tháo biển xuống đôi lần. Nhưng cứ tháo xuống thì anh Phó công an lại thắc mắc là biển đâu rồi.
Ông trả lời là ông ngại nên ông cất đi rồi thì anh ấy lại nói: Ông cứ treo ra để các cháu học sinh đi qua còn biết. Nếu báo đài về đưa tin gây khó khăn cho việc lưu thông trên đường thì chúng cháu sẽ xuống hỗ trợ."
"Có lần cô giáo của các cháu cũng đến cám ơn và bảo là ông đã cho các cháu một điểm học rồi đấy. Vì các cháu đi học đúng giờ là được một điểm học... Nghe những lời động viên như thế tôi lại treo tấm biển lên và cảm thấy mình cần phải làm tốt hơn nữa”, ông Tâm hạnh phúc "khoe" với chúng tôi.
Nội dung tấm bảng nhận sửa xe đạp miễn phí
Cháu Nguyễn Quốc Việt, học sinh lớp 4C, trường tiểu học Tả Thanh Oai cho biết: “Cháu đến nhờ ông Tâm sửa xe 4 lần rồi. Cháu biết ông sửa xe không lấy tiền từ các bạn trong lớp. Từ đấy, cứ xe bị hỏng cháu lại mang lên đây nhờ ông sửa giúp. Có lần, chưa kịp sửa xong, ông còn đèo cháu về tận nhà rồi mai đến lấy xe sau”.
Tay xóa xóa những dòng chữ đã mở trên bảng, ông Tâm nói: “Cứ vài ngày ông lại viết lại để nhìn cho rõ chữ. Nay chữ viết lại mờ rồi, mai ông đi xin cục phấn về viết lại mới được”.