Trích tiền ăn của học sinh để thuê cấp dưỡng

Vì thiếu cấp dưỡng, giáo viên các trường bán trú vùng cao Quảng Nam còn phải kèm thêm nhiệm vụ làm cấp dưỡng để lo cơm nước cho học trò. Chưa kể văn thư, bảo vệ… cũng được huy động vào bếp vì không có tiền để thuê người ngoài. Có trường phải trích tiền ăn hỗ trợ học sinh để thuê người nấu ăn.

Huyện Nam Trà My có 16 trường bán trú và 5 điểm trường có học sinh bán trú. Trong đó, điểm trường bán trú ít nhất là 60 học sinh, nhiều nhất hơn 160 học sinh, tuy nhiên vì ngân sách hạn chế nên huyện chỉ cho phép mỗi trường 1 nhân viên hợp đồng làm cấp dưỡng. Do đó, các trường phải “linh động” sử dụng thêm văn thư, bảo vệ và cả giáo viên xuống giúp nấu ăn cho học trò.

Ông Nguyễn Đình An, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nam Trà My, cho biết, do dân cư ở rải rác, nhất là các xã vùng cao nên lượng học sinh bán trú tại các trường và điểm trường rất đông. Với quy mô học sinh lớn nhưng chỉ có 1 cấp dưỡng theo quy định nên không thể đảm đương hết công việc phục vụ học sinh. Do đó, nhiều trường phải huy động giáo viên, nhân viên cùng tham gia. Tất cả đều tự nguyện với tinh thần tất cả vì học sinh.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Trà Tập hiện đang phải hợp đồng với 3 người dân địa phương trong khi chờ tăng cường nhân viên cấp dưỡng. Tuy nhiên, với quy mô hơn 160 học sinh từ lớp 6 đến lớp 8 học bán trú tại trường, 3 người được hợp đồng nấu nướng cho học sinh đã rất vất vả.

Thầy Nguyễn Đức Yên, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, để phục vụ ngày ba bữa ăn cho các em theo đúng quy định, trường buộc phải trích chế độ hỗ trợ tiền ăn theo quy định của Chính phủ (đối với học sinh  là đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao là 430.000 đồng/em/tháng) để thuê 3 người nấu ăn. Việc này khiến bữa ăn các em càng ít đi so với quy định, nhưng trường không còn cách nào khác. Bởi, trường ở vùng cao, vùng khó khăn, nhà trường không có khả năng để cân đối khoản chi này.

Tình trạng thiếu cấp dưỡng cũng diễn ra ở huyện Bắc Trà My và Nam Giang, đã tác động đến chất lượng bữa ăn của các em học sinh ở vùng cao. Với mức hỗ trợ cho học sinh như hiện nay là quá thấp, trong khi giá cả thực phẩm ở miền núi lại rất đắt đỏ. Nếu cắt giảm tiền của học sinh để thuê người chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn của học sinh, không đảm bảo sức khỏe để học tập.

Ông Nguyễn Thế Phước, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, khó khăn của các trường bán trú trên địa bàn huyện đang là vấn đề bức thiết, huyện đã trích ngân sách để hỗ trợ nhưng với nguồn lực hạn chế, không thể giải quyết triệt để được vấn đề. “Chúng tôi đã nhiều lần đề xuất, kiến nghị tỉnh có cơ chế hỗ trợ giải quyết việc này nhưng vẫn đang phải… chờ”, ông Phước nói. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Thành ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN