Trẻ tự kỷ lận đận con đường hòa nhập: Nước mắt của người mẹ

Đã có không ít phụ huynh phải ngậm ngùi đưa con trở lại trường chuyên biệt vì bé không thể hòa nhập được với các bạn trong trường bình thường.

Trẻ tự kỷ lận đận con đường hòa nhập: Nước mắt của người mẹ - 1

Trẻ tự kỷ tại Trường chuyên biệt Khai Trí (TPHCM)

“Không để cho các bạn yên”

Một giáo viên tiểu học tại quận Bình Thạnh đề nghị giấu tên than phiền: “Tôi dạy lớp 1, trong lớp có một bé tự kỷ, giờ học thì đứng lên đi loạn trong lớp, giờ ngủ trưa thì la hét, đập phá, không để cho các bạn yên. Dỗ thế nào cũng không được, tôi đành phải bảo mẹ bé đến trưa đón bé về cho các bạn khác được ngủ”.

Đó chỉ là một trong rất nhiều trường hợp thực tế mà trẻ tự kỷ đang theo học hòa nhập gặp phải. Chị T.H, một phụ huynh có con tự kỷ không giấu được nước mắt: “Vì áp lực xã hội, hiệu trưởng buộc phải nhận con tôi bị tự kỷ vào trường.

Thế nhưng, khi đi tham quan thì con tôi buộc phải ở nhà với lý do cháu sẽ làm xấu hình ảnh của trường. Rồi những buổi đồng diễn thể dục dưới sân trường, tất cả đều được xuống sân trường, chỉ duy nhất con mình buộc phải ở trên lớp. Có ai muốn sinh con ra bị khuyết tật đâu, cái bọn trẻ cần là sự sẻ chia, đồng cảm chứ không phải những khẩu hiệu hay túi quà”.

Không ít trẻ tự kỷ bị chính giáo viên của mình kỳ thị, đó là còn chưa kể trong trường, trong lớp không có ai chơi cùng, bị bạn bè bắt nạt… Thực tế cho thấy, có rất ít trẻ tự kỷ có thể học đến hết THPT. Đã có không ít phụ huynh phải ngậm ngùi đưa con trở lại trường chuyên biệt vì bé không thể hòa nhập được với các bạn trong trường bình thường.

Con đường nào cho trẻ tự kỷ?

Rất nhiều giáo viên dạy trẻ tự kỷ học hòa nhập cho biết, họ gặp rất nhiều khó khăn vì gần như không được đào tạo để dạy những trẻ này. Với sĩ số trên 40 học sinh/lớp, cô giáo không thể dành quá nhiều thời gian cho học sinh bị tự kỷ.

Anh L.M, một phụ huynh, cho biết, giao tiếp chính là khó khăn lớn nhất mà hầu hết trẻ tự kỷ gặp phải. Trẻ tự kỷ sẽ không thể theo được các trò chơi, cách nói chuyện của học sinh bình thường nếu không có sự hỗ trợ, hướng dẫn. Đó là còn chưa kể đến chương trình học của học sinh bình thường sẽ là quá nặng đối với trẻ tự kỷ.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Thị Thúy Vân, Trưởng nhóm Tiền học đường – Trung tâm ATC cho biết, thực tế cho thấy, khi giáo viên chuyên biệt khuyên đưa trẻ ra trường bình thường để hòa nhập khi trẻ đã có nhiều tiến bộ thì giáo viên trong các trường bình thường lại thờ ơ, ít quan tâm đến những trẻ cần hòa nhập này.

Do đó, việc xây dựng những trường, trung tâm thực hiện chức năng “chuyển tiếp” sau điều trị, giúp trẻ hòa nhập là công việc hết sức cấp thiết. Bởi nếu sau điều trị hiệu quả, trẻ lại thiếu môi trường học tập, hòa nhập thì cả quá trình điều trị trước cũng không còn tác dụng sau một thời gian.

Giáo dục hòa nhập không chỉ là đưa trẻ tự kỷ tới trường để học. Trẻ tự kỷ rất cần được hòa nhập trong giao tiếp xã hội như hiểu được ngôn ngữ hình thể, biết vượt qua mâu thuẫn trong quan hệ bạn bè, linh hoạt trong nhiều tình huống khác nhau… Nếu không có sự hỗ trợ từ nhà chuyên môn, nếu các thầy cô không được hướng dẫn rất cụ thể, trẻ tự kỷ sẽ không thể nào kết bạn, duy trì quan hệ bạn bè, khi đó “hòa nhập” chỉ còn mang tính hình thức. 

Thêm vào đó, hòa nhập, dạy nghề cho trẻ lớn bị tự kỷ cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do chưa có một trung tâm nào chuyên về vấn đề này. Nhà nước cũng chưa có chính sách hỗ trợ nào đối với trẻ khuyết tật, đặc biệt là trẻ tự kỷ ở độ tuổi lớn được hòa nhập làm việc theo những mô hình đặc biệt. Chính vì thế, công tác “tiếp nối” trong điều trị, hòa nhập cho trẻ tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bạch Dương/Infonet
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN