Trẻ ở tuổi này cha mẹ nên cho tiền tiêu vặt để không hình thành tính ăn cắp
Trẻ nên có tiền tiêu vặt để học cách quản lý và chi tiêu tiền của mình, điều này rất có lợi cho sự phát triển của chúng.
Cô Trần (Trung Quốc) chia sẻ rằng, cô rất tức giận khi biết con trai đã ăn trộm tiền của bố. Cô không biết tại sao con mình lại có tính ăn trộm tiền, liệu đây có phải là lần đầu hay đã nhiều lần rồi nhưng mình không biết.
Sau 1 ngày, cô bình tĩnh trở lại và bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân việc con mình ăn trộm tiền. Cô biết được rằng, vì bạn của con tổ chức sinh nhật, cậu bé muốn tặng quà cho bạn nhưng không có tiền. Cậu bé cũng đã xin bố mẹ 2 lần nhưng đều bị phớt lờ, vì thế mới nảy ra ý định lấy trộm 300 tệ (1 triệu đồng) trong ví của bố.
Ảnh minh họa.
Trước tình huống của cô Trần, một người bình luận rằng: “Mặc dù đứa trẻ lén lấy tiền là sai, nhưng thằng bé đã 11 tuổi, nó cũng cần có tiền tiêu vặt. Trong trường hợp này, có phần lỗi thuộc về bố mẹ. Cậu bé cũng đã tới tuổi cần có tiền tiêu vặt”.
Nhà giáo dục người Mỹ Karol Merkel từng nói: “Tiền là khóa học bắt buộc trong cuộc sống. Nó là trọng tâm của mọi gia đình và mỗi đứa trẻ cần phải học về tiền ngay từ sớm”.
Nếu cha mẹ luôn tránh nói chuyện tiền bạc với con cái và không muốn cho con mình tiêu tiền, nó sẽ không tốt cho quan niệm về tiền bạc trong tương lai của con cái họ.
Khi đến một độ tuổi nhất định, trẻ sẽ có mong muốn kiểm soát tiền một cách độc lập. Nếu cha mẹ lấy và tiêu tiền của con mà vẫn kiểm soát chặt chẽ, trẻ có thể sẽ ăn trộm tiền.
Một số bà mẹ nói rằng, mình mua mọi thứ cho con nhưng tại sao trẻ vẫn lén lấy trộm tiền. Đó là vì mong muốn kiểm soát tiền một cách độc lập của trẻ không thể trở thành hiện thực. Và cũng có thể một số trẻ vẫn chưa hiểu hết mức độ nguy hại của việc ăn cắp tiền là gì.
Trẻ bao nhiêu tuổi thì nên được cha mẹ cho tiền tiêu vặt?
Trẻ sau khi đi học tiểu học, khoảng 7 – 8 tuổi là cha mẹ nên cho trẻ tiền tiêu vặt, để trẻ có thể học được cách tự kiểm soát được tiền của mình. Đây cũng là lúc trẻ cần phải biết phân biệt được các mệnh giá tiền, quy đổi ra các loại tiền có mệnh giá tương đương, cách lấy lại tiền thừa…
Nhiều cha mẹ cảm thấy khó dạy con hiểu và nhận biết được tiền, đó là vì trẻ chưa bao giờ tự mình tiêu tiền và không có kinh nghiệm thực tế về việc quy đổi tiền.
Khi trẻ vào tiểu học, chúng sẽ có thêm nhiều bạn bè, lúc này khi thấy bạn bè có tiền mua đồ ăn vặt nhưng bản thân lại không có sẽ hình thành tâm lý e ngại. Khi bạn tổ chức sinh nhật nhưng trẻ lại không có tiền mua quà, hay vì bất kỳ lý do nào khác cần tiền cũng khiến trẻ gặp trở ngại trong việc hòa đồng với mọi người.
Ở cấp tiểu học, khả năng tự chăm sóc bản thân sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn, trẻ sẽ muốn làm một số việc có thể tự làm được. Vì vậy, trẻ có tiền tiêu vặt, không chỉ đáp ứng thỏa mãn vật chất, mà còn đáp ứng nhu cầu tâm lý, thể hiện khả năng tự chăm sóc bản thân của trẻ.
Tất nhiên, cha mẹ phải có cách thích hợp để cho con cái tiền tiêu vặt. Một số cha mẹ vì thương con, chỉ cần con đòi tiền là sẽ đáp ứng ngay yêu cầu, điều này không tốt, trẻ dễ hình thành thói quen tiêu tiền bừa bãi.
Cha mẹ dạy trẻ về tiền tiêu vặt như thế nào?
- Cho trẻ số tiền cố định vào một ngày trong tuần thường xuyên
Cha mẹ có thể chọn bất kỳ ngày nào trong tuần để cho con tiền tiêu vặt, trẻ có thể nhận được từ 20.000 – 50.000 đồng một tuần. Trẻ có thể dùng số tiền này để mua đồ ăn vặt, văn phòng phẩm tùy ý. Nếu trẻ không tiêu hết, cha mẹ hướng dẫn trẻ bỏ heo đất tiết kiệm.
Số tiền này có thể rèn cho trẻ khả năng quản lý tiền, chúng cần lên kế hoạch sử dụng. Có thể thời gian đầu trẻ sẽ tiêu hết trong một lần, nhưng trong những lần sau trẻ sẽ rút ra kinh nghiệm và dần dần biết cách chi tiêu hợp lý hơn.
- Trẻ có thể nhận được tiền tiêu vặt thông qua thành quả lao động của mình
Một số đứa trẻ phụ giúp cha mẹ rửa xe, dọn dẹp đồ đạc cũ trong nhà và nhận được tiền công tương xứng. Đây làm một cách giáo dục rất tốt. Trẻ có thể tự mình kiếm được tiền tiêu vặt và nhận được bài học rằng, chỉ có lao động mới có được tiền, đồng thời có thể rèn luyện khả năng lao động của trẻ.
Trẻ sẽ trân trọng những đồng tiền tiêu vặt có được nhờ sức lao động của chính mình, giúp trẻ hình thành thói quen không tiêu tiền bừa bãi.
Cha mẹ có thể thuê trẻ làm một số công việc gia đình tại nhà như rửa bát, quét nhà, giặt quần áo, rửa xe và một số công việc trong khả năng của trẻ.
- Nếu trẻ tiến bộ, có thể thưởng tiền tiêu vặt
Tiền bạc là một vấn đề nhạy cảm, lấy tiền để khuyến khích con làm việc có thể nhận được những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nếu trẻ tự giác học, có tiến bộ hoặc làm những việc tốt, dùng tiền làm phần thưởng là cách để động viên trẻ rất tốt.
Ví dụ, cha mẹ có thể đưa ra một số quy định như trẻ sẽ nhận được 50.000 đồng nếu đạt điểm cao trong bài kiểm tra. Mỗi khi trẻ tiến bộ sẽ nhận được một số tiền nhất định.
Đôi khi trẻ không quan tâm đến số tiền, nhưng sự khẳng định của cha mẹ về bản thân chúng có thể nâng cao sự tự tin của trẻ trong việc tiếp tục học hành chăm chỉ.
Nguồn: [Link nguồn]
Những kinh nghiệm dạy con của bà mẹ này được các bậc phụ huynh trên khắp thế giới tin tưởng và áp dụng.