Trẻ mầm non học ngoại ngữ: Sao phải cấm?

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngôn ngữ và tâm lý, 4-7 tuổi là giai đoạn vàng để kích hoạt tiềm năng học ngôn ngữ cho trẻ.

Bộ GD&ĐT vừa có công văn yêu cầu tuyệt đối không tổ chức dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non để tránh ảnh hưởng tới việc học tập sau này của trẻ. Tuy nhiên, khi quyết định mới được ban hành, đã có rất nhiều ý kiến không đồng tình.

Có thể cho trẻ học tiếng Anh từ năm 4 tuổi

PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn - Chủ nhiệm Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ:  “Theo nghiên cứu, về mặt khoa học, thì trẻ ở độ tuổi 2 đến 4 tuổi, có khả năng tiếp thu được một ngoại ngữ mới, cũng tương tự như việc tiếp thu tiếng mẹ đẻ. Trẻ đủ khả năng nhận biết được người nói với mình là ai, đang sử dụng mã ngôn ngữ nào. Đầu tiên trẻ có thể nhầm lẫn, nhưng dần dần quá trình đó nó sẽ mất dần đi. Trẻ sẽ dần phân biệt đâu là ngôn ngữ mẹ đẻ và đâu là ngoại ngữ. Lên 8 đến 9 tuổi, trẻ được tiếp tục học trong môi trường song ngữ như vậy thì chắc chắn trẻ sẽ có khả năng sử dụng tốt được cả hai ngôn ngữ. Vì vậy, việc cho trẻ học tiếng Anh sớm rất tốt, nhưng phải đúng phương pháp”.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, nếu chúng ta có cách thức dạy tiếng Anh tốt cho trẻ như: Làm cho việc học của trẻ trở lên vui vẻ, học và chơi, chơi và học; Tạo cho trẻ học vào những tình huống thích hợp, gắn với các trò chơi, lựa chọn ngữ điệu thích hợp, đồng thời, hỗ trợ thêm của các phương tiện như giáo trình thích hợp cho từng lứa tuổi, trẻ sẽ dễ dàng tiếp thu được tốt tiếng Anh. 

Trẻ mầm non học ngoại ngữ: Sao phải cấm? - 1

4-7 tuổi là giai đoạn vàng để kích hoạt tiềm năng học ngôn ngữ cho trẻ
(ảnh minh họa: Nguyễn Phương)

Còn theo anh Nguyễn Việt Hùng, chuyên viên tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ có tiếng ở Hà Nội cho biết: “Theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngôn ngữ và tâm lý thì giai đoạn trẻ từ 4-7 tuổi là giai đoạn vàng để kích hoạt tiềm năng học ngôn ngữ của trẻ. Khi sinh ra đứa trẻ chỉ biết khóc nhưng đến 4 tuổi trẻ đã có thể nói một ngôn ngữ thành thạo mặc dù có những bé phát âm vẫn còn chưa được chuẩn. Điều đó chứng tỏ, khả năng học ngôn ngữ một cách tự nhiên đã hình thành trong trẻ. Ở độ tuổi này, trẻ sẽ dễ dàng tiếp nhận ngôn ngữ mới nếu được tiếp cận với môi trường học phong phú và nghe ngôn ngữ đó thật nhiều”. 

"Nhiều phụ huynh ở Việt Nam vẫn mang nặng tâm lý, tiếng Việt con còn chưa sõi, chưa biết chữ, cho con đi học tiếng Anh làm gì? Điều mặc định này đã cản trở và đánh mất giai đoạn vàng của con trẻ để học thêm một ngoại ngữ mới. Trẻ con thông minh hơn chúng ta nghĩ, các bé có thể nói và diễn đạt tốt ngôn ngữ mẹ đẻ chỉ trong 3 năm đầu đời. Điều quan trọng là môi trường và cách dạy phù hợp để trẻ yêu và thích học tiếng Anh ngay từ nhỏ. Phụ huynh không nên ép buộc hay bắt con học chỉ vì bố mẹ muốn mà hãy học cách bước vào thế giới của trẻ, để trẻ được học tiếng Anh một cách tự nhiên”x, anh Hùng khuyến cáo.

Học ngoại ngữ sớm có nhiều cái lợi

Đang có con trai theo học tại một trường mầm non quốc tế, chị Nguyễn Thanh Nga (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, việc Bộ GD&ĐT chỉ đạo cấm dạy thêm ngoại ngữ cho trẻ mầm non là chưa thích đáng.

“Con tôi bắt đầu học tiếng Anh từ lúc 4 tuổi. Thời gian đầu, tôi cũng khá lo lắng về việc để con học tiếng Anh sớm sẽ quên tiếng mẹ đẻ. Nhưng sau một thời gian cho con làm quen với ngoại ngữ, giờ cháu có thể phát âm khá chuẩn và nhận mặt chữ rất nhanh. Khả năng tư duy về mọi thứ xung quanh cũng tốt hơn. Theo tôi, việc trẻ học ngoại ngữ sớm không để lại hệ quả xấu. Chỉ cần có phương pháp dạy khoa học và tạo được hứng thú cho trẻ”.

Có hai con, một bé học lớp 3, một bé học mẫu giáo- đều được tiếp xúc với tiếng Anh ngay từ nhỏ, anh Nguyễn Văn Thành (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Việc cho trẻ học ngoại ngữ sớm có rất nhiều cái lợi. Cháu đầu tôi cho đi học tiếng Anh sớm, giờ cháu giao tiếp khá tốt. Vì vậy, cháu thứ 2, tôi cũng cho đi học lúc hơn 4 tuổi. Giờ cháu có thể nhận được mặt chữ và hát được rất nhiều bài hát tiếng Anh dành cho trẻ em, mặc dù phát âm chưa được chuẩn lắm”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Ninh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN