Trẻ có 3 năm đầu đời cực quan trọng nhưng nhiều bố mẹ biết quá muộn
3 năm đầu đời của trẻ tuy không có gì nổi bật nhưng nó lại là nền tảng vững chắc hình thành nên những tính cách sau này của trẻ.
Nhiều bố mẹ cho rằng, việc dạy dỗ con cái ở tuổi vị thành niên rất khó khăn, đó là sự nổi loạn chứ không phải nghịch ngợm. Thế nhưng trên thực tế, sự nổi loạn ở tuổi thành niên có liên quan rất lớn vào thời thơ ấu của trẻ.
Nhà tâm lý học người Mỹ gốc Đức Erik Erikson từng chỉ ra có 8 giai đoạn trong cuộc đời của một người. Ở mỗi giai đoạn, một người sẽ cần phát triển gì và khủng hoảng nào cần vượt qua.
Nếu trong một giai đoạn nhất định, trẻ không vượt qua một cách thuận lợi, chúng sẽ phát triển một số tính cách xấu, tích lũy những cảm xúc tiêu cực. Nếu những tính cách và cảm xúc này tiếp tục chuyển sang giai đoạn tiếp theo, nó dần dần ảnh hưởng tới cả cuộc đời của một đứa trẻ.
Trong tâm lý học, người ta tin rằng trải nghiệm trong những năm đầu đời của một đứa trẻ rất quan trọng, ảnh hưởng 80% tới tương lai. Đặc biệt trong 3 năm đầu đời là giai đoạn quan trọng nhất để hình thành tính cách của trẻ.
Trẻ 1 tuổi: Nuôi dưỡng lòng tin
Trong quan điểm của một số người, trẻ 1 tuổi chưa biết gì. Thế nhưng, giáo sư nổi tiếng Trung Quốc, bà Lý Mai Cẩn từng nói rằng: “Trong giai đoạn từ lúc trẻ chào đời đến 3 tuổi, dù vất vả, mệt nhọc đến đâu người mẹ cũng phải tự tay chăm sóc con mình”.
Lý giải cho điều này, giáo sư Lý Mai Cẩn giải thích: “Nếu một đứa trẻ vừa sinh ra chưa được bao lâu nhưng bị giao cho ông bà chăm sóc và bận rộn với công việc. Đứa trẻ sẽ có xu hướng xem bà là mẹ mình, chỉ thích sống với bà và xem mẹ ruột như người xa lạ”.
Đối diện với trường hợp này, người mẹ thấy rằng công sức mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày không bằng với việc người khác chăm sóc trong vài năm đầu đời. Một số bà mẹ tức giận và phàn nàn rằng, con mình bất hiếu. Thế nhưng, họ không biết rằng, năm đầu tiên khi trẻ mới sinh ra lại vô cùng quan trọng.
Từ lúc mới sinh ra đến khi trẻ được 1,5 tuổi, đây là giai đoạn trẻ phát triển cảm giác tin tưởng vào người khác. Đây là giai đoạn trẻ thiết lập mối quan hệ gắn bó với người chăm sóc mình thông qua việc đói, khóc, buồn ngủ được người mẹ đáp ứng kịp thời.
Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu xây dựng cảm giác tin tưởng, gắn bó sâu sắc với người chăm sóc mình, thông thường là người mẹ. Chính vì thế, người mẹ có thể nói rằng là cả thế giới đối với một đứa trẻ. Trong gia đình, con cái thường có xu hướng tin tưởng và yêu thương mẹ mình hơn cũng là vì lý do này.
Khi một đứa trẻ có được cảm giác tin tưởng, chúng sẽ có thái độ lạc quan và tích cực vào cuộc sống hơn.
Ngược lại, nếu trong năm đầu tiên trẻ không có người chăm sóc để xây dựng cảm giác tin tưởng, chúng sẽ bất an, sợ hãi, bi quan về mọi thứ.
Vì vậy, trong năm này, dù trẻ chưa biết nói, chưa biết đi, chưa làm được gì cả nhưng tính cách của chúng đã bắt đầu hình thành. Nếu bố mẹ muốn con mình sau này ngoan ngoãn, gần gũi với gia đình, hãy ở bên cạnh chăm sóc ít nhất cho tới khi trẻ được 1 tuổi.
Trẻ 2 tuổi: Nuôi dưỡng ý thức tự chủ
Đến 2 tuổi, trẻ đã có thể biết nói, biết đi. Từ 1,5 – 3 tuổi là giai đoạn thứ 2 trong 8 giai đoạn của cuộc đời. Nhiệm vụ chính của trẻ lúc này là phát triển ý thức tự chủ.
Nếu gia đình có một đứa trẻ 2 tuổi, rất khó để giữ nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng. Trẻ lúc này thường rất nghịch phá, leo trèo khắp nơi, chạm cái này sờ cái kia, chạy nhảy lung tung. Trên thực tế, trẻ chỉ muốn đạt được cảm giác tự chủ bằng cách kiểm soát cơ thể của mình theo ý muốn.
Ở giai đoạn này, bố mẹ cần kiên nhẫn rất nhiều, cho phép trẻ khám phá nhiều thứ để có được cảm giác tự chủ.
Nếu ở giai đoạn này, bố mẹ không cho phép trẻ được làm những gì chúng muốn chẳng hạn như không cho phép trẻ chạm tay vào thứ gì đó, thậm chí đánh vào tay. Điều này sẽ khiến trẻ hình thành cảm giác xấu hổ và thiếu tự tin. Khi lớn lên, trẻ sẽ dễ bỏ cuộc nửa chừng trong việc học và cả công việc.
Trẻ 3 tuổi: Nuôi dưỡng sự chủ động
3 tuổi là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của một đứa trẻ. Trước 3 tuổi, nhiều hoạt động của trẻ bị bố mẹ chi phối nhưng sau 3 tuổi, chúng sẽ bắt đầu chủ động làm mọi thứ theo ý mình.
Đây là giai đoạn thứ 3 trong cuộc đời, trẻ sẽ phát triển tính chủ động. Ở giai đoạn này, trẻ sẽ có những chính kiến của mình, không phải lúc nào cũng nghe lời bố mẹ. Trẻ rất thích được tự mình làm thay vì để bố mẹ làm thay.
Lúc này, trẻ thường hay nói câu “để con làm” mỗi khi uống sữa, mặc quần áo, dọn dẹp đồ… Có thể trẻ sẽ không làm tốt mọi thứ, thậm chí còn làm rối tung lên nhưng bố mẹ không nên trách móc, nếu không trẻ sẽ hình thành tính thoái thác, lười biếng. Cách xử lý của bố mẹ không nên để trẻ cảm thấy mình đang mắc lỗi nghiêm trọng, ngược lại nên khuyến khích trẻ chịu trách nhiệm nếu sai thì sửa.
Một đứa trẻ có tinh thần chủ động khi học hay làm việc đều có mục đích, kế hoạch, chiến lược để đạt được điều bản thân muốn. Hơn nữa, trẻ sẽ tự tin, lạc quan khi đối mặt với khó khăn, luôn nghĩ mình có thể tìm ra cách giải quyết vấn đề.
Nguồn: [Link nguồn]
Việc nuôi dạy bé trai sẽ khác rất nhiều so với bé gái và bố mẹ cũng cần bỏ nhiều công sức hơn.