Trẻ bị stress do áp lực thi cử, cha mẹ cần làm gì?
Hiện đang là mùa thi chuyển cấp, nhiều gia đình đã “kỳ vọng” quá nhiều vào con, khiến trẻ luôn phải nỗ lực cố gắng để vượt qua. Bên cạnh những ưu điểm thì việc này đã gây áp lực rất lớn cho trẻ, dẫn đến tình trạng stress của trẻ ngày càng tăng cao.
Áp lực thi cử tốt và không tốt
Thực tế cho thấy áp lực mùa thi luôn có tính 2 mặt, nếu ở mức độ vừa phải, nghĩa là stress nhẹ thì nó huy động nguồn lực giúp con người vượt qua và thành công hơn.
Tuy nhiên, việc áp lực nhiều, stress nặng, căng thẳng thường xuyên và với cường độ cao, sẽ khiến con người khó có thể vượt qua. Điều này sẽ dẫn đến tình trạng trẻ chán nản, phá vỡ ứng xử… gây ra cảm giác vô cùng khó chịu, thúc đẩy những hành vi mất kiểm soát, có thể gây nguy hiểm cho người khác.
Và như chúng ta cũng thấy rằng, ngay cả ở người lớn, không phải ai cũng có kỹ năng giải quyết tốt những căng thẳng tâm lý tiêu cực. Ở trẻ em điều này còn thể hiện rõ nét hơn, đặc biệt là đối với trẻ em đang trong độ tuổi học đường.
Nghĩa là trẻ ở độ tuổi chưa phát triển ổn định về mặt tâm lý, ở giai đoạn phát triển tâm lý lứa tuổi học đường khá phức tạp. Nếu xảy ra căng thẳng tâm lý, sẽ có thể gây rối loạn hành vi và cảm xúc của trẻ. Nếu sức khỏe tâm thần của bản thân bị mất kiểm soát, sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lý, gây hậu quả khôn lường.
Ngoài ra, đối với các bạn học sinh, trong đó thường gặp là học sinh cấp 2, cấp 3, có nhiều tình huống ở trường học cũng gây lo lắng, căng thẳng cho trẻ. Thường gặp nhất là trẻ bị áp lực học tập của thầy cô, bạn bè… ganh đua điểm thi, do không làm được bài tập ở nhà.
Tại phòng khám, nhiều câu chuyện được ghi nhận của các học sinh ở mọi lứa tuổi, với nhiều biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau. Nhưng hầu hết các trẻ đều có những biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc, thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp…
Nhiều trẻ đã chia sẻ rằng, do gia đình kèm cặp, chăm sóc, kỳ vọng quá nhiều, nên đã gây áp lực lớn đối với trẻ. Một số trẻ cho biết sự quan tâm chăm sóc tới mức "ngộp thở" của cha mẹ sẽ dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ.
Không nên gây nhiều áp lực cho trẻ, vì điều này dễ dẫn đến stress và rối loạn tâm lý. Ảnh minh hoạ.
Cách phát hiện stress ở trẻ
Hàng năm, vào mùa thi, tỷ lệ học sinh bị các rối loạn về tâm lý liên quan đến những căng thẳng, áp lực học và thi cử lại tăng cao. Những áp lực này có thể khiến trẻ lo âu, sợ hãi mà không thể kiểm soát được. Đó thực sự là vấn đề rất nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến kết quả bài thi của trẻ.
Các rối loạn lo âu như vậy khi vào mùa thi với các biểu hiện như trẻ vã mồ hôi, hồi hộp đập trống ngực, tim đập nhanh.
Trẻ có cảm giác buồn nôn, đau bụng, muốn đi vệ sinh. Run tay chân, ngủ kém, cảm giác đau đầu, đau các cơ. Cảm xúc của trẻ không ổn định có thể dễ khóc lóc, lo lắng, bồn chồn, bứt rứt, khó chịu, đứng ngồi không yên và phản ứng quá căng thẳng trước những sự việc thường nhật hàng ngày, không thể thoát ra khỏi được sự lo lắng đó.
Ngoài những vấn đề lo lắng quá mức do thi cử, có nhiều trường hợp trẻ bị căng thẳng gây ra tình trạng trầm cảm, thậm chí tử tự do thất vọng với bản thân.Cha mẹ hãy là người đồng hành cùng con trong mùa thi
Để giúp con vượt qua các kỳ thi đạt kết quả tốt, cha mẹ nên đánh giá đúng năng lực của trẻ. Điều này cũng tránh trẻ bị rối loạn tâm lý, tâm thần, cha mẹ cần động viên khuyến khích trẻ học, không nên tạo áp lực quá lớn cho trẻ về mặt thành tích.
Mặc dù việc thi cử là rất quan trọng, song các bậc cha mẹ cố gắng giữ cho trẻ học tập, sinh hoạt, vui chơi bình thường, tránh áp lực căng thẳng, xây dựng thói quen học tập với thời gian sinh hoạt hợp lý.
Hãy cùng trẻ thu xếp một quỹ thời gian biểu học tập hợp lý, đảm bảo đủ thời gian cho trẻ giải quyết khối lượng bài tập, tránh để trẻ bị thiếu ngủ, vì điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Cần cho trẻ nghỉ giữa giờ khi làm bài tập, khoảng 45 – 60 phút học nên cho trẻ nghỉ giải lao 5 - 10 phút trước khi tiếp tục. Biện pháp này tuy đơn giản nhưng lại rất có hiệu quả trong việc giúp trẻ lấy lại năng lượng và làm đầu óc tỉnh táo.
Cha mẹ hãy quan tâm, dành thời gian trò chuyện với con cái, hãy là chỗ dựa tinh thần để con cái có thể bộc lộ cảm xúc, tâm tư, lắng nghe, quan sát, phát hiện những thay đổi tâm lý của con, dù là nhỏ, để có thể can thiệp kịp thời.
Cuối cùng, các bậc cha mẹ chúng ta hãy luôn quan tâm đến tình hình sức khỏe, sức học của con mình, để giúp con mình được phát triển một cách cân bằng nhất.
Không nên gây nhiều áp lực cho con, không mắng mỏ, la rầy trẻ để tránh con bị tâm lý, dễ dẫn đến stress và rối loạn tâm lý. Khi thấy trẻ có dấu hiệu lạ như: Ngủ lâu hoặc ít ngủ, cáu giận, bực bội, ăn uống thất thường... thì cần theo dõi sát sao và đưa trẻ đi kiểm tra.
Nguồn: [Link nguồn]
Mỗi lần nghĩ tới chuyện đi học trẻ lại cảm thấy căng thẳng và sợ hãi. Điều này ngày càng khiến cho trẻ mất ngủ, không tập trung vào học, học lực giảm sút.