Tránh trượt oan vì nhập sai dữ liệu

Thời gian để thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) còn rất ngắn. Tuy vậy, không phải cứ nộp hồ sơ đầy đủ là xong việc. Những năm trước, chuyện thí sinh bị trượt ĐH oan có phần lỗi chính của những người nhập dữ liệu nhưng thí sinh cũng không hẳn vô can.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh Như Ý

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2019. Ảnh Như Ý

Năm 2019, trường ĐH Hà Nội tiếp nhận 2 kiến nghị của thí sinh T.H.M và N.T.M.; Sau khi xem xét, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Hà Nội xác định hai thí sinh đã đạt điểm trúng tuyển vào ngành Ngôn ngữ Anh theo thứ tự trong danh sách đăng kí nguyện vọng.

Trường Đại học Hà Nội phải làm 2 công văn đề nghị: trường ĐH Thương mại xóa tên thí sinh T.H.M trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Thương mại) sang trúng tuyển nguyện vọng 1 (trường ĐH Hà Nội); một công văn nữa yêu cầu trường ĐH Vinh xóa tên thí sinh N.T.M.P trong danh sách trúng tuyển năm 2019 của trường và Bộ GD&ĐT chuyển dữ liệu của thí sinh này trên cổng thông tin nghiệp vụ tuyển sinh từ trúng tuyển nguyện vọng 3 (trường ĐH Vinh) sang trúng tuyển nguyện vọng 2 (trường ĐH Hà Nội).

Lý do dẫn đến những sai sót này được cán bộ tuyển sinh của trường ĐH Hà Nội lý giải do cán bộ nhập liệu không soát xét kỹ các minh chứng ưu tiên của thí sinh, dẫn đến thí sinh được tăng điểm nên sẽ trúng tuyển ở các nguyện vọng cao hơn.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2019, thí sinh B.T.L.,  trường Dân tộc nội trú, tỉnh Thanh Hóa đăng ký nguyện vọng xét tuyển ĐH, cùng lúc với thời điểm nộp hồ sơ đăng ký dự thi THPT quốc gia 2019. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019, điểm thi ba môn xét tuyển đại học và điểm cộng ưu tiên của L. đạt 25,4. Theo điểm chuẩn năm 2019 trường ĐH Y dược TPHCM công bố, L. lẽ ra được trúng tuyển. Tuy nhiên khi tra cứu danh sách trúng tuyển, L. lại không thấy tên mình.

Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Anh Toàn thông tin xác minh hồ sơ của thí sinh L. cho thấy, sai sót đầu tiên thuộc về nhân viên của nhà trường nhập sai dữ liệu đăng ký xét tuyển của thí sinh này. Trong khi bản thân em L. cũng mắc lỗi do sau khi nộp hồ sơ lại không kiểm tra lại thông tin của mình nên dẫn đến sai sót.

Theo ông Bùi Việt Toàn, Phó Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Hà Nội, ngoài lỗi của cán bộ nhập dữ liệu thi, tuyển sinh thì trách nhiệm một phần cũng thuộc về các thí sinh. Sau khi hết hạn nộp hồ sơ, nếu thí sinh phát hiện có sai sót thông tin nhất là viết sai phiếu đăng kí dự thi phải thông báo kịp thời cho hiệu trưởng trường THPT hoặc thủ trưởng đơn vị nơi đăng kí dự thi hoặc cho trường điểm thi trong ngày làm thủ tục dự thi để sửa chữa, bổ sung. Ngoài ra, thí sinh còn một lần điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết điểm thi. Đây cũng chính là cơ hội để thí sinh “sửa sai” nếu thấy dữ liệu đăng ký của mình có vấn đề.

Còn  theo quy định của Bộ GD&ĐT sau khi thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển, nhân viên phụ trách tiếp nhận sẽ nhập dữ liệu lên máy tính rồi in ra để thí sinh kiểm tra và ký xác nhận. Sau đó, cán bộ điểm thu nhận hồ sơ mới nhập dữ liệu lên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT.

Theo quy chế, thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin. Nên về nguyên tắc nếu lỗi hoàn toàn thuộc về điểm thu nhận hồ sơ hoặc nhà trường thì Sở GD&ĐT phải chịu trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho thi sinh.

Tuy nhiên, theo ông Bùi Việt Toàn, thí sinh cũng cần phải xem lại thông tin của mình sau khi dữ liệu được đưa lên cổng tuyển sinh chung của Bộ. Vì mỗi thí sinh có một tài khoản, một mật khẩu riêng để kiểm tra thông tin và có thể để điều chỉnh nguyện vọng. Nếu phát hiện sai sót, thí sinh cần phải báo kịp thời  để tránh mất quyền lợi về sau.

Với những trường hợp hợp sai sót như trên, Bộ GD&ĐT cho rằng nhiều khả năng, sau khi cán bộ nhận hồ sơ nhập dữ liệu sai, rồi in ra thí sinh không đọc kỹ và ký tên xác nhận luôn. Sau đó, theo quy chế thí sinh còn có thời gian để kiểm tra lại thông tin bằng tài khoản cá nhân nhưng thí sinh lại chủ quan không kiểm tra lại dẫn đến sai lệch thông tin.

Nguồn: [Link nguồn]

Đăng ký xét tuyển sinh đại học: 'Mưa' nguyện vọng

Ngày 30/6 sẽ kết thúc thời gian đăng ký thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020. Ghi nhận mấy ngày qua cho thấy,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nghiêm Huê ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN