Tránh rủi ro khi sát nút mới đăng ký nguyện vọng

Đến 17 giờ ngày 30-7, hệ thống tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đóng lại và lúc này các thí sinh không thể đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học

Theo quy định, thí sinh phải thực hiện đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) hoặc Cổng Dịch vụ công quốc gia đến 17 giờ ngày 30-7.

Đừng chờ đến phút cuối cùng

PGS-TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, lưu ý thí sinh không nên chờ đến sát thời điểm cuối cùng mới đăng ký bởi việc đó rất rủi ro. Theo bà Nguyễn Thu Thủy, việc chờ đến sát thời điểm cuối cùng có thể gặp sự cố do nhiều người đăng ký, gây nghẽn mạng.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cũng nhắn nhủ thí sinh cần nắm vững các nguyên tắc khi đăng ký xét tuyển. Cụ thể, tất cả các nguyện vọng đều phải đăng ký trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT. Điều này đồng nghĩa với việc các thí sinh dù đã đủ điều kiện trúng tuyển ở các phương thức xét tuyển sớm vẫn phải đăng ký xác nhận lại nguyện vọng trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh được xem đã từ bỏ quyền trúng tuyển vào ngành/trường đó.

Tuy nhiên, nguyện vọng sẽ được xét từ trên xuống dưới, do đó nguyện vọng mong muốn được học hơn thì xếp ưu tiên hơn. Khi đã trúng tuyển nguyện vọng 1 thì các nguyện vọng sau sẽ được loại bỏ, trong trường hợp thí sinh không đủ đạt nguyện vọng 1 thì sẽ xét tiếp nguyện vọng 2, không đạt nguyện vọng 2 sẽ xét xuống nguyện vọng 3...

Khi đăng ký lên hệ thống của bộ, thí sinh có thể không đặt ưu tiên lên trên tất cả các trường đã xác nhận đủ điều kiện xét tuyển sớm. Thay vào đó, thí sinh có thể đặt nguyện vọng 1 là một nguyện vọng khác. Cụ thể, với những nguyện vọng trúng tuyển sớm, nếu thí sinh chưa thật sự yêu thích có thể đặt những nguyện vọng này xuống dưới và đưa những nguyện vọng yêu thích nhưng chưa trúng tuyển lên trên.

Bà Nguyễn Thu Thủy cho hay trong trường hợp này, nếu đăng ký các nguyện vọng trúng tuyển xét tuyển sớm, thì khi không đậu các nguyện vọng phía trên, thí sinh yên tâm chắc chắn sẽ đậu các nguyện vọng xét tuyển sớm nếu đã đủ điều kiện.

Thí sinh TP HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 Ảnh: Hoàng Triều

Thí sinh TP HCM dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 Ảnh: Hoàng Triều

Đừng đăng ký quá nhiều hoặc quá ít

Theo quy chế tuyển sinh, mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển không giới hạn số nguyện vọng, số trường. Thí sinh phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp, trong đó nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất. Các chuyên gia lưu ý thí sinh phải sớm đăng ký hoặc rà soát lại các nguyện vọng đã đăng ký để tránh trường hợp phải trắng tay trong kỳ xét tuyển ĐH năm nay.

ThS Lê Trọng Tuyến, Phó trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Tài chính - Marketing, lưu ý xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần lưu ý điểm sàn mà các trường đã công bố. Thí sinh khi đăng ký xét tuyển cần đăng ký ngành đúng đam mê, sở thích, đăng ký vào trường nào phù hợp năng lực, chương trình đào tạo nào phù hợp, học phí… Thí sinh cần liệt kê rõ ràng sau đó sắp xếp nguyện vọng, nguyện vọng 1 là yêu thích nhất và thứ tự các nguyện vọng ưu tiên giảm dần. Dựa vào điểm thi, điểm chuẩn tham khảo, thí sinh cần sắp xếp nguyện vọng theo các nhóm nguyện vọng vào ngành/trường yêu thích nhất, nhóm nguyện vọng vào ngành/trường có khả năng trúng tuyển và nhóm nguyện vọng vào ngành/trường chắc chắn trúng tuyển.

ThS Lưu Thị Lan Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn - Tuyển sinh, Trường ĐH Văn Hiến, khuyên thí sinh không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng dẫn đến sự phân tán trong việc lựa chọn ngành nghề và sắp xếp thứ tự nguyện vọng. Tham khảo điểm chuẩn năm 2023, thí sinh chỉ nên đặt 6 đến 8 nguyện vọng. Thí sinh nên hoàn tất đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng trước hạn chót 1-2 ngày.

Bà Nguyễn Thu Thủy dặn dò khi thí sinh vẫn còn mong mỏi ở những ngành, trường học khác yêu thích hơn, các em nên có chiến lược, chiến thuật đăng ký nguyện vọng một cách phù hợp. "Các em không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào một tốp những ngành, trường có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu chúng ta đã không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cũng khó trúng tuyển" - bà Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh. 

Cần nhớ khâu nộp lệ phí

Sau khi thí sinh hoàn thành đăng ký nguyện vọng, hệ thống sẽ triển khai việc xét tuyển và xử lý nguyện vọng, thời gian lọc xử lý nguyện vọng kéo dài từ ngày 13-8 đến 17 giờ ngày 17-8.

Từ 31-7 đến 17 giờ ngày 6-8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến. Thí sinh cần đặc biệt chú ý, nếu không thực hiện bước này hoặc thực hiện nhưng không nộp đầy đủ lệ phí (nộp trong 1 lần), hệ thống sẽ không chấp nhận việc đăng ký nguyện vọng. Các năm trước đã từng có thí sinh quên không thực hiện bước này.

Chậm nhất là 17 giờ ngày 19-8, các trường ĐH trên cả nước sẽ công bố điểm chuẩn và thông báo kết quả trúng tuyển đợt 1 cho thí sinh.

Trong số gần 200 trường đại học công bố điểm sàn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, có nhiều trường đại học còn đưa ra mức điểm chỉ 14.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Anh - Huy Lân ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN