Tranh luận quanh việc phạt học sinh 3,7 triệu đồng vì chế thông báo lộ đề thi

Sự kiện: Giáo dục

Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xử phạt vi phạm hành chính với mức tiền phạt là 3.750.000 đồng đối với học sinh vì hành vi giả mạo văn bản của Sở GD&ĐT để trêu đùa. Luật sư cho rằng, không nên xử phạt tiền đối với học sinh (người chưa làm ra tiền) mà có biện pháp xử lý khác như nhắc nhở, để phù hợp với thực tế hơn.

Luật sư cho rằng, không nên xử phạt tiền đối với học sinh (người chưa làm ra tiền) mà nên nhắc nhở.

Luật sư cho rằng, không nên xử phạt tiền đối với học sinh (người chưa làm ra tiền) mà nên nhắc nhở.

Như Tiền Phong đã thông tin Công an tỉnh Vĩnh Phúc vừa ra quyết định xử phạt một học sinh lớp 11 với số tiền là 3.750.000 đồng vì cắt ghép, chỉnh sửa, giả mạo văn bản của Sở GD&ĐT về nội dung thông báo học sinh khối 10, 11 phải thi lại vì lộ đề.

Cụ thể, ngày 25/6/2020, trên mạng xã hội xuất hiện, lan truyền một văn bản mạo danh Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc. Văn bản này có nội dung xuyên tạc về việc lộ đề kì thi khảo sát chất lượng của học sinh Vĩnh Phúc, dẫn đến phải tổ chức thi lại vào các ngày sau đó. Thông tin có ảnh hưởng đến hàng chục nghìn học sinh lớp 10, 11 nói riêng, lập tức gây hoang mang, bức xúc trong dư luận.

Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã xác định có 3 trường hợp liên quan đến vụ việc, đều là học sinh lớp 11 của một trường THPT thuộc huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Trong đó, học sinh N. V. A (tên học sinh đã được thay đổi), đã sử dụng các ứng dụng từ điện thoại, tạo lập văn bản giả mạo của Sở bằng cách cắt, ghép, chỉnh sửa, tạo ra nội dung thông báo học sinh khối 10, 11 phải thi lại do lộ đề. Sau đó, N. V. A đăng trên nhóm chat facebook để trêu đùa các bạn trong nhóm. Trong quá trình điều tra, N. V. A đã thành khẩn khai nhận do hiếu động, nghịch ngợm và nhận thức về pháp luật còn hạn chế dẫn đến sự việc đáng tiếc nêu trên.

Hai học sinh còn lại được xác định do vô ý đã chia sẻ văn bản giả mạo trên của N. V. A. Các trường hợp này đã nhận thức được việc làm như trên là vi phạm pháp luật, đã tự gỡ bỏ hình ảnh giả mạo khi các bạn cùng lớp có ý kiến.

Xét thấy vụ việc là bộc phát cá nhân của một học sinh, không có yếu tố tổ chức, không có người chủ mưu xúi giục và không có mục đích chống phá liên quan đến an ninh quốc gia, an ninh trong lĩnh vực giáo dục, Cơ quan Công an đã phân tích, giáo dục, nhắc nhở, giao cho gia đình và nhà trường quản lý.

Riêng với N. V. A, Công an tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Điểm a, Khoản 1, Điều 101, Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/2/2020 của Chính phủ với mức tiền phạt là 3,75 triệu đồng. N. V. A và gia đình đã chấp hành, thi hành xong quyết định, đồng thời cam kết không tái phạm để tiếp tục học tập.

Nhiều người cho rằng, việc xử lý như trên sẽ là bài học cảnh tỉnh các em học sinh trong vấn đề ứng xử và an toàn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một số người nêu ý kiến, việc xử phạt đối với các em học sinh (người chưa làm ra tiền) là chưa thật cần thiết mà chỉ nên giáo dục, nhắc nhở, giao cho gia đình quản lý.

Luật sư Nguyễn Văn Nguyên, Cty Luật Hưng Nguyên cho rằng, cơ quan Công an đã xác định người làm ra văn bản trên là học sinh lớp 11. Ở lứa tuổi này nhận thức pháp luật của các em còn hạn chế, hiểu biết xã hội chưa đầy đủ dẫn đến việc làm do bộc phát nên cũng cần được lượng khoan hồng của pháp luật và xã hội. “Việc xử lý hành chính trường hợp này là đủ sức răn đe và giáo dục người vi phạm. Nếu em đó có tài sản, thu nhập riêng thì em đó phải nộp còn nếu không có thì bố mẹ của em nó sẽ có trách nhiệm”- LS Nguyên nhận định.

Còn luật sư Vũ Văn Sang, Văn phòng Luật sư Thanh Nghĩa (Đoàn Luật sư tỉnh Thái Nguyên) cho rằng, trường hợp này, việc xử phạt tiền của cơ quan công an là đúng các quy định của pháp luật. Nhưng để hợp lý thuyết phục hơn cần xử lý bằng biện pháp khác như nhắc nhở. Bởi các cháu chia sẻ trong nhóm không có tính chất nguy hiểm cho xã hội, phạm vi rất hẹp chưa nói đến động cơ mục đích chỉ là đùa nghịch của tuổi học trò, chưa hiểu biết pháp luật (như cơ quan công an thông tin). Hơn nữa các cháu là học sinh vi phạm lần đầu, chưa làm ra tiền, chưa hiểu giá trị đồng tiền, xử phạt tiền là xử phạt bố mẹ các cháu. Việc quy định xử phạt tiền trong trường hợp này có thể chưa hợp lý, chưa phù hợp với thực tế (Luật cần có quy định cụ thể hơn trong trường hợp này). 

Điều 21 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi.

Điều 14 Nghị định 81/2013/NĐ-CP ngày 19-7-2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính, thì xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên được quy định như sau:

1. Khi tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên, trường hợp không xác định được chính xác tuổi để áp dụng hình thức xử phạt, thì người có thẩm quyền xử phạt lựa chọn áp dụng hình thức xử phạt có lợi nhất cho người vi phạm.

2. Trước khi quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt hành chính phải xem xét các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở quy định tại Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 15 của nghị định này. Chỉ ra quyết định xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên khi không đủ các điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở.

Biện pháp nhắc nhở được quy định tại Điều 139 Luật Xử lý vi phạm hành chính như sau:

1. Nhắc nhở là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính để chỉ ra những vi phạm do người chưa thành niên thực hiện, được thực hiện đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính mà theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính khi có đủ các điều kiện sau: a) Vi phạm hành chính theo quy định bị phạt cảnh cáo. b) Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. 2. Căn cứ quy định tại khoản 1 điều này, người có thẩm quyền xử phạt quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở, thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ.

Và tại Điều 15 Nghị định 81/2013/NĐ-CP:

1. Biện pháp nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình.

2. Đối tượng và điều kiện áp dụng biện pháp nhắc nhở: a) Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. b) Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình. 3. Người có thẩm quyền xử phạt căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 2 điều này để xem xét, quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở. Việc nhắc nhở được thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập thành biên bản.

Nguồn: [Link nguồn]

Nghi lộ đề, hàng nghìn học sinh lớp 9 ở Hà Nội phải dừng kiểm tra học kỳ

Ngày 25/12, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, ông Nguyễn Quý Trang cho biết, đơn vị...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Long Vân ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN