Tranh cãi bài phân tích Sóng đầy "triết học" của thủ khoa năm 2020: Sâu sắc hay sáo rỗng?
Là thủ khoa khối D14 kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 với 9,75 điểm môn Ngữ văn, nam sinh Võ Lập Phúc đang gây tranh cãi khi đăng tải bài phân tích “Sóng” của tác giả Xuân Quỳnh.
Mới đây, netizen xôn xao với bài làm văn theo đề thi tốt nghiệp THPT 2021 của thủ khoa toàn quốc khối D14 năm 2020 Võ Lập Phúc. Hiện Phúc đang là sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Trước đó, nam sinh đến từ An Giang nổi lên với điểm thi ĐH “đỉnh của chóp” là 29,1, trong đó môn Lịch sử và môn Ngữ văn đều đạt 9,75, môn tiếng Anh là 9,6 điểm.
Hiện Lập Phúc đang là sinh viên khoa Lịch sử, trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Ảnh: FBNV.
Dù thi từ năm 2020 nhưng Phúc đã thử thực hiện câu Nghị luận văn học (5 điểm) trong đề thi ngữ Văn năm nay. Theo yêu cầu của đề, thí sinh sẽ trình bày cảm nhận về 3 đoạn thơ được trích trong tác phẩm Sóng, từ đó nhận xét về vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh.
Ngay từ phần mở bài, Phúc đã "nhập đề" với kiến thức liên quan đến triết học. Ảnh: FBNV.
Trích một đoạn phân tích "ngồn ngộn" những ngôn từ hàm súc trong bài làm của Lập Phúc. Ảnh: FBNV.
Ngay sau khi bài văn được đăng tải, hầu hết netizen bày tỏ sự trầm trồ ngưỡng mộ vì kiến thức sâu rộng, cách lập luận độc đáo và nhất là ngôn từ "bác học", được nhiều người nhận xét là “đậm chất triết học”. Từ những dòng đầu tiên, Lập Phúc đã đặt vấn đề đi từ khía cạnh triết học: "Nền tảng là một khái niệm đồng thời mang tính vật chất lẫn vi vật chất..."
Tuy nhiên, bên dưới phần bình luận, không ít ý kiến tranh cãi về bài phân tích của nam sinh này. Trong đó chủ yếu là những ý kiến cho rằng bài văn của nam sinh tuy ngồn ngộn những từ ngữ hàm súc nhưng lại thiếu cảm xúc, khiến người đọc thấy ngộp thay vì "cảm" được tác phẩm.
Tài khoản có tên viết tắt là H.T.P bình luận: “Có lẽ anh người thường nên không cảm nhận được đây là một bài văn hay. Giọng điệu riêng không có, quá lạm dụng cách viết khoa trương, khoe chữ khiến bài viết sa đà vào kể lể dài dòng mà không làm bật lên được sự mềm mại- nữ tính trong thơ của Xuân Quỳnh. Tuy nhiên em cũng phân tích khá có ý, có vốn từ rộng. Nhưng một bài văn thế này được làm mẫu cho một bài văn điểm cao sẽ khá nguy hiểm.
Trước tiên, một bài văn hay phải là một bài văn đủ, đủ ý, đủ chạm, có giọng điệu riêng. Đủ ý: Cũng không hoàn toàn đủ mà nhờ những câu chữ “đao to búa lớn” đã lấp vào; giọng điệu riêng: Không có; sự mượt mà: Không có. Nói trắng ra đây là cách viết văn sáo rỗng mà bất kỳ học sinh giỏi Văn nào cũng cần tránh.”
Hai trang cuối trong bài làm của nam sinh An Giang. Ảnh: FBNV.
Tài khoản T.B.N cho rằng: “Khi xét về khía cạnh nội dung, bài làm của Lập Phúc vẫn có phần hơi “chênh” so với bản thân bài thơ Sóng. Bởi lẽ, thơ Xuân Quỳnh vốn gây ấn tượng với người đọc bởi giọng thơ hồn nhiên, giàu trực cảm; khát vọng tình yêu nồng nhiệt. Thế nên việc ứng dụng kiến thức triết học, ngôn từ bác học vào việc phân tích phần nào khiến bài thơ trở nên khô khan, mất đi cảm xúc ban đầu.”
Chia sẻ với HHTO, cô P.T.T.N (giáo viên môn Văn đang công tác tại một trường THPT ở TP.HCM) bày tỏ, sở dĩ bài phân tích của Lập Phúc dài hơn 10 mặt giấy, một phần vì nội dung, một phần vì câu từ quá trau chuốt, có cảm giác như đang “làm duyên câu chữ mà bất chấp ý nghĩa”.
Bên cạnh những bình luận bày tỏ quan điểm cá nhân, trên nhiều diễn đàn, không ít netizen chê trách, mổ xẻ bài văn bằng những từ ngữ nặng nề, nặng tính tiêu cực. Có thể thấy, đây chỉ là một bài làm cá nhân, được Lập Phúc thực hiện và đăng tải với mục đích cung cấp thêm một nguồn tham khảo.
Nhiều bình luận cho rằng, netizen nên góp ý nhẹ nhàng với "chính chủ". Ảnh: Chụp màn hình.
Chính vì vậy, nhiều người đã nhanh chóng giải vây, đồng thời đưa ra lời động viên, khích lệ niềm đam mê văn chương của nam sinh An Giang, nổi bật là ý kiến: “Mỗi người có hành trình lớn lên của riêng mình trong thế giới của ngôn từ, của sáng tạo và của nghệ thuật. Việc Phúc dùng những khái niệm triết học cao siêu hay lối viết học thuật lý luận không đáng bị phê phán và cười cợt như thể đó là một "abomination" (điều bị hắt hủi), một thứ kì dị.
Hãy mừng cho bạn vì ở tuổi đó, bạn có một sự say mê với con từ, và bạn biết cách biến bài phân tích của mình trở thành một bài phân tích độc nhất, mang đậm phong cách cá nhân của mình nhất, trong khi rất nhiều người khác ở tuổi đó phải chờ thêm tầm 5 - 6 năm nữa mới xác định và "viết ra" được bản dạng của mình... Hãy nuôi dưỡng chứ đừng giết chết một writer (cây bút) tiềm năng trong tương lai chỉ vì bạn hành văn đúng với con người mình.”
Trở lại bài làm của Lập Phúc, có thể thấy, với đề bài trình bày “cảm nhận của anh/chị về đoạn thơ trên”, sĩ tử mùa thi 2020 đã đáp ứng được phần nào yêu cầu đề, khi đưa ra cảm quan riêng của bản thân khi đọc thơ Xuân Quỳnh.
Tuy nhiên, vì đã sắp trở thành sinh viên năm 2 của ĐH Sư phạm TP.HCM, trải nghiệm văn học cũng dày dặn hơn so với học sinh cấp 3, thế nên dù là góc độ nhìn nhận, suy nghĩ, nhất là cách ứng dụng triết học vào bài làm văn của anh chàng cũng khác biệt. Bên cạnh đó, vì không chịu áp lực về thời gian, thế nên anh chàng hoàn toàn có thể tự do “múa bút”, khiến bài văn chạm ngưỡng 10 mặt giấy.
Ngày 20/7, theo nguồn tin của Tiền Phong, Hà Nội đã xuất hiện bài thi đạt 9,75 điểm môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT...
Nguồn: [Link nguồn]