Tránh bẫy điểm sàn khi điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học
Những năm trước, điểm sàn và điểm chuẩn nhiều ngành cách nhau đến 5-8 điểm. Nhiều chuyên gia tuyển sinh cảnh báo, nếu chủ quan, thí sinh sẽ rất dễ rơi vào bẫy điểm sàn.
Từ ngày 29/8-5/9, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học (ảnh chụp tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh hồi tháng 3). Ảnh: Diệp An
Các trường ĐH trên cả nước cơ bản đã xét tuyển xong phương thức tuyển sinh riêng và đợi kết quả lọc ảo của Bộ GD&ĐT để ngày 16/9 sẽ công bố điểm chuẩn bằng phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp THPT. Chuẩn bị cho giai đoạn thí sinh điều chỉnh nguyện vọng từ ngày 29/8-5/9, các trường đã công bố mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển để thí sinh lượng sức.
Ðiểm chuẩn dự báo
Nhiều trường ĐH thông báo mức điểm sàn khá thấp (15-16 điểm) như Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường ĐH Điện lực, Trường ĐH Khánh Hòa, Trường ĐH Tây Nguyên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, Trường ĐH Nội vụ Hà Nội, Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM… Thậm chí, nhiều ngành của Trường ĐH Quảng Nam có mức điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ 12,5 điểm (hơn 4 điểm/môn).
Một số trường công bố điểm sàn ở mức từ 20 đến trên 23 điểm, như Trường ĐH Ngoại thương (23,8 điểm), Trường ĐH Bách khoa Hà Nội (23 điểm), Trường ĐH Kinh tế Quốc dân (20 điểm)…
Theo các chuyên gia, điểm sàn xét tuyển chỉ là ngưỡng để nhận hồ sơ xét tuyển vào trường; với nhiều ngành, điểm sàn và điểm chuẩn dường như không liên quan đến nhau vì các trường sẽ xét tuyển theo độ dốc từ cao xuống thấp. Thực tế những năm qua cho thấy điểm trúng tuyển ở một số ngành cao hơn điểm sàn tới 8 điểm. Vì vậy, bẫy điểm sàn thấp vẫn rất phức tạp. Năm 2020, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân công bố điểm sàn nhận hồ sơ tất cả các ngành là 20 điểm/tổ hợp xét tuyển, nhưng điểm chuẩn ngành cao nhất của trường là 28 điểm.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội có điểm sàn năm trước là 23 điểm, trong khi điểm chuẩn ngành cao nhất là 29,04 điểm. Năm nay, điểm sàn của trường này không thay đổi, nhưng để định hướng cho thí sinh, nhà trường đã có dự báo điểm chuẩn cụ thể của từng nhóm ngành.
Có nhóm ngành điểm chuẩn dự kiến bằng mức điểm sàn, nhưng có ngành điểm chuẩn dự kiến là 29 điểm. Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, những dự báo này sẽ tương đối chính xác vì dựa trên những tính toán của trường từ số lượng thí sinh đăng ký hằng năm, chỉ tiêu tuyển sinh và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển. Thí sinh có thể xem mức điểm chuẩn dự báo đó như kim chỉ nam để điều chỉnh nguyện vọng phù hợp trong thời gian tới.
So điểm những năm trước
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, nói rằng, có trường công bố điểm sàn theo nhóm ngành, nhưng cũng có trường đưa ra điểm sàn chung cho tất cả các ngành. “So sánh điểm sàn với điểm chuẩn mấy năm nay tôi nhận thấy, điểm chuẩn thường cao hơn sàn từ 1-3 điểm ở các trường tốp trên, còn nhóm các trường tốp dưới thì thường điểm chuẩn bằng sàn.
Chính vì vậy, nếu căn cứ vào điểm sàn để đăng ký điều chỉnh nguyện vọng sẽ rất nguy hiểm”, ông Dũng nói. Theo ông, với thí sinh có điểm thi cao hơn điểm sàn vài điểm, khả năng trúng tuyển cũng không cao nếu đăng ký vào trường tốp cao, ngành “hot”. Do vậy, thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái khi đăng ký. Nếu điểm thi tốt nghiệp THPT của mình bằng hoặc hơn 1-2 điểm so với điểm chuẩn năm ngoái ở những ngành yêu thích thì khả năng trúng tuyển sẽ cao.
TS. Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Công tác Chính trị Sinh viên, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội, tư vấn thí sinh nên tham khảo điểm sàn so với điểm chuẩn và phổ điểm của từng năm để biết độ chênh lệch, đồng thời tham khảo thêm phân tích của các chuyên gia, thầy cô nhiều kinh nghiệm. Có những ngành điểm chuẩn chỉ bằng sàn hoặc hơn một chút, nhưng có những ngành cao hơn đến gần chục điểm... Vì thế, cần so sánh từng năm cũng như giữa các năm để có được quyết định hợp lý nhất.
Theo nhiều chuyên gia, với những trường tốp trên có những ngành “hot”, nên đặt mức điểm sàn theo nhóm hoặc theo ngành để thí sinh chọn lựa sát hơn.
Trước đây, khi còn kỳ thi “3 chung”, Hội đồng xác định điểm sàn của Bộ GD&ĐT tính toán phương án tối ưu để tạo điều kiện cho các trường xét tuyển để đưa ra mức sàn phù hợp vừa bảo đảm chất lượng vừa có đủ nguồn tuyển cho nhóm khối ngành…, tức là để hạn chế việc hạ sàn với những tổ hợp có phổ điểm thấp nhằm bảo đảm chất lượng đầu vào. Tuy nhiên, hiện nay, các trường được tự chủ tuyển sinh nên tự quyết định điểm sàn nhận hồ sơ xét tuyển nên có trường vì quá lo lắng nên đã hạ mức sàn quá thấp.
Nguồn: [Link nguồn]
Cục Đào tạo, Bộ Công an vừa có công văn gửi các trường Công an Nhân dân về ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào...