Trầm cảm vì thi cử: Con cái chúng ta khổ thật!
Bắt đầu từ tháng 4 cho đến hết tháng 7, theo thống kê của một số phòng khám tâm lý, lượng bệnh nhân là học sinh bị trầm cảm tăng đột biến. Đây là thời gian diễn ra các kỳ thi quan trọng như thi vào THPT và thi Đại học. Có gia đình cả hai con cùng dắt nhau đi tư vấn tâm lý.
Học sinh bị trầm cảm vì thi cử năm sau cao hơn năm trước
Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết: Thực tế những năm gần đây, lượng học sinh đến tư vấn tâm lý trước và sau mỗi kỳ thi đều tăng lên. Điều này phản ánh một thực tế rằng, ngày càng nhiều người đang ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe tâm thần.
Một mặt khác, nó cũng chỉ ra rằng, áp lực học tập, kỳ vọng cao từ gia đình và xã hội có thể dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của học sinh, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng trầm cảm.
Các em học sinh cần được chăm sóc sức khỏe tâm lý khi các kỳ thi đến gần. Ảnh M.H
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi T.Ư, tỷ lệ học sinh bị trầm cảm trong mùa thi tăng cao, chiếm tới 20-30% số học sinh tham gia thi.
Còn theo một nghiên cứu của ĐH Giáo dục (trực thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội), stress là vấn đề học sinh hay gặp nhất, chiếm gần 57%, sau đó đến lo âu trầm cảm chiếm 45%, bên cạnh đó học sinh còn gặp phải khó khăn trong học tập, định hướng nghề nghiệp…
“Nhìn vào lịch học dày đặc và tỉ số “chọi” vào các trường cấp ba hiện nay, tôi chỉ có thể nói rằng: con cháu chúng ta khổ thật! Từ bao giờ mà ngay cả việc thi đỗ vào một trường cấp 3 cũng trở thành cơn ác mộng đè nặng lên tâm trí vẫn còn ăn chưa no lo chưa tới của đám thanh thiếu niên mười lăm mười sáu tuổi. Thời của tôi, mọi người chỉ bị áp lực vì thi Đại học, nó là ngưỡng cửa “người lớn”, là bước chuyển chọn nghề, chọn đường ai cũng phải trải qua.
Song bây giờ áp lực đảo ngược, trẻ con thi cấp 3 mới là cuộc chiến cân não, lên Đại học lại quá thong dong. Có nhiều bất cập ở đây mà nếu không giải quyết rốt ráo, chúng ta mới là người có tội với thế hệ trẻ”. Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thắng chia sẻ trong một hội thảo cải cách giáo dục tại Hà Nội hồi đầu tháng 3.
Bác sĩ tâm lý Hà Trang (Viện tâm lý giáo dục) cho biết: “Ngay chiều hôm qua chúng tôi vừa tiếp hai học sinh là hai chị em có dấu hiệu trầm cảm vì học tập. M.A là học sinh lớp 12 tại một trường THPT chuyên danh tiếng ở Hà Nội. Em luôn học giỏi và được cha mẹ đặt nhiều kỳ vọng.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, M.A bắt đầu có những biểu hiện của trầm cảm như buồn bã, chán nản, mất tập trung trong học tập, và thậm chí có ý nghĩ tự tử. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do M.A phải học tập quá tải. Em học nhiều môn học, làm nhiều bài tập về nhà, tham gia các lớp học thêm, v.v.
Ngoài ra, cha mẹ của M.A cũng thường xuyên so sánh em với bạn bè, tạo áp lực học tập cho em.
Em trai M.A thì lại đang học lớp 9. Em học khá nhưng không xuất sắc. Trong thời gian gần đây, em bắt đầu có những biểu hiện của rối loạn lo âu như lo lắng, bồn chồn, khó ngủ, và sợ hãi. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do em cảm thấy áp lực trước kỳ thi chuyển cấp sắp tới. Em lo lắng rằng mình sẽ không thi đỗ vào trường cấp ba công lập như mong muốn, phụ sự kỳ vọng của cha mẹ và thầy cô”.
Theo bác sĩ Hà Trang, hiện tượng “trẻ hóa của các nạn nhân trầm cảm” những năm gần đây là một dấu hiệu đáng báo động về sức khỏe tâm thần của người Việt.
“Mẹ ơi, con mệt rồi”
“Mẹ ơi, con viết những dòng này trong nước mắt. Con biết mẹ luôn mong muốn điều tốt nhất cho con, nhưng đôi khi con cảm thấy áp lực mẹ đặt lên vai con quá lớn. Con mệt mỏi, chán nản và cảm thấy như không thể thở nổi.
Mỗi ngày, con phải học từ sáng sớm đến tối muộn. Con học chính, học thêm, học ngoại khóa, làm bài tập về nhà, ôn thi... Thời gian của con toàn bộ chỉ dành cho việc học. Con sợ hãi nếu không đạt được điểm cao, sợ không được vào trường đại học tốt, sợ phụ lòng kỳ vọng của mẹ.
Con biết mẹ muốn con học giỏi để có một tương lai tốt đẹp. Nhưng con cũng là một con người, con cũng có những nhu cầu, cảm xúc riêng. Con cũng muốn được vui chơi, được lướt web, đi xem phim với bạn bè.
Mẹ ơi, con mệt rồi. Con không muốn học nữa. Con chỉ muốn được nghỉ ngơi, được thư giãn. Con muốn được là chính mình, được sống một cuộc sống bình thường như bao bạn bè khác.
Con biết mẹ sẽ buồn khi đọc những dòng này. Con xin lỗi mẹ. Con không muốn làm mẹ thất vọng. Nhưng con thực sự không thể chịu đựng được nữa”.
Đây là một lá thư tuyệt mệnh của một nữ sinh cấp 3 gửi cho mẹ mình. Rất may, việc tự tử của nữ sinh không thành. Gia đình phát hiện kịp thời và đã đưa em đi trị liệu tâm lý. Được sự cho phép của mẹ nạn nhân, bác sĩ Hà Trang đã chia sẻ tư liệu này cho bạn đọc Tiền Phong, như một lời cảnh báo với nhiều bậc cha mẹ, khi họ liên tục dồn ép con em mình phải đạt được những kết quả mong muốn trong mỗi kỳ thi cử.
Trong một diễn đàn giáo dục dành cho các học sinh cuối cấp của Trung tâm hỗ trợ và tư vấn tâm lý (ĐH Quốc gia Hà Nội), nhiều học sinh chia sẻ rằng: sự phát triển của mạng xã hội cũng góp phần khiến tình trạng căng thẳng, mệt mỏi của họ trở nên trầm trọng hơn.
Việc thường xuyên tiếp xúc với những hình ảnh hoàn hảo, thành công của người khác trên mạng xã hội khiến các em cảm thấy tự ti, so sánh bản thân với người khác, dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực và mất niềm tin vào bản thân.
“Không phải học sinh giỏi thì không có áp lực đâu. Bây giờ, muốn thi đỗ cấp 3 (THPT), trong ba môn Toán, Văn, Anh bắt buộc phải có một môn giỏi đặc biệt, chưa kể, điểm thi ba môn đều phải trên 8 mới mong đỗ được vào một trường công lập có tiếng.
Chỉ nhìn bạn bè học ngày học đêm, có người học 12 tiếng một ngày là đã đủ áp lực rồi, cộng thêm lời nhắc của cha mẹ, thầy cô, tôi thấy mình không “điên” cũng là một kỳ tích”. Câu chuyện của Hải Hà (THPT Nguyễn Trãi) khiến rất nhiều học sinh đồng cảm.
“Lúc nào phụ huynh cũng muốn con mình điểm số phải cao trong khi hệ phổ thông chỉ là nơi rèn luyện kiến thức căn bản chứ không phải là lò luyện thiên tài. Điều bất cập trong giáo dục ở Việt Nam hiện nay là từ nhà trường đến phụ huynh đều chỉ đánh giá học sinh qua điểm số, một đứa trẻ thi điểm thấp thì mặc định là nó kém”. Đây là chia sẻ của thạc sĩ tâm lý giáo dục Đỗ Thu Huyền. Chị Huyền cũng nói thêm:
“Chúng ta cần xác định lại mục tiêu của việc học, định nghĩa lại sự thành công của một đứa trẻ. Điểm số chỉ có một số giá trị nhất định, nó không đảm bảo được thành công của một đứa trẻ trong tương lai, không chứng minh được nhân cách của nó”.
Các cách tự cứu
Những ca tự tử, trầm cảm, stress… của học sinh do áp lực thi cử thời gian qua ít nhiều đã tác động đến cách ứng xử của nhiều phụ huynh. Một số hội nhóm “giúp con mùa thi” đã được lập ra, ở đó, các phụ huynh chia sẻ nhiều phương pháp “tự cứu” nhận được đồng thuận của hàng ngàn người.
Các học sinh lớp 12E (Trường THPT Bình Giang, Hải Dương) đã thực hiện bộ ảnh này để gửi đến thầy cô, cha mẹ chia sẻ áp lực học tập của họ và mong muốn được lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn
Cô giáo dạy yoga Nguyễn Việt Hà chia sẻ nguyên lý hít thở giúp thí sinh bình tĩnh và tập trung hơn: “Bất cứ lúc nào em căng thẳng, hãy hít thở sâu một chút, hít vào bằng mũi từ từ và thở ra bằng miệng từ từ, làm 5 lượt như vậy em sẽ lấy lại được bình tĩnh”.
Theo bác sĩ Hà Trang, khi bố mẹ thấy con có các biểu hiện sau, hãy giúp con đến gặp bác sĩ để được điều trị tâm lý: Buồn bã, chán nản, mất hứng thú với mọi hoạt động, lo lắng, bồn chồn, cảm giác như sắp xảy ra chuyện gì đó tồi tệ, mất ngủ, khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều, khó tập trung, giảm khả năng ghi nhớ, mất cảm giác ngon miệng, ăn uống không ngon miệng, có suy nghĩ tiêu cực, tự trách móc bản thân, có ý nghĩ tự tử… |
“Ngày này năm ngoái, tôi vẫn đang niệm thần chú vào tai con: con không đỗ trường công cũng không sao, mẹ có sẵn phương án hai cho con rồi, thế nên cứ bình tĩnh mà học nhé! Trước đó con bé nhà tôi có dấu hiệu lo lắng quá đà. Mà báo chí thì liên tục đưa tin chỗ này có học sinh nhảy lầu, chỗ kia có thư tuyệt mệnh.
Tôi cứ “niệm” như thế tầm ba tuần thì cảm thấy tinh thần của con ổn hơn. Cuối cùng, may mắn con đỗ đúng trường gần nhà như mong muốn. Nên năm nay tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này với các mẹ: đừng đặt quá nhiều kỳ vọng, “cứu” con mình trước quan trọng hơn”. Chia sẻ của mẹ Hà Dím nhận được 3.560 like.
Một câu chuyện khác của Gia đình Chuột cũng nhận được bão like như sau: “Một tháng nay, hai vợ chồng cứ thay nhau ngày nào cũng ốp ông con đạp xe công viên một tiếng. Chúng tôi bảo cháu: học cả bốn năm rồi, thêm một tháng nữa cũng chả nhồi đầy kiến thức được, cứ thư giãn, giữ sức khỏe, chiến đấu hết mình là được, còn kết quả đến đâu thì nhà ta chấp nhận đến đó”.
Kỳ thi chuyển cấp PTTH và thi Đại học đang gần kề, trong khi các thí sinh đang phải đối mặt với áp lực thi cử và những tỷ số “chọi” gay gắt thì các phụ huynh lại “sống trong sợ hãi” vì nỗi lo con em bị trầm cảm. Mỗi năm, đến giai đoạn này, nhiều câu chuyện thương tâm lại xảy ra vì căn bệnh mang tên trầm cảm.
Nguồn: [Link nguồn]