Trải nghiệm - giờ học đắt đỏ
Nhiều trường học tại TP HCM tổ chức các tiết học ngoài nhà trường nhưng chi phí quá lớn, trong khi nhiều phụ huynh hoài nghi về hiệu quả những tiết học đắt đỏ này
Chị Bảo Minh, phụ huynh tại một trường ở quận 7, TP HCM, cho biết chị vừa đóng 6 triệu đồng cho 2 chuyến học tập trải nghiệm 2 ngày 1 đêm cho hai con. Mặc dù trên tinh thần tự nguyện nhưng hầu như phụ huynh nào cũng không dám từ chối.
Tiền triệu cho những lần trải nghiệm
Chị Minh nói thêm, khi giáo viên (GV) chủ nhiệm thông báo cho phụ huynh, cô kể khó, kể khổ với nhiều lý do như: ba mẹ giúp cô, các lớp khác cũng nhiều học sinh (HS) đi lắm, các em đi sẽ nhiều kỷ niệm, phụ huynh đồng ý cho con đi cũng là giúp cô hoàn thành chỉ tiêu... Với những lý do như trên, hầu như lớp chỉ một vài phụ huynh không đồng ý. Trong gia đình cũng tranh luận gay gắt về chuyện đi học tập trải nghiệm của con. Sau khi tranh luận đủ kiểu, nhất là lo lắng khi con đi xa, di chuyển bằng ôtô liệu có an toàn nhưng cuối cùng vẫn phải miễn cưỡng để con đi. "Đa số phụ huynh thảo luận với nhau đều trông mong chuyến đi an toàn, con vui vẻ khỏe mạnh chứ không hy vọng sẽ học tập được gì sau chuyến đi như vậy" - chị Minh nói.
Học sinh tham gia một chương trình học ngoại khóa tại TP HCM .Ảnh: GIA THÙY
Trên một số diễn đàn phụ huynh TP HCM, nhiều phụ huynh thắc mắc không hiểu vì sao các trường học tại thành phố đều "sính" cho HS học tập trải nghiệm đến vậy. Chị Trang, một phụ huynh có con học tại trường mầm non ngoài công lập (TP Thủ Đức), kể lại tình huống dở khóc dở cười khi trường thông báo cho trẻ đi học tập tham quan trải nghiệm hướng nghiệp tại một khu vui chơi ở quận 7 với giá trọn gói 300.000 đồng/HS, phụ huynh muốn đi thì đóng gấp đôi. Chị Trang bày tỏ, nếu nói cho trẻ đi chơi thì còn được, trẻ mầm đã biết gì mà… hướng nghiệp.
Anh Tiến, phụ huynh một trường THPT tại quận 10, cho biết anh từng hỏi con đi Đà Lạt nhiều vậy không chán hay sao? Bởi lẽ năm nay con học lớp 12, tính ra đã ít nhất 2 chuyến đi Đà Lạt với trường, hết học kỳ I, hết kỳ II đều đi, chi phí mỗi chuyến đi không dưới 1,5 triệu đồng. Không rõ trải nghiệm gì, học thế nào khi năm nào cũng đi những địa điểm đó và chương trình, kế hoạch thì y như cũ. "Con bảo đi với bạn vui, thoải mái chứ không ai nghĩ cần yêu cầu, học hành gì".
Bế tắc trong cách tổ chức
Theo khảo sát của chúng tôi, hầu hết trường đều có những chuyến học tập, trải nghiệm ngoài thành phố. Một phó hiệu trưởng phụ trách mảng phong trào, hoạt động tại một trường THPT cho biết để lên một kế hoạch học tập trải nghiệm không phải dễ dàng, từ chuyện kinh phí, địa điểm, lên chương trình, nhiều khi bế tắc trong cách tổ chức… "Cách nhanh nhất là thuê đơn vị tổ chức. Mà thuê thì phải chấp nhận chương trình không có gì mới. Thậm chí nhiều trường cùng đến một địa điểm, cùng những hoạt động, phong trào đó vì từ một "lò" bên thiết kế mà ra. Tuy nhiên, nhà trường không lấy những chuyến học tập trải nghiệm này để tính điểm số, đánh giá thi đua GV…".
Khi chúng tôi hỏi về việc tại sao năm nào nhà trường cũng tổ chức cho HS đi học tập trải nghiệm tại Đà Lạt, phó hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1, cho rằng hoạt động trải nghiệm mang mục đích rất tốt nhằm cho HS học những cái mà các em nghe mà chưa biết. Trường tổ chức để qua đó các em có cảm nhận thực tế các bài học trong trường. Thầy cô qua đó sẽ nhận xét biết - hiểu HS và điều chỉnh các em cho đúng. Tuy nhiên, vị này cũng thừa nhận hoạt động này đang bị biến tướng khiến nhiều phụ huynh hoài nghi về ý nghĩa của một hoạt động dạy học.
Hiệu trưởng một trường THPT tại TP Thủ Đức cho biết trước khi môn trải nghiệm - hướng nghiệp là nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, hầu hết các trường học đều đã xây dựng các tiết học ngoài nhà trường theo quy định của bộ. Mục đích của các tiết học này sẽ thiên về định hướng, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. "Tổ chức thế nào, kinh phí ra sao tùy theo điều kiện và chủ trương của mỗi trường. Chẳng hạn như tại trường, chúng tôi tổ chức các chuyến học tập, tham quan trong địa bàn thành phố bởi lý do ngay tại thành phố nơi các em sinh sống vẫn còn rất nhiều địa danh, di tích lịch sử, bảo tàng… mà HS còn chưa biết" - vị hiệu trưởng bày tỏ.
Cần phải công bằng trong tiếp cận giáo dục Theo quy định của Sở GD-ĐT TP HCM, khi các trường học tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, tiết học ngoài nhà trường phải chú ý đến việc công bằng trong tiếp cận giáo dục và sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng thời căn cứ hướng dẫn triển khai các hình thức học tập, hoạt động giáo dục đúng theo quy định. Đặc biệt, không tổ chức các hoạt động tham quan, ngoại khóa ngoài thành phố có kiểm tra, đánh giá nếu hoạt động này không phù hợp với mục tiêu của chương trình. |
Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc phạm vi quản lý giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022-2023 như năm học 2021-2022.
Nguồn: [Link nguồn]