"Trả bài" và những kiểu gọi tên thú vị của thầy cô

Sự kiện: Giáo dục

Dù đôi khi cũng là nỗi ám ảnh nhưng dò bài đầu giờ vẫn là một trong những kỷ niệm đáng nhớ thời học sinh. 

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 18-9 có bài viết Để không còn nỗi ám ảnh mang tên “trả bài”. Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, việc kiểm tra miệng không nên thực hiện theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt vì điều này sẽ khiến học sinh (HS) căng thẳng, áp lực. Đề nghị này của Sở GD-ĐT đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có người cho rằng, đừng gây áp lực cho học sinh bằng những màn đau tim nhưng cũng có người cho rằng, học sinh không chịu được áp lực dò bài thì lớn lên ra đời sao chịu được áp lực cuộc sống.

Báo Pháp Luật TP.HCM đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc xung quanh vấn đề thú vị này. Xin gửi đến bạn đọc ý kiến của bạn đọc Thảo Phương:

Ảnh chế kiểm tra miệng. Ảnh: internet

Ảnh chế kiểm tra miệng. Ảnh: internet

Dò bài đầu giờ, có người cho rằng đây là nỗi ám ảnh thời học sinh, cũng có người coi đây là trò khởi động thú vị ở đầu mỗi tiết học. Dù là gì đi chăng nữa thì có lẽ đây cũng là một trong những kỷ niệm đẹp thời học sinh.

Riêng tôi, ấn tượng đáng nhớ ở tiết mục trả bài không phải là những con điểm, mà là những kiểu gọi tên lên bục vừa hồi hộp vừa thú vị của mỗi thầy cô. Cô Văn gọi tên một kiểu, thầy Toán lại có kiểu gọi tên khác, cô Sử lại là một kiểu “bốc thăm may mắn” không kém phần độc lạ.

Nhớ lại một sáng thứ 2 năm cuối cấp, đúng 7 giờ 45 phút, sau khi kết thúc chào cờ, chúng tôi đã ngồi ngay ngắn trong lớp để bắt đầu một buổi học tràn đầy năng lượng. Thật ra, hôm nào có học bài cũ thì gọi là tràn đầy năng lượng. Nếu hôm nào chưa học bài thì dò bài thật sự là 15 phút kinh hoàng gây hội chứng tim đập nhanh của chúng tôi.

Trống đánh cái đùng, cô giáo Văn bước vào lớp trong bộ áo dài thướt tha. Cô ngồi xuống, lật sổ và cất giọng: “Nào, dò bài cũ nhá”. Chúng tôi ai nấy đều im thin thít đợi xem ai sẽ là người "xấu số" hôm nay. Riêng tôi tò mò không biết hôm nay cô Văn sẽ gọi tên lên bục bằng kiểu gì.

Cô cầm bút, đặt xuống sổ và bắt đầu… quay. Ôi cái trò quay bút như quay số này cũng thú vị, nó khiến chúng tôi nín thở hồi hộp không biết cái đầu bút ấy sẽ dừng lại ở họ tên nào đây. Riêng tôi cũng không quá lo lắng vì đây là môn tủ của mình. Thế là từng cái tên cũng được xướng lên, trong đó có tôi. Hôm đấy tôi gọi tiết mục dò bài là trò chơi quay số.

Đến tiết Toán, thầy giáo nghiêm nghị bước vào lớp. Cũng như mọi khi, dò bài sẽ là trò khởi động cho tiết học ngập tràn những con số. Tôi lại tò mò không biết hôm nay thầy dùng cách gì để gọi tên những số thứ tự nhỉ?

Thầy dõng dạc: “Hôm nay ngày 12 tháng 2….”. Tiêu đời rồi, thầy mà nhân lên thì người được xướng tên chính là tôi chứ không ai khác - số thứ tự 24. Tim tôi bắt đầu đập thình thịch thình thịch, vì đây là môn học tôi không được giỏi cho lắm. May quá, thầy lại chia. Thế là bạn học mang số 6 phải bước lên “đoạn đầu đài”. Đúng là dò bài kiểu thầy Toán, thật là cộng trừ nhân chia.

Tiết học tiếp theo là sân chơi của cô giáo Sử. Tôi cá hôm nay cô lại có kiểu gọi tên đầy tính lịch sử nhưng không kém phần mới lạ. Cô lật từng trang sổ và nói: “Để xem nào, bài học hôm nay là Phong trào cách mạng 1930-1935. Vậy thì chúng ta sẽ học về nhân vật nào đây?”. Tôi vội lật sách và tìm, ôi Lê Hồng Phong. Cô bảo: “Đúng vậy, Lê Hồng Phong sẽ là nhân vật chính hôm nay. Thế thì ông sinh ngày mấy nào?" Ngày 6 tháng 9 chứ còn mấy nữa cô ơi...

Chúng tôi nhốn nháo, ôi thôi đứa nào số 6 và 9 hôm nay tiêu rồi. Chuyện gì đến cũng đến, cô mời bạn số 6 và số 9 lên bảng vẽ lại sơ đồ tư duy và mốc lịch sử của bài học hôm trước. Điểm cao hay thấp lúc này là tùy vào độ chăm chỉ học bài cũ của các bạn, đâu phải do cụ Lê Hồng Phong sinh ngày 6-9 đâu nhỉ! Thật là một kiểu gọi tên của cô giáo Sử, lúc nào cũng thấm đượm tính lịch sử.

Và rồi những lần 15 phút dò bài ấy cũng trôi qua, từng con điểm cao thấp đã được in vào sổ để kiểm tra học lực học sinh. Chúng tôi lại bắt đầu hành trình tiếp thu kiến thức để từng bước chuẩn bị cho một tương lai tươi sáng phía trước.

Dò bài đầu giờ, dù có căng thẳng hay áp lực cũng là một phần trong hành trình đi tìm tri thức của học sinh. Có những buổi dò bài căng thẳng vì không ai được điểm cao, cũng có những buổi dò bài thích thú vì các bạn đều thuộc bài, mang về những con điểm ấn tượng.

Dò bài cũng là một trong những hình thức để kiểm tra, đánh giá năng lực và thái độ học tập của học sinh. Nếu mỗi thầy cô không quá áp lực học sinh bằng những con số cứng nhắc thì buổi học hôm đó chắc sẽ bớt căng thẳng. Nếu dò bài để cộng hoặc trừ điểm, với những hình thức thú vị giúp không khí lớp học sôi nổi, hiệu quả tiếp thu kiến thức chắc sẽ tốt hơn.

Trên con đường học vấn, đôi khi những con số tưởng chừng như biết nói cũng chẳng nói lên được tất cả. Quan trọng vẫn là thầy cô tâm huyết truyền đạt kiến thức, học sinh nghiêm túc tiếp thu và áp dụng.

Hy vọng những chuyến đò tri thức đều đưa học sinh qua sông thuận lợi, kỷ niệm đẹp về chuyến đò và người lái vẫn mãi được khắc ghi. Dù cho không ít lần ám ảnh hay sợ hãi bởi những con số thì với tôi, thời học sinh vẫn luôn là hồi ức đáng nhớ nhất đời người.

Học sinh giỏi vẫn không thích “trả bài”

Nếu có “trả bài” thì chọn cách “trả bài” tự nguyện và chấm điểm cộng cho ai xung phong chứ đừng “lô tô tên gọi” như đa số cách làm của giáo viên hiện nay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THẢO PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN