TPHCM sẽ không có quỹ lớp, quỹ trường
Chiều 5/10, tại cuộc họp báo, trả lời PV Tiền Phong về việc lạm thu, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, sở vừa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc thu vận động tài trợ. Theo đó, các trường trên địa bàn TPHCM sẽ không có quỹ lớp, quỹ trường.
Tất cả các hoạt động thu trong nhà trường thì hiệu trưởng phải kiểm duyệt và chịu trách nhiệm. Trước khi thực hiện thu phải có dự toán và công khai rõ ràng cho phụ huynh học sinh về mục đích thu và chi, dự toán được sở duyệt mới được phép thu. Ông Minh cũng cho biết, việc thu và chi đầu năm học đang được HĐND thành phố rất quan tâm.
“Trên thực tế, một số đơn vị đã làm không đúng quy trình, không tuân theo hướng dẫn thu,chi. Vì một số trường hợp làm không đúng mà cả ngành giáo dục thành phố bị mang tiếng là lạm thu, nghe rất buồn”, ông Minh nói và cho biết thêm, hiện tại Sở GD&ĐT TPHCM đang kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở giáo dục để phát hiện sai phạm. Sở kiên quyết xử lý nghiêm đối với các cơ sở giáo dục nếu làm sai quy định về việc thu, chi”.
Sau quá trình triển khai, thanh tra sở sẽ tiến hành hậu kiểm. Những cơ sở thu, chi sai mục đích, sai quy định sẽ bị xử lý nghiêm. “Ngành giáo dục thành phố kiên quyết xử lý, không thể để tình trạng trong trường có nguồn thu mà hiệu trưởng không biết”, ông Minh nói.
Học sinh TPHCM trong năm học mới 2023- 2024. Ảnh: Nguyễn Dũng
Về hình thức xử lý để ngăn chặn tái diễn trong những năm tiếp theo, ông Minh cho rằng, tùy theo mức độ của vụ việc để có hình thức xử lý phù hợp. Khi xử lý cán bộ quản lý cần có quy trình, tuân thủ nội quy theo các thông tư quy định. Trường hợp vi phạm thu, chi tại Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), Sở GD&ĐT TPHCM đã xử lý rất nghiêm khắc với hình thức bắt buộc phải trả tiền lại cho phụ huynh, phê bình giáo viên và lãnh đạo nhà trường. Khi phê bình thì việc đánh giá viên chức của giáo viên sẽ bị ảnh hưởng. "Nếu đã có hướng dẫn mà lãnh đạo nhà trường, thủ trưởng đơn vị vẫn còn làm sai thì sẽ có những hình thức kỷ luật khác cao hơn”, ông Minh nói.
Trước đó, tại hội nghị giao ban khối phòng GD&ĐT ngày 4/10, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhắc lại việc Thông tư 16 của Bộ GD-ĐT quy định rõ về việc nhận tài trợ, thu tài trợ. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng các trường nhắm vào phụ huynh để thu, rồi chia trung bình trên đầu phụ huynh. “Thầy, cô giáo không thu cho mình nhưng ngó lơ để xảy ra những khoản thu rất phản cảm. Đã được hướng dẫn, tập huấn nên thu sai thì phải xử lý vì để ảnh hưởng ghê gớm”- ông Hiếu nói và nhấn mạnh mọi vấn đề liên quan giữa ban đại diện phụ huynh lớp, trường thì hiệu trưởng đều phải nắm thông tin, bàn bạc để có sự đồng thuận.
Đồng thời, người đứng đầu ngành GD&ĐT thành phố đề nghị Phòng Kế hoạch Tài chính hướng dẫn các trường về tất cả các khoản thu phải không dùng tiền mặt. Việc này giúp Sở GD&ĐT TPHCM quản lý được vấn đề thu và chi, vì các trường sẽ phải công khai mục đích thu là gì, nội dung chi là gì. Sở cũng đề nghị các phòng GD&ĐT tham mưu UBND các quận, huyện kiểm tra, rà soát, chấn chỉnh trường hợp thu không đúng quy định.
Lo sợ con bị “đì”
“Khi tôi lên tiếng phản đối về thu chi bất hợp lý, những phụ huynh còn lại không vừa lòng. Tôi gặp sức ép và cũng nhận được lời khuyên chuyển trường cho con”, một phụ huynh lớp 1/2 Trường tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh, TPHCM) bày tỏ sau khi lên tiếng về lạm thu tại trường gây dậy sóng dư luận những ngày gần đây.
Sự việc kể trên khiến nhiều phụ huynh không dám bày tỏ ý kiến trong các cuộc họp cha mẹ học sinh, dù thấy mức thu quỹ được cào bằng, tự nguyện đóng trong tâm thế... bắt buộc. Họ sợ lên tiếng sẽ bị nhìn nhận là cá biệt, sâu xa hơn là sợ con mình bị phân biệt đối xử khi đi học. Ngoài ra, tư tưởng ác cảm về hội phụ huynh, cho rằng những người trong ban đại diện hoạt động vụ lợi luôn trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên các diễn đàn.
Chia sẻ về công việc trong hội phụ huynh, anh T., Hội trưởng hội phụ huynh lớp 4 tại một trường tiểu học ở quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết mình cũng từng ác cảm với vị trí này, nhưng từ khi tiếp nhận công việc mới thấy đây là công việc vất vả và xử lý không khéo sẽ dễ gây điều tiếng. “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, nhưng luôn bị nhìn nhận một cách tiêu cực là cánh tay nối dài, ăn chia lợi ích với nhà trường”, anh T. nói và nhìn nhận, để xoá bỏ “định kiến”, Ban đại diện cha mẹ học sinh phải thực sự đặt lợi ích của học sinh lên trên hết, thay vì chỉ tiêu thi đua, làm đẹp mặt lớp, giáo viên hay đẹp mặt nhà trường. 4 năm nay, việc thu quỹ lớp của lớp con anh T. đều dựa trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh, chứ không có con số cụ thể. Việc thu, chi đều được báo cáo trong nhóm chung và phải nhận được sự đồng thuận.
Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1, TPHCM) nhìn nhận tình trạng diễn ra ở nhiều trường học hiện nay là vận động phụ huynh theo hình thức “tự nguyện”, nhưng thực tế nếu thực hiện đúng nghĩa đen thì ít phụ huynh đóng góp. |
Một hoạt động của học sinh nhưng có thể có đến 3 quỹ cùng chi. Phụ huynh bức xúc nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà trường.
Nguồn: [Link nguồn]