TP.HCM: Kiến ba khoang tấn công SV ở kí túc xá

Nhiều ngày qua, kiến ba khoang bất ngờ xuất hiện tấn công sinh viên đang lưu trú tại khu A, B kí túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM (phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP.HCM). Trong vòng 1 tháng, trạm Y tế của ký túc xá đã tiếp nhận và điều trị cho 212 sinh viên bị kiến ba khoang đốt.

Đưa cánh tay còn loang lổ những vết mụn đỏ, bạn Nguyễn Thị Đào, sinh viên Trường ĐH Kinh tế -Luật cho biết: “Nửa đêm nằm ngủ, em bỗng thấy nhói như bị con gì đó cắn, đau không ngủ được. Sáng ra đi xuống phòng y tế khám mới biết bị kiến ba khoang đốt. Trong phòng em có 8 người thì có đến 5 người bị kiến ba khoang cắn”.

Cùng “cảnh ngộ”, dù đã dùng thuốc do phòng y tế của ký túc xá cấp, nhưng sinh viên Trương Diễm Chi vẫn bị ngứa ngáy khó chịu nơi vết thương do kiến ba khoang đốt cách đây mấy hôm. “Trong phòng em có bạn bị đốt nặng quá nên giờ hầu như chỉ nằm một chỗ, chẳng đi được đâu. Cũng không dám gọi về nhà thông báo vì sợ ba mẹ lo lắng. Nghe các anh chị bác sĩ nói vài ngày là khỏi, nhưng có bạn bị tới 2 tuần vết thương mới bắt đầu kéo da non”, Diễm Chi lo lắng nói.

Cũng theo nhiều bạn sinh viên, do kiến ba khoang thường xuất hiện nhiều vào ban đêm nên rất khó đề phòng. Chỉ cần sơ xảy một chút là có thể bị đốt.

TP.HCM: Kiến ba khoang tấn công SV ở kí túc xá - 1

Nhiều sinh viên bị kiến ba khoang tấn công gây viêm ngứa, lở loét

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh An, Giám đốc ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, từ đầu tháng 9 đến nay, Trạm Y tế của ký túc xá đã tiếp nhận và điều trị cho 212 sinh viên bị kiến ba khoang đốt. Đến thời điểm hiện tại, trên 80% trường hợp mắc bệnh đã khỏi hẳn, số còn lại đang được điều trị và theo dõi chặt chẽ.

Ông An cũng cho biết thêm, sinh viên bị kiến ba khoang “tấn công” chủ yếu tập trung tại dãy nhà BA4 và BA5, đây là hai dãy nhà có một con suối nhỏ chảy qua ở phía sau lưng nên quanh năm ẩm thấp, là môi trường thuận lợi cho kiến làm tổ và sinh sôi. “Ngay từ đầu năm học, Ban quản lý đã cho phun thuốc diệt côn trùng, muỗi và phát quang trong toàn bộ ký túc xá. Nhưng đến thời điểm vào mùa mưa, thời tiết thất thường là điều kiện thuận lợi cho côn trùng và kiến phát triển nhanh, nằm ngoài tầm kiểm soát của ký túc xá, việc bò vào phòng của sinh viên là khó tránh khỏi”.

Theo đại diện của Trạm Y tế ký túc xá, do đã lường trước được việc kiến ba khoang hay các loại côn trùng khác có thể tấn công sinh viên nên ngay từ đầu năm học, Trạm Y tế đã chủ động ra thông báo, hướng dẫn sinh viên cách phòng tránh dịch bệnh theo mùa cũng như các bệnh sinh viên nội trú thường gặp như: sốt xuất huyết, bệnh viêm da do tiếp xúc với côn trùng, kiến ba khoang, bệnh đau mắt đỏ, … trên bảng tin, website Ký túc xá, CLB phát thanh sinh viên, các trưởng nhà, từ đó nâng cao hiểu biết và nhận thức và cách phòng tránh trong sinh viên. “Ngay khi Trạm tiếp nhận những bệnh nhân bị kiến cắn đầu tiên, chúng tôi đã khuyến cáo các em nên thường xuyên đóng cửa sổ phòng, mắc mùng và mặc áo dài tay khi đi ngủ để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra”.

Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus Fuscipes, thân mình thon, dài như hạt thóc, có hai màu đỏ và đen. Trong bụng chứa Pederin, một loại chất độc có độc tính gấp 12 - 15 lần rắn hổ.

Theo nhiều chuyên gia, loại kiến này không trực tiếp đốt người mà do con người vô tình tiếp xúc với chất độc trong cơ thể kiến. Vì vậy, có thể phòng kiến 3 khoang bằng cách: đóng kín cửa, buông rèm, làm lưới ngăn côn trùng, buổi tối không nên ngồi gần các nguồn sáng như bóng đèn. Mặc quần áo dài, quan sát kỹ đồ vật trước khi sử dụng, giũ sạch khăn mặt, khăn lau, quan sát kỹ trước khi lau.

Khi bị kiến bò lên người, không được dùng tay giết kiến mà nên thổi cho nó bay đi, tránh tiếp xúc trực tiếp với kiến bởi có thể dính phải chất độc trong cơ thể nó.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nghĩa ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN