TP.HCM kiểm tra đột xuất bếp ăn bán trú: Bảo mẫu dùng tay chia thức ăn
Trong quá trình kiểm tra đột xuất bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp yêu cầu hiệu trưởng phải chấn chỉnh hành động bảo mẫu dùng tay chia thức ăn cho học sinh.
Trước đó, giáo viên Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai có phản ánh về tình trạng bữa ăn bán trú không đảm bảo chất dinh dưỡng, lèo tèo vài món. Cụ thể thực đơn bán trú của ngày 6-12, gồm tôm rim thịt, rau xào và canh. Trong đó, các em lớp 1,2 ăn trong tô với một ít thịt heo và vài con tôm, sau đó được chan ít canh. Thức ăn cho học sinh lớp 3,4,5 để trong khay với một ít thịt heo, vài con tôm, 1 ít đậu que và canh.
Ông Trịnh Vĩnh Thanh (bìa phải), Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp cùng đoàn công tác kiểm tra bếp ăn bán trú tại Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai. Ảnh: HP
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Trường phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đã tổ chức kiểm tra đột xuất bếp ăn và công tác tổ chức bữa ăn bán trú của nhà trường. Tổ kiểm tra gồm cán bộ phụ trách y tế, vệ sinh an toàn thực phẩm và kế toán để kiểm tra toàn diện.
Tổ kiểm tra đã rà soát tất cả các quy trình liên quan đến việc tổ chức bếp ăn bán trú từ khâu tiếp phẩm, sơ chế, chế biến, đến phục vụ bữa ăn cho trẻ.
Ghi nhận trưa 7-12, thực đơn gồm chả trứng hấp, canh khoai mỡ và chuối. Khi chia thức ăn cho học sinh, một bảo mẫu của trường không dùng muỗng, thìa mà dùng tay nên đã bị hiệu trưởng nhắc nhở.
Bảo mẫu chia thức ăn cho học sinh. Ảnh: HP
Bà Đỗ Thị Mai, Hiệu trưởng nhà trường cho biết vừa mới về trường nhận nhiệm vụ được 2 tháng.
Trường có 1.600 học sinh thì có 970 em tham gia bán trú. Bữa ăn bán trú của học sinh 30.000 đồng/em, bao gồm ăn xế khoảng 5000 đồng, còn lại ăn trưa. Còn bữa ăn sáng là 12.000 đồng/em.
Theo bà Mai, thực đơn được cấp dưỡng xây dựng, thay đổi theo từng tháng, đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh, dựa trên bộ thực đơn dinh dưỡng tiêu chuẩn của cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Hiệu trưởng giải thích, sở dĩ bữa trưa 6/12, đồ ăn hơi ít do món tôm đắt hơn những món khác. Nếu bữa ăn nào ăn thịt, cá và gà số lượng sẽ nhiều hơn.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đề nghị ban giám hiệu tăng cường giám sát quy trình chế biến bữa ăn bán trú để đảm bảo an toàn cho học sinh. Ảnh: HP
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp nhấn mạnh khâu vệ sinh quan trọng nhất trong tổ chức bếp ăn. Do đó, đối với những đồ dùng đã cũ cần phải thay.
Về việc bảo mẫu không dùng muỗng mà dùng tay bốc thức ăn, ông Thanh yêu cầu hiệu trưởng chấn chỉnh, phải tăng cường giám sát. Nếu các bảo mẫu, nhân viên vi phạm thì cắt hợp đồng.
Nếu cần thiết có thể lắp camera ở bếp để các nhân viên, bảo mẫu có ý thức đảm bảo vệ sinh trong quá trình chế biến thức ăn. Đồng thời, nhà trường cần cân đối dinh dưỡng, chi phí hợp lý giữa các bữa ăn, không nên để bữa quá ngon, bữa quá dở, bữa quá nhiều, bữa quá ít.
Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp đề nghị nhà trường nên lập hộp thư để ghi nhận ý kiến góp ý của học sinh, giáo viên về bữa ăn. Từ đó có sự điều chỉnh sao cho hợp lý.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh, mục tiêu cốt lõi trong sức khỏe học đường là bảo đảm, an toàn thực phẩm, nước sạch và vệ sinh môi trường trong trường học…