TP.HCM: Gay cấn “cuộc đua” vào lớp 10 công lập

  Cuộc đua vào lớp 10 công lập tại TP.HCM cũng gay gắt không kém kỳ thi tuyển sinh vào ĐH-CĐ, bởi nếu không có “chiến thuật” chọn nguyện vọng (NV) phù hợp, HS rất dễ rớt cả 3 NV vào lớp 10 THPT công lập

Theo số liệu mà Sở GD-ĐT TP.HCM công bố, năm học 2015-2016, các trường THPT công lập tuyển 66.980 chỉ tiêu vào lớp 10 (kể cả trường chuyên, trường năng khiếu). Tuy nhiên, các em học sinh (HS) cần cẩn thận khi đăng ký nguyện vọng chọn trường vì số lượng HS lớp 9 năm học này là 85.792 HS. Như vậy, sẽ có gần 21.000 HS rớt lớp 10 công lập và buộc phải chọn các trường ngoài công lập, hoặc học trung cấp chuyên nghiệp.

Đăng ký nguyện vọng như thế nào?

Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm, ông Trần Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú (Quận 2) cho rằng, để chọn trường tương ứng với thực lực của HS, phụ huynh có thể dựa vào kết quả kỳ kiểm tra học kỳ II năm lớp 9 của ba môn: Toán, Văn, Ngoại ngữ. Ngoài ra, phụ huynh nên tham khảo điểm chuẩn tuyển sinh năm trước, chỉ tiêu tuyển năm nay của các trường THPT để đăng ký NV. Cho dù con em học giỏi, phụ huynh cũng không nên chọn cả ba trường đều là trường “top”, có mức điểm không chênh nhau nhiều. Bởi những năm học, có nhiều HS dù có điểm thi lớp 10 trên 30 điểm nhưng vẫn rớt cả 3 NV vì các em đăng ký các trường có mức điểm chuẩn cao.

Ngoài ra, khi chọn trường THPT, thầy Vinh lưu ý nên chia các trường THPT thành 5 tốp, đối chiếu điểm chuẩn của trường với điểm học lực của các môn nêu trên để lựa chọn. Theo đó, sẽ có 5 tốp trường là: Tốp 1 (những trường có điểm chuẩn từ 35 điểm trở lên), tốp 2 (những trường có điểm chuẩn từ 30 đến 35 điểm), tốp 3 (những trường từ 25 đến 30 điểm), tốp 4 (những trường từ 20 đến 25 điểm) và tốp 5 (những trường dưới 20 điểm).

TP.HCM: Gay cấn “cuộc đua” vào lớp 10 công lập - 1

 Học sinh dự thi lớp 10 vào Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong.

Nếu HS có học lực giỏi thì có thể chọn NV 1 vào trường tốp 1, NV 2 vào trường tốp 2; NV 3 vào trường tốp 3. Nếu học khá thì có thể chọn NV 1 vào trường tốp 2; NV 2 vào trường tốp 3; NV 3 vào trường tốp 4, 5. Nếu học lực trung bình thì chọn NV 1 vào trường tốp 3; NV2, 3 vào trường tốp 4, 5.

Đồng quan điểm, ông Trịnh Vĩnh Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Q.Gò Vấp) cũng cho hay: “Căn cứ vào quá trình học ở bậc THCS, các em phải tự đánh giá được năng lực bản thân, tham khảo bảng điểm các kỳ tuyển sinh trước, các em hãy chọn NV1 là trường mình thích (nên ưu tiên trường gần nhà). Còn NV2 là trường có mức độ điểm chuẩn thấp hơn NV1, NV3 là trường có điểm chuẩn thấp hơn NV2 để nếu như hai NV đầu không đạt thì các em còn cơ hội trúng tuyển ở NV cuối cùng ”

Sẽ có đủ chỗ học cho học sinh

Nhiều GV khác đến từ các trường THCS Bạch Đằng, THCS Hai Bà Trưng (Q.3); THCS Hoàng Hoa Thám, THCS Ngô Sỹ Liên (Q.Tân Bình)… thì tư vấn thêm: Khi căn cứ vào học lực, HS cũng nên trừ hao điểm. Lý do vì nhiều em học tốt nhưng khi vào phòng thi lại gặp áp lực nên thi làm bài không tốt. Vì vậy phụ huynh nên trừ hao khoảng 2-3 điểm khi đăng ký NV cho con em mình. Đồng thời, chọn NV 1 và NV 2 phải vừa sức nhưng NV 3 nên chọn trường thấp hơn năng lực hiện có để có cơ hội vào THPT công lập.

Dù theo dự kiến, sẽ có khoảng 21.000 học sinh rớt lớp 10 công lập nhưng theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thì: “Các em học sinh cần tập trung ôn thi cho tốt, xác định rõ năng lực của mình để đăng ký vào lớp 10. Sau đó, dù có không vào được trường công lập thì thành phố vẫn đảm bảo đủ chỗ học cho các em”.

Cụ thể, theo ông Đạt: TP.HCM đã thực hiện tốt công tác phân luồng HS sau THCS từ nhiều năm qua, mỗi năm có khoảng 80% tốt nghiệp THCS vào lớp 10 THPT công lập, 5% vào lớp 10 ngoài công lập và 15% vào các TTGDTX, trung học nghề và TCCN. Mỗi hệ thống sẽ có những lợi thế khác nhau.  Chẳng hạn, trường ngoài công lập hầu hết dạy 2 buổi/ngày hoặc nội trú nên các em có thời gian bổ khuyết kiến thức; hệ thống TTGDTX có số môn học ít hơn nên các em có nhiều thời gian ôn tập. Đặc biệt, theo học TCCN thì sau khi tốt nghiệp các em vừa có bằng tốt nghiệp THPT, vừa có bằng nghề để có thể tham gia thị trường lao động ngay.

Được biết, năm học 2015-2016, các trường TCCN, CĐ, TTGDTX do Sở GD-ĐT TP.HCM quản lý và các THPT ngoài công lập tuyển gần 40.000 chỉ tiêu. Trong đó, 85 trường THPT ngoài công lập tuyển khoảng 20.000 chỉ tiêu, 26 TTGDTX tuyển gần 8.000 chỉ tiêu và 34 trường TCCN, CĐ tuyển khoảng 12.000 chỉ tiêu. Như vậy, sẽ không thiếu chỗ học cho gần 21.000 HS còn lại không đậu được vào THPT công lập.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thiên Anh - Quốc Hải ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN