TP.HCM có hơn 6.000 học sinh là F0
Hầu hết các em đều không có triệu chứng nên việc tiếp tục tham gia học tập trên môi trường Internet là khả thi.
Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra tại buổi họp báo diễn ra chiều 4-9.
Lịch học trực tuyến như kế hoạch
Ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết do tình hình dịch bệnh phức tạp, cho nên TP sẽ không tựu trường, không khai giảng. Học sinh sẽ bắt đầu năm học mới trên môi trường internet.
Theo đó, sau thời gian làm quen, từ 6-9, học sinh THCS – THPT của TP sẽ bắt đầu chương trình thực học của năm học mới. Lớp nào thuận tiện sẽ bước vào chương trình còn lớp nào khó khăn thì tiếp tục rà soát, báo cáo để tham mưu TP có sự hỗ trợ.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM chia sẻ thông tin tại buổi họp báo chiều nay. Ảnh: TÁ LÂM
Riêng cấp Tiểu học, ngày 8-9 các em tập trung, đến 20-9 mới bắt đầu học. Như vậy, bậc học này có gần hai tuần để thầy cô có thời gian phối hợp với học sinh trong công tác dạy và học. Đối với bậc học này, sự phối hợp giữa phụ huynh và giáo viên rất quan trọng. Cũng trong thời gian này, Sở phối hợp với đài truyền hình ghi hình các tiết dạy, chọn lựa giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy lớp 1,2. Theo kế hoạch các chương trình sẽ phát hành vào giữa tháng 9, trước khi các em đi học.
Với các gia đình và bản thân các em là F0, ông Hiếu cho biết đã từng tiếp xúc với các trường hợp này. Đa phần các em bệnh nhưng không có triệu chứng vì thế dù ở trong khu cách ly hay cách ly tại nhà, các em vẫn có thể tham gia học tập trên môi trường internet. Theo thống kê, toàn TP có 6.600 học sinh là F0.
“Đối với gia đình các em có cha mẹ bị nhiễm COVID không qua khỏi, chúng tôi rất chia sẻ. Những trường hợp này, thầy cô giáo đều nắm và có sự trao đổi, động viên đối với các em. Giáo viên đặc biệt quan tâm đến những em nào để phần nào giảm bớt đau thương cho các em. Từ 1-9, một số em đã tham gia lớp. Với môi trường học tập, có thầy cô, bạn bè trò chuyện sẽ phần nào giúp các em sớm hòa nhập", ông Hiếu bày tỏ.
Hàng ngàn học sinh thiếu thiết bị học tập
Theo thông kê có hàng chục ngàn học sinh, không đủ điều kiện, thiếu thiết bị học. Trong đó, ở bậc Tiểu học nhiều nhất khoảng 31.000 học sinh, ở THCS khoảng 22.000 học sinh, còn THPT khoảng hơn 15.000 học sinh. Đối với những trường hợp này, Sở đã chỉ đạo với các trường để làm sao các em dù khó khăn vẫn có cơ hội tiếp cận với việc học.
Hiện nay, sách điện tử đều có sẵn và tất cả website của trường cũng như các phòng GD&ĐT đều đăng tải các clip ghi hình bài giảng. Bên cạnh đó, các lớp 1,2 Sở còn tổ chức dạy học trên truyền hình nên học sinh có thể theo dõi.
Với khoảng 5% số lượng học sinh không thể tiếp cận với các điều kiện học trực tuyến, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các trường xây dựng phiếu học tập và sử dụng mạng lưới cộng tác viên hỗ trợ đem đên các gia đình.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT sẽ tiếp tục làm việc với các đơn vị viễn thông; các nhà cung cấp nhằm hỗ trợ các gói đường truyền, gói mua giảm giá hoặc trả góp các thiết bị nhằm đảm bảo đủ thiết bị, đường truyền phục vụ dạy – học trực tuyến cho học sinh.
Về việc vận chuyển sách giáo khoa, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết hiện TP đã chỉ đạo hai đơn vị là Bưu điện TP và Viettel Post hỗ trợ đem sách đến các đơn vị trường học từ hôm nay cho đến 6-9. Mỗi trường sẽ cử 5 giáo viên được Công an TP.HCM hỗ trợ giấy đi đường đề vận chuyển sách giáo khoa đến từng gia đình học sinh. Vấn đề này, Sở đã sắp xếp xong hy vọng đem sách đến học sinh trong thời gian sớm nhất.
“Trường học vẫn được sử dụng trong công tác phòng chống dịch cho nên Sở xác định việc dạy và học trên internte đến hết học kỳ 1. Bên cạnh đó, chúng tôi xây dựng các kế hoạch để sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh, giáo viên ưu tiên kèm cặp, củng cố kiến thức cho những học sinh không thể tham gia học”, ông Hiếu nói.
Cũng theo ông Hiếu, khi TP kiểm soát tốt dịch bệnh, các cơ sở giáo dục dần được giải phóng khỏi nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngành giáo dục sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến độ cho trẻ đến trường, tranh thủ “khoảng thời gian vàng”, ưu tiên các khối lớp 1, 2, đầu và cuối cấp chia nhỏ lớp để học trực tiếp, các khối khác tiếp tục học trực tuyến đến khi ổn định trở lại.
Trường hợp việc học trực tuyến kéo dài, Sở sẽ nghiên cứu tham mưu sử dụng các tuần dự trữ, kéo dài thêm năm học, nhất là cho các lớp 1, 2 và đầu cấp để đảm bảo chương trình và kết quả học tập.
Nhiều giáo viên đang tham gia phòng chống dịch
Thực tế cho thấy dù năm học mới đã đến nhưng nhiều giáo viên tại các quận, huyện vẫn tham gia trong công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Đề cập đến vấn đề này, ông Hiếu cho biết Sở GD&ĐT đã chỉ đạo đến các phòng GD&ĐT, giáo viên đang tham gia phòng chống dịch cứ tiếp tục công việc cho đến khi hết nhiệm vụ. Bởi các giáo viên ở trường có thể choàng gánh nhiệm vụ lẫn nhau. Bên cạnh đó, do dạy học trên môi trường internet nên một giáo viên có thể dạy nhiều lớp. Trường có thể chọn lựa giáo viên có kinh nghiệm dạy nhiều lớp. Sau đó, giáo viên sẽ hướng dẫn và theo dõi học sinh trên phần mềm học tập.
“Đang tham gia công tác chống dịch lại phải quay trở về giảng dạy sẽ khó khăn cho các thầy cô. Vì thế, Sở tạo điều kiện cho các thầy cô khi hoàn thành nhiệm vụ có thời gian nghỉ ngơi trước khi tiếp nhận công việc từ đồng nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Nguồn: https://plo.vn/giao-duc/tphcm-co-hon-6000-hoc-sinh-la-f0-1013186.html