TP HCM: Thiếu giáo viên, trường lớp
Với hơn 99.000 học sinh tăng thêm trong năm học mới, TP HCM cần phải bổ sung 5.000 giáo viên các bậc học, 3.000 phòng học mới để giải quyết tình trạng quá tải.
Tại hội nghị chuyên đề về công tác chuẩn bị năm học mới 2014-2015 do Ủy ban MTTQ TP HCM tổ chức ngày 14/8, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM Lê Hoài Nam cho biết trong năm học mới, TP có hơn 2.100 trường ở các bậc học với hơn 1,5 triệu học sinh, tăng hơn 99.000 học sinh so với năm học trước.
Giáo viên vẫn “chạy sô”
Theo ông Lê Hoài Nam, số phòng học mới đưa vào sử dụng từ nguồn ngân sách nhà nước là hơn 1.500 phòng, trong đó nội thành là hơn 1.000 phòng và ngoại thành là hơn 500 phòng. TP HCM đã chi hơn 23 tỉ đồng để bổ sung, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Trường THPT Đào Sơn Tây (Thủ Đức) vừa khánh thành, sử dụng cho năm học mới. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ngoài ra, ngành GD-ĐT cũng tổ chức thi tuyển giáo viên các cấp để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp năm học 2014-2015. Dự kiến, phải bổ sung gần 5.000 giáo viên ở các bậc học
Trong năm học 2014-2015, nhiều quận, huyện trên địa bàn TP đã triển khai nhận giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Tại quận Gò Vấp, một số trường mầm non đã thí điểm nhận trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi với 6 lớp/99 trẻ. Quận Thủ Đức cũng tổ chức thí điểm 3 trường là Mầm non Hoa Mai, Mầm non Linh Xuân và Mầm non Sơn Ca giữ trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Tuy Sở GD-ĐT TP HCM nhìn nhận công tác chuẩn bị cho năm học mới bảo đảm đủ chỗ học nhưng theo TS Hồ Hữu Nhựt, Ủy viên Ủy ban MTTQ TP HCM, ở bậc mầm non còn thiếu trường lớp nhiều, số lượng lớp chỉ mới đáp ứng được 50% trẻ. Học phí đóng chưa đồng đều, có trường thu rất cao, có trường thấp; còn nhiều giáo viên chưa được đóng bảo hiểm xã hội.
Mặt khác, tình trạng thiếu giáo viên dẫn đến hiện tượng “chạy sô” làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. “Cần tăng cường công tác quản lý ở trường công lẫn trường tư, phải nắm số liệu đầu vào để từ đó dự kiến xây trường, nhất là xây thêm trường mầm non ở các KCX-KCN bởi khu vực này lâu nay còn bỏ ngỏ trong khi nhu cầu gửi con của các công nhân rất lớn” - TS Hồ Hữu Nhựt đề nghị.
Khó giảm sĩ số
Bà Nguyễn Thị Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận Gò Vấp, dẫn chứng năm học 2014-2015, ngành GD-ĐT quận vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, thiếu trường lớp. Để tiếp nhận hết trẻ trong độ tuổi đến trường, bảo đảm đủ chỗ học cho con em, đặc biệt là con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, các đơn vị trường học vẫn tiếp tục bị quá tải nên chưa thể thực hiện được sĩ số 35 em/lớp đối với trường mầm non, tiểu học; 45 em/lớp đối với các trường THCS.
Ngoài ra, cơ sở vật chất, phòng học của một số trường chưa đúng quy cách, sân chơi chật hẹp; trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi còn hạn chế. Chất lượng công tác chăm sóc, giáo dục trẻ tại một số cơ sở mầm non ngoài công lập chưa cao. Để khắc phục điều này, ông Nguyễn Hữu Danh, Hội Cựu giáo chức
TP HCM, hiến kế Sở GD-ĐT nên kiến nghị với UBND TP trong quy hoạch khu dân cư, KCN bắt buộc phải có sự hiện hữu của trường học.
Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Hồng Sơn bày tỏ tình trạng tăng dân số cơ học hằng năm ở TP rất nhanh nên việc đáp ứng được nhu cầu giáo dục rất khó khăn. Ba năm gần đây, mỗi năm trung bình xây thêm 1.500 phòng học nhưng chưa khắc phục được việc thiếu lớp học, nhất là bậc mầm non, tiểu học, bán trú…
“Ngành giáo dục phấn đấu đến năm 2020 đạt 100 người dân trong độ tuổi đi học phải có 3 phòng học, mặc dù chúng tôi đang thực hiện quyết liệt nhưng chỉ tiêu này khó đạt được bởi ngân sách của TP không thể tập trung hết cho giáo dục. Với số lượng học sinh tăng thêm, để giải quyết chỗ học đã cần đến 3.000 phòng mới. Trong thời gian tới, TP sẽ có khoảng 22 công trình khởi công và hơn 70 công trình hoàn thành để đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh” - ông Sơn cho biết.
Gánh nặng phí, quỹ Ông Nguyễn Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 3, cho biết những năm qua, các trường thu rất nhiều các loại phí, quỹ như quỹ phụ huynh học sinh, quỹ trường, quỹ lớp, phí tăng tiết, phí nước uống, phí đóng góp tiền điện… Đây là những khoản thu sau khi học sinh nhập học được 1 tháng. Đối với những gia đình khó khăn thì những khoản thu này thật sự là gánh nặng. Ông Tùng đề nghị ngành giáo dục cần khảo sát thực tế để có hướng dẫn các trường về việc này vào đầu năm học mới. |