Tốt nghiệp THPT: Ngoại ngữ nên là môn tự chọn
Đa số các đại biểu đều thống nhất thi tốt nghiệp 4 môn (Toán, Văn là môn thi bắt buộc; các môn thi tự chọn bao gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý và Lịch sử), trong đó không đưa Ngoại ngữ thành môn thi bắt buộc.
Đó là nội dung trao đổi tại Hội nghị quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XI và triển khai nhiệm vụ học kì 2 năm học 2013 – 2014 khối sở GD-ĐT, sáng 13/2 tại trụ sở Bộ GD-ĐT.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất nên để môn Ngoại ngữ trở thành môn thi tự chọn giống như các môn tự chọn khác.
Phó giám đốc Sở GD-ĐT Nam Định cho rằng, nhiều năm nay, Ngoại ngữ đang là môn thi bắt buộc, nếu trở thành môn thi khuyến khích sẽ làm cho việc dạy và học môn này bị chùng xuống. Trong khi đó, đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020 đưa ra mục tiêu đa, số thanh niên Việt Nam tốt nghiệp trung cấp, đại học, cao đẳng phải có đủ năng lực sử dụng ngoại ngữ độc lập, có thể tự tin trong giao tiếp, học tập làm việc trong môi trường hội nhập, đa ngôn ngữ, đa văn hóa. Vì vậy, nên để ngoại ngữ là môn thi tự chọn như những môn thi khác.
Đồng tình quan điểm trên, Giám đốc Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc cho rằng nếu Ngoại ngữ là môn khuyến khích thì rất thiệt thòi cho những thí sinh thi khối A1 và khối D. “Nếu xác định thi tự chọn mà không được chọn môn Ngoại ngữ thì những em học giỏi ngoại ngữ sẽ rất thiệt thòi”- vị này nói.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đang trình bày báo cáo tại hội nghị
Về vấn đề 20% được miễn thi tốt nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng việc xét 20% không hề đơn giản mà hết sức phức tạp. Đồng thời miễn giảm 20% cũng không giảm được bao nhiêu. Nhiều ý kiến đề xuất, nếu Bộ vẫn giữ quan điểm miễn thi 20% thì Bộ nên có một khung cứng, lường trước tất cả các tình huống, các yếu tố, đầy đủ và chi tiết như một chuẩn chung để các trường căn cứ vào đó để xét đối tượng miễn thi.
Cũng có ý kiến cho rằng Bộ không nên quy định mức miễn thi cứng là 20% mà có sự khác nhau giữa các vùng miền, do chất lượng giáo dục khác nhau giữa các vùng miền.
Đặc biệt, Bộ GD-ĐT áp dụng phương pháp PISA để đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố, tới đây sẽ công bố kết quả và sẽ tiến hành định kì. Dựa theo kết quả PISA, sẽ có sự phân biệt tỷ lệ miễn thi tốt nghiệp cho các địa phương.
Về việc giảm số môn thi để học sinh tự chọn dẫn đến học sinh học lệch, Bộ cho rằng việc xét và công nhận tốt nghiệp có sử dụng quá trình trong học tập, muốn có hồ sơ dự thi đại học tốt, học sinh không thể học lệch. Đề thi cũng thay đổi theo hướng câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kến thức tổng hợp của học sinh, tránh tình trạng đoán mò, giải quyết máy móc vấn đề.