Top 5 trường có đào tạo ngành học mà hàng triệu thí sinh khao khát

Dưới đây là top 5 trường đại học hàng đầu có đào tạo ngành học phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao, có xu hướng phát triển mạnh trên toàn thế giới.

Thiết kế vi mạch là ngành chuyên nghiên cứu, phát triển và chế tạo các chip điện tử, còn gọi là mạch tích hợp (IC - Integrated Circuit). Các vi mạch tích hợp này có thể chứa hàng triệu hoặc thậm chí hàng tỷ thành phần điện tử như transistor, điện trở, tụ điện, và nhiều thành phần khác trên một chip nhỏ.

Hiện nay, trong giai đoạn Chuyển đổi số, Thiết kế vi mạch trở thành ngành nghề đầy triển vọng, là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều sinh viên trong tương lai. Bởi các hệ thống vi mạch được tích hợp là yếu tố nền tảng, hạ tầng thiết bị quan trọng để thực hiện quá trình Chuyển đổi số.

Để hiểu thêm về ngành Thiết kế vi mạch, chúng ta cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Ngành Thiết kế vi mạch là gì?

Thiết kế vi mạch là ngành học chuyên đào tạo nguồn nhân lực phục vụ trong công nghiệp công nghệ cao (hi-tech industry) để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao trên thế giới.

Ngành Thiết kế vi mạch là ngành học khá mới ở nước ta. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Ngành Thiết kế vi mạch là ngành học khá mới ở nước ta. (Ảnh: Hoàng Vinh)

Tiềm năng của ngành Thiết kế vi mạch

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1.000 kỹ sư ngành thiết kế vi mạch theo khảo sát của Hội Công nghệ Vi Mạch bán dẫn TP. HCM (HSIA). Nhu cầu về nhân lực không chỉ gói gọn trong thị trường nội địa mà còn thu hút ở các khu vực xung quanh, đặc biệt là Singapore.

Số lượng doanh nghiệp lớn trên thế giới mở cơ sở và trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam ngày càng tăng, đặc biệt là tại TP. HCM. Đây là mở đầu cho sự phát triển mạnh mẽ của ngành Thiết kế vi mạch trong tương lai gần.

Tuy vậy, nhưng hiện nay nguồn cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp liên quan đến thiết kế vi mạch bán dẫn lại khá thấp so với nhu cầu sử dụng. TP.HCM chiếm 53% nhu cầu tuyển dụng. Do đó, việc đầu tư phát triển đào tạo kỹ sư có kiến thức, trình độ cao trong ngành Thiết kế vi mạch là cần thiết cho quá trình hội nhập quốc tế, nắm bắt cơ hội phát triển của sự dịch chuyển nghề nghiệp này.

Những trường nào có đào tạo ngành Thiết kế vi mạch?

Dưới đây là thông tin tuyển sinh của một số trường có đào tạo Thiết kế vi mạch, bạn có thể tham khảo thêm để có cho mình sự lựa chọn phù hợp nhất.

Học Thiết kế vi mạch tại đại học Bách khoa Hà Nội

Đại học Bách khoa Hà Nội đang đào tạo một số ngành liên quan đến lĩnh vực Thiết kế vi mạch như: Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano. Năm 2023, ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển của những ngành học này dao động từ 24,28 - 26,26 điểm.

Năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển sinh các ngành học này theo 3 phương thức: xét tuyển tài năng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét điểm thi đánh giá tư duy.

Hiện nhà trường chưa đưa ra mức học phí đối với năm học 2024 - 2025, nhưng ở năm học cũ nhà trường quy định mức học phí với ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông dao động 26 - 29 triệu đồng/năm; ngành Vật lý kỹ thuật, Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano dao động 23 - 26 triệu đồng/năm.

Trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội)

2024 là năm đầu tiên trường Đại học Khoa học và Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) tuyển sinh ngành Công nghệ vi mạch bán dẫn.

Chương trình đào tạo của nhà trường hướng tới trang bị cho người học kiến thức và kỹ năng chuyên môn liên quan đến thiết kế, chế tạo và đóng gói, kiểm thử vi mạch bán dẫn tích hợp. Nhằm cung cấp nguồn nhân lực chuyên môn cao, đón đầu xu hướng phát triển của ngành công nghiệp nhiều tiềm năng này.

Nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành học này theo 4 phương thức: xét kết quả thi đánh giá năng lực, xét học bạ kết hợp phỏng vấn, xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)

Từ năm 2024, trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) sẽ mở thêm ngành Vi điện tử để cung cấp nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực Vi mạch bán dẫn. Ngành này chủ yếu ưu tiên xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh riêng.

Trước đó, ngành Kỹ thuật điện tử - viễn thông cũng có đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch. Năm ngoái, nhà trường lấy mức điểm chuẩn trúng tuyển đối với ngành học này là 24,05 điểm (A00; A01).

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng)

Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) vừa công bố phương hướng tuyển sinh năm 2024. Đây là năm đầu tiên nhà trường mở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.

Để thu hút thí sinh đăng ký ngành này, nhà trường đã quyết định cấp học bổng 50 - 100% học phí trong năm đầu tiên dành cho thí sinh đạt 24 điểm thi tốt nghiệp trở lên, theo tổ hợp xét tuyển.

Nhà trường dự kiến tuyển sinh ngành học này theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng, xét kết quả thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP.HCM, xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM)

Trường Đại học Công nghệ thông tin (Đại học Quốc gia TP.HCM) đào tạo chuyên ngành Thiết kế vi mạch thuộc ngành Kỹ thuật máy tính. Năm 2023, ngành học này lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,4 điểm (A00; A01).

Ngoài xét điểm thi tốt nghiệp THPT, chuyên ngành này còn xét tuyển theo 3 phương thức khác: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét chứng chỉ quốc tế. Nhà trường quy định mức học phí với chuyên ngành này ở năm trước là 33 triệu đồng/năm.

Thời điểm hiện tại, đa số các sinh viên đều đã đưa ra được lựa chọn cho mình những ngành học phù hợp vói phát triển trong tương lai để theo đuổi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo An ([Tên nguồn])
Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN