'Tổng đài' đặc biệt tiếp nhận phản ánh, tâm sự của thầy hiệu trưởng
Để gần gũi và hiểu học sinh hơn, một hiệu trưởng ở Nghệ An đã công khai số điện thoại của mình trước cổng trường với lời nhắn nhủ: “Nếu bị bắt nạt, hãy gọi cho thầy”.
Suốt 2 năm qua, số điện thoại cá nhân của thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trường Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) được công bố trước cổng trường cùng tấm pano tuyên truyền “Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hãy gọi ngay cho thầy”. Ngần ấy thời gian cũng là những tháng ngày vị hiệu trưởng này trở nên bận rộn hơn bởi phải giải quyết bao câu chuyện buồn vui, khúc mắc của học trò.
Ít năm trước, khi chuyển về nhận công tác tại trường, thầy Tuấn Anh gặp không ít khó khăn bởi những điều kiện đặc thù của một ngôi trường miền biển. Cộng với những mặt trái của mạng xã hội, tình trạng bắt nạt học đường trở thành vấn nạn, không phải của riêng Trường THCS Quỳnh Phương mà ở nhiều nơi trên cả nước.
Số điện thoại của thầy Anh trở thành đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của học trò
Bởi vậy, từ khi chuyển công tác về trường này, thầy Anh xác định ưu tiên số một cho việc giáo dục đạo đức học sinh, coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện.
Ngày số điện thoại được treo lên trước cổng trường, vị hiệu trưởng này cũng xác định sẵn tâm lý sẽ có tin nhắn phá phách, quấy rầy. Song thầy đã nhầm, dù số điện thoại của thầy được công bố rộng rãi nhưng tuyệt nhiên không có một cú điện thoại quậy phá hay một tin nhắn khiếm nhã nào.
Thay vào đó là những tin nhắn của học sinh trong trường, từ việc báo về một vụ ẩu đả sắp xảy ra, bạn trong lớp trêu chọc, thậm chí là “thầy ơi bạn chửi... bố em” hay cả những câu chuyện rất ngô nghê của những đứa trẻ chưa lớn... Tất cả thông tin học trò phản ảnh đều được thầy tiếp nhận và tìm cách xử lý thấu đáo, bằng cách này hay cách khác.
Theo thầy Anh, là trường vùng biển nên tình trạng bỏ học, tảo hôn vẫn thường xuyên xảy ra. Đầu năm học 2021, khi nhận được tin nhắn của một nữ sinh lớp 8 “Em trót yêu rồi, giờ muốn nghỉ học lấy chồng thầy ạ” khiến thầy Anh giật mình.
Đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của học trò, thầy Anh tìm nữ sinh này nói chuyện, giải thích về những khó khăn, áp lực khi kết hôn quá sớm. Sau vài cuộc trò chuyện, nữ sinh này cũng đã bỏ ý định lấy chồng, chăm chú vào việc học.
Thầy Anh kiểm tra các giờ học online của học trò
“Thậm chí có em còn lên phòng bảo cho em về thay đồ chứ em chảy máy rồi, không học được nữa. Biết học sinh đến ngày, tôi liền gọi cô giáo tư vấn cho em rồi cho em về nhà” - thầy Anh nói và cho hay rất vui khi được học trò tin tưởng tuyệt đối và dần thay đổi nề nếp.
Để đảm bảo bí mật về những phản ánh của học sinh, tuỳ vào trường hợp, vị hiệu trưởng này sẽ lấy nội dung học trò phản ánh biên thành câu chuyện để nhắc nhở trước toàn trường, hoặc giáo viên. Một số trường hợp cần thiết thì phải gọi học sinh, phụ huynh lên phòng để trò chuyện.
Thầy Anh bảo rằng, muốn học sinh thay đổi và tốt hơn, trước hết người thầy phải tốt, và người hiệu trưởng phải làm gương trước tiên. Nhiều lần, thầy tâm sự với cán bộ, giáo viên về ứng xử với học trò.
Vị hiệu trưởng này nói rằng công sức mình bỏ ra 2 năm nay xem như đã có chút thành quả khi tình trạng học sinh văng tục, đánh nhau trong trường.... không còn. “Đó là niềm vui lớn nhất của chúng tôi. Không vui sao được khi mình cảm thấy khoảng cách giữa thầy và trò ngày một gần, các nề nếp được thay đổi, các em cũng phải rất tin tưởng mới kể hết mọi chuyện thầm kín với mình”, thầy Tuấn Anh cười nói.
Không thể có những buổi học trực tiếp nhưng điều mà các thầy cô muốn là các học sinh sẽ luôn khỏe mạnh và học tập...
Nguồn: [Link nguồn]