Tiền trường, quỹ lớp đầu năm học đã đến lúc phải sao kê?

Sự kiện: Giáo dục

Đầu năm học, một số nơi đã tổ chức thu các loại tiền trường, quỹ phụ huynh trường, lớp. Đã đến lúc các khoản này phải được sao kê để minh bạch.

Tiền trường, quỹ lớp đầu năm học đã đến lúc phải sao kê? - 1

Năm học 2021 - 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, song nhiều phụ huynh lại đang bị ám ảnh bởi các khoản tiền trường, trong đó nổi cộm vẫn là khoản thu "đeo mác" tự nguyện dưới danh nghĩa xã hội hóa, quỹ ban phụ huynh trường, lớp đóng vào dịp đầu năm học. Không ít phụ huynh tỏ ra ngao ngán với các khoản tiền này, năm nào cũng đóng nhưng mà phần lớn lại không phục vụ việc học tập của học sinh.

Có con học phổ thông, phụ Huynh Trần Văn Tuấn (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, đầu năm học nhà trường chưa thông báo thu khoản gì cả vì các con đang học trực tuyến, các khoản tiền sẽ được thông báo thu khi các con trở lại trường. Tuy nhiên, trong buổi họp phụ huynh trực tuyến đầu năm, đại diện Ban phụ huynh lớp họp bàn mua sắm trang bị cho lớp học, thông báo chuẩn bị đóng quỹ lớp, quỹ trường.

"Cả năm học vừa qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, ít các hoạt động, song quỹ lớp, quỹ ban phụ huynh trường không hiểu sao vẫn chi hết được, mà tôi được biết, chỉ rất ít trong số đó để chi cho học sinh như chỉ thưởng vài quyển vở, ít bánh kẹo liên hoan… Các khoản chi cũng ít khi được công khai, chỉ đọc hết sức qua loa. Biết là vô lý, nhưng hầu như ai cũng phải đóng vì ban phụ huynh trường, lớp phát động" - Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Đầu năm học, cần phải sao kê công khai các khoản tiền trường. Ảnh minh họa: Q.A

Đầu năm học, cần phải sao kê công khai các khoản tiền trường. Ảnh minh họa: Q.A

Chia sẻ nỗi bức xúc của nhiều bậc phụ huynh đầu năm học, GSTSKH Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, lâu nay, các trường học thu học phí không theo các ý kiến chỉ đạo của nhà nước. Học phí bao gồm nhiều loại để phục vụ học tập, mỗi một nơi lại "đẻ" ra một khoản khác nhau, những loại đó cộng lại với nhau lại thành ra là nhiều.

Cũng theo GS Dong, nhiều nơi không thực hiện theo mong muốn của nhà nước đó là giảm học phí, chia sẻ khó khăn với phụ huynh. Một số nơi lại theo lệ làng, thu khoản riêng cho trường và bao biện là nhà trường đang thiếu loại đó, mà hợp thức hóa dưới danh nghĩa ban phụ huynh đứng ra vận động phụ huynh tuân thủ.

Hiện nay, có nhiều nơi thu học phí nhưng không công khai minh bạch. Dẫn đến thắc mắc của phụ huynh đó là việc thu đó để phục vụ gì, mang chất lượng hay không?. Chứ nếu để nâng cao chất lượng thì phụ huynh cũng đồng tình thôi.

"Học phí trong tình hình nhiều nơi đang khó khăn, dạy học trực tuyến nhưng lại thu theo mức bình thường cũng là bất hợp lý, bởi theo tôi được biết, nhiều tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân rất khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nhiều tháng qua. Ngay cả các thành phố lớn cũng có một tỷ lệ nhất định số học sinh chưa thể học trực tuyến vì thiếu thiết bị học tập. Như vậy, việc thu các khoản vô lý thì quả là không thể chấp nhận được" - GS TSKH Phạm Tất Dong chia sẻ.

Để giải quyết dứt điểm các khoản thu tiền trường vô lý, theo GS TSKH Phạm Tất Dong, nhà trường phải "hóa thân" vào người nghèo để thấu hiểu được hoàn cảnh của phụ huynh. Công khai, minh bạch hóa các khoản thu tiền trường. Nguyên tắc công khai không chỉ riêng nhà trường mà nhiều đơn vị khác cũng cần phải thực hiện. Nếu mà sao kê được các khoản thu - chi tiền trường là rất đáng khuyến khích, cách này sẽ khắc phục được tình trạng "lạm thu".

Nguồn: [Link nguồn]

Đã có 23 tỉnh/thành cho học sinh đi học trực tiếp

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, đã có có 23 địa phương đang tổ chức dạy học trực tiếp cho 100% học sinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngô Quang Huy ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN