Tiến sĩ tâm lí: Chiếu hình ảnh thật để trẻ nhận biết các bộ phận sinh dục
TS Trần Thành Nam, giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, trẻ lên 3 có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Bố mẹ có thể bắt đầu dạy con những khái niệm cơ bản về giới tính ở thời điểm này.
TS Trần Thành Nam (giảng viên chuyên ngành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên, Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội).
Là người có nhiều năm học tập và nghiên cứu tại Mỹ, TS tâm lý học Trần Thành Nam cho biết, ở nước này trẻ được giáo dục một cách thẳng thắn về vấn đề giới tính, tình dục.
Giáo dục giới tính của họ không chỉ lý thuyết suông mà trẻ được trao đổi một cách rất thẳng thắn. Bằng cách chiếu hình một người thật, khỏa thân, có che mặt trên màn hình máy chiếu, giáo viên sẽ giải thích cho học sinh hiểu về từng bộ phận trên cơ thể, trong đó có cả các cơ quan sinh dục. Trẻ không còn ngần ngại khi đề cập tới giới tính hay thậm chí là tình dục.
Bằng cách này, lúc đầu trẻ có thể xấu hổ nhưng trẻ sẽ từ từ xóa bỏ ngại ngùng về giới và đón nhận kiến thức thoải mái.
Trẻ lên 3 có xu hướng khám phá bộ phận sinh dục. Chúng ta có thể bắt đầu dạy con những khái niệm cơ bản về giới tính ở thời điểm này. Khi trẻ dậy thì, chủ động hỏi bố mẹ là lúc muộn nhất để giáo dục. Bởi giai đoạn này trẻ bị hấp dẫn và có nhu cầu về giới tính, tình dục, theo bản năng. Nếu không được chuẩn bị kiến thức đầy đủ dễ dẫn đến những hệ lụy đáng buồn.
Theo tôi, kiến thức về giới tính phải được cung cấp chính xác và khoa học. Lúc đầu không cần thiết phải đi vào chi tiết, nhưng khi trẻ lớn dần lên, kiến thức về giới tính sẽ được tăng dần mức độ chuyên sâu.
Ở Việt Nam, tôi nhận thấy, kiến thức giới tính mới dừng lại ở chỗ giới thiệu bộ phận cơ thể. Chính giáo viên khi trao đổi vấn đề này còn ngượng ngùng, né tránh, đỏ mặt thì khiến trẻ cũng ngại ngùng theo. Vô hình chung, trẻ cảm thấy đây như một điều cấm kị, không thoải mái.
Giáo viên dạy về giới tính cần được đổi mới về cách dạy. Từ trước đến nay, giáo viên chỉ dạy cho trẻ lí thuyết, không có thực hành, làm sao thành kĩ năng được. Nhiều nơi nói về lạm dụng, xâm hại tình dục nhưng chỉ là lý thuyết thì khi gặp thực tế trẻ sẽ không thể xử lí được.
Cần cho học sinh bài tập về nhà để học sinh được trải nghiệm, có điều kiện được “đóng vai”, thực hành nhiều. Tuy nhiên, cái khó, chính giáo viên dạy vẫn không biết, không được học những kĩ năng này.
TS Vũ Thu Hương, ĐH Sư phạm Hà Nội: Bài học cần đề cập tự nhiên, thoải mái
TS Vũ Thu Hương
Điểm khác biệt giữa ở Việt Nam và các nước khác rõ nét nhất là họ khởi động giáo dục giới tính từ rất sớm và thẳng thắn.
Tôi thấy, giáo viên hiện nay cảm thấy cần thiết phải dạy giới tính cho học sinh. Tỉ lệ các giáo viên tìm kiếm kiến thức để giáo dục trẻ về nội dung này rất đông. Họ cũng không còn đỏ mặt khi dạy cho học sinh nữa.
Tuy nhiên, các giáo viên vẫn thấy thiếu tài liệu, thiếu nội dung phù hợp với tâm sinh lý trẻ. Trong khi đó, chương trình giáo dục vẫn còn rất sơ sài và nói giảm nói tránh, thậm chí thiên lệch sang những nội dung không quá quan trọng với trẻ đang tuổi dậy thì như: chăm sóc bà bầu, thai nhi.
Về việc phòng tránh xâm hại, trẻ cần được học từ lúc 3 tuổi. Trẻ cần được mặc đồ lót và học nguyên tắc đồ lót. Từ 6 tuổi, trẻ cần học về quá trình hình thành thai nhi và một số vấn đề liên quan đến giới nam và giới nữ.
Trong suốt những năm cấp 1, trẻ cần biết về quá trình phát triển tuổi dậy thì, những cách tự chăm sóc bản thân, cách tự vệ khỏi xâm hại, những khác biệt của các giới khác nhau và sự tôn trọng bạn khác giới. Tiếp theo là các cấp học khác với mức độ khó dần của chương trình.
Về phương pháp dạy học, điều quan trọng là chúng ta cần dạy trẻ theo khoa học, không né tránh. Những bài học được đề cập đến tự nhiên thì trẻ sẽ tiếp thu rất tự nhiên và thoải mái.
Cô Ngọc Dung, giáo viên trường THCS Dương Liễu (Hà Nội): Học qua video
Hiện nay, học sinh đã chủ động tìm hiểu về kiến thức giới tính trên mạng nên nhiều giáo viên muốn “đối thoại” và tranh luận với học sinh thì phải tự bổ sung kiến thức ngoài giáo trình.
Theo tôi, cần có thêm nhiều nội dung và thời lượng cho bộ môn này ở ngay cấp tiểu học chứ đến lớp 8 mới được học những kiến thức như về thụ thai là quán muộn. Đặc biệt quan trọng là nội dung phòng tránh và ứng phó khi bị xâm hại cần được bổ sung.
Ngoài ra, trẻ cần được học qua kiến thức như qua tranh ảnh hoặc video tránh nhàm chán như bây giờ. Giáo viên cần đưa ra các tình huống thực tế để học sinh thực hành, đóng vai cũng như phản biện để hình thành những kĩ năng và có thể xử lí khi có vấn đề.