Tiến sĩ Mỹ sống nhờ tem phiếu
Từ năm 2007 tới 2010, số người có bằng thạc sĩ nhận phiếu thực phẩm và các hỗ trợ khác đã tăng từ 101.682 người lên 293.029, số người có bằng tiến sĩ nhận phiếu thực phẩm cũng tăng từ 9.776 lên 33.655 người. Tờ báo uy tín về giáo dục đại học Mỹ "The Chronicle Higher Education" vừa có bài đặc tả về tình trạng này.
“Tôi không phải là nữ hoàng phúc lợi” – Melisa Bruninga-Matteau nói.
Đó là cách mà cô bắt đầu cuộc trò chuyện về việc tại sao một phụ nữ da trắng có bằng tiến sĩ Lịch sử trung cổ, hiện đang là trợ giảng - lại phải sống dựa vào phiếu thực phẩm và Medicaid (chương trình sức khỏe của Mỹ dành cho những gia đình và cá nhân có thu nhập thấp).
Bruninga-Matteau là bà mẹ đơn thân 43 tuổi, hiện đang dạy 2 khóa học nhân văn tại Yavapai College, Prescott, Ariz. Chị nói rằng công việc, trình độ của những người nhận trợ cấp đang không phản ánh đúng thực tế. Những người nhận trợ cấp giống như chị đang ngày càng tăng. Có học vấn cao nhưng bằng cấp không giúp họ thoát khỏi khó khăn tài chính.
“Tôi cảm thấy thật khủng khiếp khi những người đứng trên bục giảng lại đang phải nhận phúc lợi xã hội” - Bruninga-Matteau cho hay.
Chị lớn lên trong một gia đình thuộc tầng lớp trung lưu trên (upper-middle class) ở Montana – những người coi trọng sự chăm chỉ và coi thành tích giáo dục là con đường dẫn tới sự nghiệp thành công và có cuộc sống giàu có. Chị học cao học ở ĐH California, Irvine năm 2002, mơ về một công việc toàn thời gian trong lĩnh vực của mình. Chị chưa bao giờ tưởng tượng được rằng mình sẽ phải vật lộn để duy trì cuộc sống trong khi đang là giảng viên do số tiền lương quá thấp, và không hề có trợ cấp hay bảo hiểm nghề nghiệp.
Bruninga-Matteau luôn muốn được đứng lớp. Chị bắt đầu làm trợ giảng từ khi đang học cao học. Học kì này, chị đang phải làm việc 20 giờ mỗi tuần, gồm các công việc như soạn bài, giảng dạy, tư vấn, phân loại tài liệu cho 2 khóa học ở Yavapai – một trường cao đẳng cộng đồng có các cơ sở ở Chino Valley, Clarkdale, Prescott, Prescott Valley và Sedona. Mức lương hiện tại của Bruninga-Matteau là 900 USD mỗi tháng, trong đó, tiền thuê nhà 750 USD. Mỗi tuần, cô dành 40 USD cho việc đổ xăng đi làm. Bà mẹ đơn thân này phải thuê nhà cách trường 43 dặm – nơi giá tiền thuê nhà rẻ hơn.
Bruninga-Matteau cho rằng nguyên nhân khiến cô lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không phải do Yavapai College, mà do “sự cắt giảm có hệ thống của giáo dục đại học”. Năm ngoái, ở Arizona, Thống đốc bang Jan Brewer – thành viên Đảng Cộng hòa đã kí quyết định cắt giảm ngân sách phân bổ của bang cho Yavapai từ 4,3 triệu USD xuống còn 900.000 USD – giảm 7,6% trong ngân sách hoạt động của trường này. Việc cắt giảm ngân sách dẫn đến việc giảm 18.000 giờ giảng của các giảng viên bán thời gian như Bruninga-Matteau.
“Giới truyền thông đã xây dựng hình ảnh sai lệch về những người nhận trợ cấp xã hội là những kẻ bỏ học giữa chừng, nghiện rượu hoặc ma túy và sống vô trách nhiệm” – Bruninga-Matteau nói. “Tôi không phải là kẻ vô trách nhiệm. Tôi có học vấn cao. Tôi có nhiều kĩ năng ngoài kiến thức lịch sử trung cổ. Tôi đã từng làm những công việc khác. Tôi chưa bao giờ kiếm được nhiều tiền, nhưng tôi có thể kiếm đủ sống. Cho đến bây giờ”.
Một bộ phận nhỏ bị lãng quên
Hiện có một con số kỉ lục những người đang sống dựa vào trợ cấp thực phẩm do liên bang tài trợ. Theo trang web của Bộ Nông nghiệp Mỹ, số người phải sử dụng phiếu thực phẩm đang tăng lên, từ 17 triệu người/ tháng vào năm 2000 lên 44 triệu người/ tháng vào năm 2011. Năm ngoái, cứ 6 người thì có 1 người – gần 50 triệu người Mỹ (15% dân số) nhận phiếu thực phẩm.
Bruninga-Matteau thuộc nhóm những giảng viên có bằng cao học đang phải nhận phiếu thực phẩm hay các dạng viện trợ khác của Chính phủ từ cuối năm 2007. Những người đang bị bỏ quên này đang ngày càng tăng lên.
Một số trợ giảng vừa phải vật lộn với việc trả các khoản nợ sinh viên và trang trải sinh hoạt phí cơ bản, lại vẫn liên tục ứng tuyển vào các vị trí giảng viên chính thức. Những người khác cố gắng nuôi gia đình, nuôi con học đại học bằng số tiền lương ít ỏi mà họ nhận được khi là giảng viên bán thời gian – đội ngũ đang chiếm khoảng 70% giảng viên ở các trường đại học, cao đẳng.
Nhiều người bỗng nhiên thất nghiệp hoặc phải nhận phúc lợi trong suốt thời gian nghỉ giữa các kì. Một số trợ giảng nhận ra mình đang cố gắng kiếm đủ sống bằng công việc bồi bàn giống như sinh viên của họ.
Trong số 22 triệu người Mỹ có bằng Thạc sĩ trở lên vào năm 2010, có khoảng 360.000 người đã nhận một số loại trợ cấp xã hội – thông tin từ Điều tra dân số mới nhất được Cục Điều tra dân số Mỹ công bố vào tháng 3 năm 2011. Năm 2010, có tổng số 44 triệu người trên khắp nước Mỹ nhận phiếu thực phẩm hay một số dạng viện trợ công khác – Bộ Nông nghiệp Mỹ cho hay.
Những người không tốt nghiệp đại học có nhiều khả năng được nhận phiếu thực phẩm hơn là những người đang học đại học. Danh sách nhận trợ cấp công chủ yếu là những người có trình độ thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ người tốt nghiệp đại học nhận phiếu thực phẩm hay một số hình thức viện trợ khác đã tăng gấp đôi từ năm 2007 tới năm 2010.
Trong 3 năm, số người có bằng thạc sĩ nhận phiếu thực phẩm và các hỗ trợ khác đã tăng từ 101.682 người lên 293.029 người, trong khi số người có bằng Tiến sĩ nhận phiếu thực phẩm tăng từ 9.776 lên 33.655 người – theo bảng biểu dữ liệu vĩ mô do Austin Nichols – một nhà nghiên cứu cấp cao của Viện Nghiên cứu đô thị - thực hiện. Ông đã dựa trên số liệu Điều tra dân số năm 2008 và 2011 của Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ và Cục Lao động Hoa Kỳ.
Lãnh đạo các tổ chức đại diện cho trợ giảng cho rằng con số được Chính phủ thống kê không nói lên toàn bộ tình hình các trợ giảng đang sống nhờ phúc lợi do nhiều người không báo cáo sự phụ thuộc của họ vào viện trợ liên bang.
Ngay cả khi số người học vấn cao nhận trợ cấp tăng lên thì sự xấu hổ cũng khiến họ giấu nhẹm đi điều đó.
“Người ta không muốn bộ mặt và tên tuổi của mình gắn liền với điều này” – bà Karen L. Kelsey, cựu giảng viên chính thức hiện đang điều hành công ty tư vấn hàn lâm The Professor Is In nhận định. Bà cũng đang điều hành một quỹ giúp đỡ những sinh viên đại học và người có bằng Tiến sĩ đang gặp khó khăn về tài chính, hầu hết trong số họ là những phụ nữ đã có con.
“Nó không còn là trò đùa về những sinh viên nghèo khó, mà trở thành một vấn đề thực sự nghiêm trọng và cấp bách. Khi còn là một giảng viên chính thức, tôi không biết rằng học Tiến sĩ lại là con đường dẫn tới phiếu thực phẩm”.
Thật khó khi bàn về việc nhận viện trợ - Matthew Williams, người đồng sáng lập, phó giám đốc New Faculty Majority, một nhóm vận động chính sách cho các giảng viên bán thời gian cho hay.
“Chúng tôi thường xuyên nghe nói về việc các trợ giảng nhận phiếu thực phẩm” – ông Williams, người đã từng nhận phiếu thực phẩm và Medicaid khi còn dạy ở ĐH Akron từ năm 2007 tới 2009 cho hay. Ngày đó, thu nhập của ông chưa đến 21.000 USD/ năm. “Chuyện này không hề cường điệu hay lý thuyết”.
Một số trợ giảng có thu nhập thấp hơn cả các nhân viên trông coi và hỗ trợ trong trường – những người có thể không có bằng đại học. Lương của một trợ giảng dao động từ 600 tới 10.000 USD mỗi khóa học – theo Adjunct Project, một cơ sở dữ liệu về mức lương và điều kiện làm việc của trợ giảng. Thu nhập bình quân của các trợ giảng là dưới 2.500 USD mỗi khóa học – theo Hiệp hội các giảng viên đại học Mỹ.
Con đường dẫn tới trợ cấp
Elliott Stegall, 51 tuổi – một giảng viên tiếng Anh đang đi nhận hỗ trợ thực phẩm ở văn phòng WIC
Elliott Stegall, 51 tuổi, người da trắng, ông bố của 2 đứa con hiện đang dạy 2 khóa học mỗi học kì ở Khoa tiếng Anh, Northwest Florida State College, Niceville, Florida. Anh và vợ là Amanda hiện đang sống trong một ngôi nhà khiêm tốn cách thành phố DeFuniak Springs, tây bắc Florida 40 dặm.
“Đây là nơi sinh sống của những người nghèo. Con người nơi đây tốt bụng nhưng các ngành công nghiệp không phát triển. Công việc duy nhất của người dân là kiếm sống nhờ các dịch vụ bên bờ biển” –Stegall nói.
Stegall đang theo học chương trình cao học về nghiên cứu phim ảnh ở ĐH bang Florida. Đêm xuống, khi 2 đứa con 3 tuổi và 3 tháng tuổi đã đi ngủ, anh chấm một chồng bài luận hoặc miệt mài với luận án của chính mình, viết về cách mà các bộ phim Hollywood miêu tả những chiến sĩ Việt Nam trở về quê nhà khi họ đã trở thành những người tâm thần. Vợ Stegall đang bắt đầu học chương trình Thạc sĩ trực tuyến dài 2 năm về Tội phạm học của ĐH bang Florida. Họ nhận phiếu thực phẩm, Medicaid và viện trợ từ WIC (chương trình dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em).
Stegall đã giảng dạy ở 3 trường cao đẳng trong hơn 14 năm. Anh cho biết anh đã dạy hơn 24 khóa học về truyền thông, nghệ thuật biểu diễn, nhân văn và anh nhận thấy vị trí giảng dạy ở những lĩnh vực này gần như biến mất cùng sự cắt giảm ngân sách. Khi anh cùng vợ và 2 đứa con bước vào văn phòng WIC địa phương ở Tallahassee, Florida – nơi họ từng sống, anh đã phải gạt bỏ đi sự xấu hổ - một cảm giác thất bại và việc không ai nghĩ rằng anh phải tới đó. Xét cho cùng, anh đã lớn lên trong một gia đình coi trọng kiến thức và sự làm việc chăm chỉ. Cha anh là một mục sư kiêm giảng viên nhân văn, mẹ anh là một giảng viên tâm lý.
“Lần đầu tiên chúng tôi tới văn phòng nộp đơn, tôi cảm thấy như thể mình đã đi từ Đông Âu tới đảo Ellis. Nơi đó đầy những người tới từ mọi nền văn hóa và dân tộc. Tất cả chúng tôi đều nghèo khó và rách rưới trong mắt họ” – anh chia sẻ.
Anh cầm số thứ tự, ngồi ở hành lang đông đúc, đợi một người phụ nữ cộc cằn gọi đến tên. Khi nhìn xung quanh, anh đã suy nghĩ về tình cảnh của mình với tư cách là một học giả chân chính.
“Tôi thường nhìn nhận bản thân với tư cách là một nhà nhân văn học – một người bị thu hút bởi văn hóa con người. Có thể đó là cách để quên đi sự thật khi nhìn vào bản thân. Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình là một trong số những người nghèo”.
Stegall đã phải làm những công việc lặt vặt để hỗ trợ thu nhập giảng dạy ít ỏi. Anh từng làm công việc sơn nhà cho tới khi cuộc khủng hoảng nhà ở đã lấy đi những khách hàng của anh. Anh và vợ từng làm phục vụ cho một công ty ăn uống cho tới khi suy thoái kinh tế gây khó khăn cho việc kinh doanh. Họ cũng từng dọn dẹp những căn hộ cao cấp dọc bãi biển Destin. Họ dắt cả 2 đứa con đi cùng vì chi phí trông trẻ quá đắt đỏ.
“Tôi rất biết ơn trợ cấp của Chính phủ. Không có nó, gia đình tôi chắc chắn sẽ nghèo đói và vô gia cư. Tuy nhiên, sống nhờ trợ cấp thực sự rất đáng xấu hổ và tôi luôn nhắc chính mình rằng tôi đã làm điều gì đó sai lầm để bây giờ phải gánh chịu tình cảnh này”.
Khi ngồi trong văn phòng WIC cùng gia đình, Stegall đã đổ lỗi cho bản thân. Anh nói rằng anh đã chọn học cao học ngay cả khi thấy nền kinh tế đang sụp đổ, đạo đức đang bị suy thoái và thị trường việc làm thì ngày càng tệ hơn.
“Là một người đàn ông, tôi thấy mình là một kẻ thất bại. Tôi đã cống hiến bản thân cho thế giới của những hoạt động trí não. Tôi đã học một kĩ năng cao cấp. Có lẽ tôi nên học một kĩ năng mà nền kinh tế khuyến khích”.
“Bí mật bẩn thỉu nho nhỏ”
Khi hỏi các trợ giảng rằng liệu các hiệp hội học thuật, các lãnh đạo và giảng viên chính thức có biết họ đang phải nhận hỗ trợ từ Chính phủ không, thì những người nhận trợ cấp cho rằng một số người biết, một số người không biết, một số không muốn biết, còn một số thì không quan tâm.
Tại Yavapai College – nơi mà chị Bruninga-Matteau đang giảng dạy, một phát ngôn viên của trường đã viết trong một email rằng trường này “không xem xét tình hình tài chính của các nhân viên toàn thời gian hay bán thời gian”.
“Nếu có bất cứ nhân viên nào đang nhận sự giúp đỡ hoặc hỗ trợ từ Chính phủ thì ban lãnh đạo Yavapai College cũng không tiết lộ thông tin đó. So với các trường cao đẳng cộng đồng khác ở Arizona, các trợ giảng của Yavapai hiện có thu nhập cao thứ 3 trong tiểu bang”.
Nhiều cuộc điện thoại gọi tới trường Northwest Florida State College – nơi anh Stegall đang giảng dạy đều không được trả lời.
“Đó là bí mật bẩn thỉu nho nhỏ của giáo dục đại học” – ông William tới từ New Faculty Majority cho hay. “Nhiều lãnh đạo không hề nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề này”.
John Curtis – giám đốc chính sách công và nghiên cứu của Hiệp hội các giảng viên đại học Mỹ (AAUP) cho biết, ông thường xuyên tiếp xúc với với các giảng viên chính thức – những người không hề nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vấn đề việc làm trong giới học thuật. Trong khi đó, nhiều giảng viên chính thức là những người thẳng thắn ủng hộ cải thiện điều kiện việc làm cho các đồng nghiệp của họ trong vấn đề lương bổng. AAUP hiện đang làm việc với các nhóm giảng viên, các hiệp hội học thuật và các cơ quan kỉ luật nhằm nâng cao nhận thức, vì thế “thiếu thông tin không phải là lý do hợp lý”.
Một số lãnh đạo các hiệp hội học thuật nói rằng họ ngạc nhiên khi nghe nói về việc các Thạc sĩ, Tiến sĩ đang phải nhận trợ cấp xã hội.
James Grossman – giám đốc điều hành Hiệp hội Lịch sử Mỹ (AHA) viết trong email rằng ông đã tham khảo ý kiến của các nhân viên và “chưa ai trong số các thành viên của Hiệp hội hoặc các sử gia khác từng nghe nói về điều này”.
“Không email, không bài đăng hay bài viết trên Twitter. Điều đó không có nghĩa là chuyện đó không có thật. Nó chỉ nói lên rằng các sử gia đang nhận viện trợ không tiếp xúc với truyền thông AHA”.
Michael Bérubé – chủ tịch Hiệp hội Ngôn ngữ hiện đại cho biết ông và vợ là Janet từng đủ điều kiện để nhận trợ cấp WIC trong khi họ đang học cao học vào cuối những năm 80.
“Thật tuyệt! Viện trợ đã trả tiền đồ ăn và sữa của Nick. Đó là một loại chương trình phúc lợi xã hội mà các thành viên Đảng Tự do nên bảo vệ. Đó là sự giúp đỡ tạm thời cho tới khi chúng tôi được trả mức lương đủ sống. Mẹ của Janet đã đưa cho chúng tôi thẻ bảo hiểm xã hội của bà, vì thế đây là một sự khuyến khích khác cho ý tưởng phúc lợi xã hội”.
Mặc dù, ông Bérubé nói rằng ông không an lòng khi các trợ giảng vẫn đang tiếp tục sống bằng số lương ít ỏi trong thời gian dài ngay cả khi đã tốt nghiệp. Về việc tại sao các tổ chức học thuật không đoái hoài đến việc các Tiến sĩ hiện đang sống bằng phiếu thực phẩm, ông cho rằng câu trả lời đã rất rõ ràng.
“Ai cũng nghĩ rằng có bằng Tiến sĩ gần như sẽ đảm bảo cho bạn một mức lương đủ sống. Vì thế hầu hết các nhà bình luận đều nghĩ rằng giảng viên đại học có thể kiếm được từ 100.000 USD trở lên. Tuy vậy, tôi thường xuyên nghe giảng viên bán thời gian chia sẻ rằng họ chỉ kiếm được chưa đến 20.000 USD. Và chẳng ai tin được rằng bạn có thể nuôi được cả gia đình bằng số tiền đó. Thậm chí sống một mình bằng mức lương đó cũng đã khó khăn, nếu bạn không muốn lúc nào cũng ăn mì ramen”.
Nhiều người hi vọng rằng họ sẽ gặp may ngay cả khi tình trạng tài chính của họ đang suy giảm.
Marc Bousquet, trợ lý giáo sư tiếng Anh ở ĐH Santa Clara kiêm biên tập viên sáng lập tờ Workplace: A Journal for Academic Labor cho rằng cái tôi cá nhân, lý lịch bản thân và uy tín là những lý do tại sao vẫn có nhiều người không từ bỏ mong muốn trở thành giảng viên chính thức.
Vai trò của chủng tộc
Bà Kelsky – người đang giúp đỡ các sinh viên cao học, các trợ giảng vô gia cư hoặc đang nhận trợ cấp – cho rằng vai diễn “nữ hoàng phúc lợi” của những người nhân trợ cấp là một ảo tưởng được tạo ra vì mục đích chính trị.
39% người nhận phúc lợi là người da trắng, 37% da đen, 17% là người Hispanic và 3% là người Châu Á – theo dữ liệu của cơ quan Viện trợ gia đình có trẻ em phụ thuộc. Hầu hết hàng chục người có trình độ sau đại học đang nhận trợ cấp đều trả lời rằng họ là người da trắng.
Tuy nhiên, định kiến chủng tộc và văn hóa đóng một vai trò quan trọng trong việc quyết định có bao nhiêu học giả được phỏng vấn đang đấu tranh với thực tế họ đang phải nhận phúc lợi xã hội.
Lynn, trợ giảng 43 tuổi của 2 trường cao đẳng cộng đồng ở Houston – người đang nhận phiếu thực phẩm và Medicaid, đồng thời đề nghị được giấu họ cho hay: “Người ta không nghĩ rằng người da trắng cần sự giúp đỡ. Đó là quan điểm phổ biến. Nộp đơn xin phiếu thực phẩm thậm chí còn tồi tệ hơn nếu như bạn là người da trắng và cần sự giúp đỡ”.
Kisha Hawkins-Sledge, 35 tuổi, người da đen là một bà mẹ đơn thân của 2 cậu con trai sinh đôi. Chị nhận bằng Thạc sĩ tiếng Anh hồi tháng 8 năm ngoái. Chị bắt đầu dạy bán thời gian tại Prairie State College, Moraine Valley Community College, Richard J. Daley College thuộc City Colleges of Chicago trong khi đang học cao học. Chị Hawkins-Sledge cho biết chị kiếm đủ sống cho tới khi có con. Hiện chị đang sống ở Lansing, III.
“Gia đình tôi tăng từ 1 lên 3 người. Thu nhập của tôi không đủ sống, nên tôi phải nộp đơn xin trợ cấp”. Hiện chị đang nhận phiếu thực phẩm, trợ cấp WIC, Medicaid và hỗ trợ chăm sóc trẻ em.
Giống như chị Bruninga-Matteau và anh Stegall, Hawkins-Sledge cho biết chị đã từng có định kiến về những người nhận trợ cấp Chính phủ trước khi chính chị bắt đầu phải nhận trợ cấp. “Tôi từng học đại học, cao học. Tôi từng nghĩ rằng phúc lợi xã hội chỉ dành cho những người không đi học và không có việc làm”.
Hawkins-Sledge cho hay chị lớn lên với hình ảnh về một bà mẹ làm việc chăm chỉ. Chị học đại học và cao học. Chị cũng đang làm việc chăm chỉ để không trở thành định kiến văn hóa về “nữ hoàng phúc lợi” da đen.
“Tên tôi là Kisha. Bạn nghe thấy cái tên đó và nghĩ tới một cô gái da đen, đeo bông tai lớn, nhận phúc lợi xã hội. Tôi đã làm việc để người ta quên đi màu da, thân hình béo phì và cái tên của tôi. Tôi đi học để nhận được tất cả những bằng cấp này nhằm chứng minh với phần còn lại của thế giới rằng tôi không lười biếng và không nhận phúc lợi xã hội. Nhưng tôi đã phải ở đó và tự hỏi rằng: “Vấn đề là gì? Dù gì tôi cũng đang ở đây”.
Hiện Hawkins-Sledge đang có một tin vui. Chị sẽ bắt đầu là giảng viên tiếng Anh chính thức, toàn thời gian tại Prairie State vào tháng 8 tới.