Tiền đầu tư cho giáo dục: Chi lương GV là hết

“Chúng ta muốn đổi mới giáo dục nhưng tiền đầu tư chỉ 5-10% của tổng chi ngân sách thì khó hoạt động được, lo lương cho giáo viên là hết rồi”. Đó là ý kiến của Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi với PV sáng 25/10.

Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về việc phân bổ ngân sách năm 2014 trong lĩnh vực giáo dục, và nghiên cứu khoa học công nghệ để phát triển đất nước?

Chúng ta muốn đổi mới, muốn làm nhiều việc nhưng không có nguồn lực, đầu tư thì không thể làm được. Ví dụ tiền đầu tư cho giáo dục chỉ 5-10% của tổng chi ngân sách thì không hoạt động được. Lo lương cho giáo viên là hết rồi. Còn lại để vận hành nhà trường, máy móc thiết bị sẽ làm vô hiệu hóa các việc khác.

Tôi nói ví dụ khi chúng ta biên soạn sách giáo khoa thì chương trình dùng cho dạy hai buổi một ngày, nhưng thực tế không có đủ trường lớp nên phải dồn nén thành một buổi. Ngân sách cho giáo dục là quá thiếu. Vì quy mô của chúng ta, rồi các cấp chiếm hàng chục triệu người nên khó khăn.

Về khoa học đang có tình trạng nhà nước dành 2% cho khoa học công nghệ, nhưng cơ chế phân bổ chưa khoa học, cơ chế quản lý tài chính chưa phù hợp. Thực tế thì một sản phẩm khoa học khác với một sản phẩm bình thường. Bao nhiêu tiền thiết bị thì tính được, nhưng lao động của một giờ nghiên cứu khoa học có thể hơn một năm lao động khác. Chính vì chưa được giải quyết hợp lý nên hiện nay kinh phí 2% chưa giải ngân được hết. Bởi không phải vì không có nhu cầu mà thanh toán, quyết toán rất khó.

Tiền đầu tư cho giáo dục: Chi lương GV là hết - 1

Ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
Quốc hội.(Ảnh. Xuân Hải)

Hiện nay việc quản lý tài chính về khoa học cũng đang có vấn đề, chưa giải quyết được một cách triệt để làm ảnh hưởng đến quá trình nghiên cứu khoa học. Việc các doanh nghiệp lớn sử dụng khoa học trong sản xuất đang còn ít. Người sử dụng mà chưa quan tâm thì chưa có động lực.

Tại sao có tình trạng các đề tài nghiên cứu khoa học làm xong lại cất vào ngăn kéo là như vậy. Vì nhà nước trả tiền, còn các nhà sản xuất kinh doanh chỉ việc dùng thôi thì họ cứ đặt hàng cho vui thôi, bởi họ có phải trả tiền đâu mà tội gì không đặt. Phải chính những người sản xuất kinh doanh đặt hàng thì họ mới sử dụng.

Phải chăng chúng ta chưa chú trọng đầu tư cho nghiên cứu khoa học tại các trường đại học để tận dụng chất xám của các giáo sư, tiến sỹ, thưa ông?

Tôi cũng đã có đặt vấn đề, đặc biệt là nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại các trường đại học. Luật Giáo dục đại học lần này cũng có đề cập đến. Nhưng lần này không chung chung như những lần trước, mà đi thêm một bước đó là tất cả các trường đại học đều phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Bằng việc phân tầng, phân loại các trường đại học như: trường đại học định hướng nghiên cứu, và trường đại học nghiên cứu ứng dụng thực hành. Theo đó, chủ yếu các trường đại học định hướng nghiên cứu chỉ tập trung nghiên cứu khoa học để phục vụ cho nâng cao công tác giảng dạy. Còn các trường nghiên cứu ứng dụng thực hành sẽ tham gia nghiên cứu khoa học để phát triển kinh tế xã hội đất nước, phát triển khoa học công nghệ.

Các trường đại học nghiên cứu khoa học để phục vụ cho nâng cao công tác giảng dạy sẽ ít hơn, còn các trường nghiên cứu ứng dụng khoa học để phát triển kinh tế xã hội đất nước sẽ nhiều hơn, và được đẩy mạnh. Khi đó tiêu chuẩn về nghiên cứu khoa học sẽ cao hơn.

Tôi nói ví dụ như ỏ các nước phát triển, họ xét tỷ trọng về đào tạo với nghiên cứu khoa học phải 50-50. Các trường đấy họ không đào tạo nhiều, thậm chí có trường không đào tạo đại học mà chỉ đào tạo sau đại học. Phần lớn các trường đào tạo sau đại học phải chiếm hơn 50%. Như vậy, việc đào tạo Tiến sỹ, Thạc sỹ đương nhiên gắn liền với đào tạo tại các phòng thí nghiệm, và thực sự họ sẽ tham gia vào nghiên cứu khoa học để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống. Cho nên, đào tạo sau đại học vừa gắn với chuyên môn, vừa gắn với việc đưa các ứng dụng khoa học vào thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển khoa học công nghệ vào phát triển đất nước. Nghiên cứu đến đâu thì được ứng dụng đến đấy, đem lại hiệu quả rất là lớn, và giá trị nghiên cứu đem lại gắn liền với thực tiễn.

Xin cảm ơn ông!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Xuân Hải (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN