Tiền ăn bán trú thu theo thoả thuận thực hiện ra sao?
Năm học 2024-2025, thay vì khống chế mức trần như năm ngoái, tiền ăn bán trú sẽ do nhà trường thoả thuận với phụ huynh dựa trên điều kiện thực tế.
Năm ngoái, HĐND TP ban hành Nghị quyết 04 quy định mức thu các dịch vụ trong trường học. Trong đó, tiền ăn bán trú đối với các trường nội thành là 35.000 đồng/suất, các trường ngoại thành, mức này là 32.000 đồng/suất.
Không vượt quá 15%
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Hoà Bình, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Trong quá trình triển khai, nhiều trường ở trung tâm TP cho rằng mức thu tiền ăn bán trú như trên không còn phù hợp. Vì thế, chất lượng bữa ăn chỉ duy trì ở mức tương đối, khó nâng cao chất lượng.
Giữa tháng 7, HĐND đã thông qua Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn TP từ năm học 2024-2025.
Nghị quyết này thay cho Nghị quyết 04 về các khoản thu và mức áp dụng ở năm học trước. Trong Nghị quyết mới, tiền ăn bán trú và 14 khoản thu khác không còn được đề cập.
Ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD&ĐT TP.HCM cho biết đối với các khoản thu trên, trường học căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất, nhu cầu của phụ huynh để xây dựng dự toán.
Nguyên tắc của việc tính toán mức thu là đảm bảo thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế của năm học, tăng không cao hơn 15% so với mức thu của năm học 2023-2024.
Các khoản thu, mức thu trên phải được các cơ sở giáo dục thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh, có ý kiến của UBND quận, huyện, TP Thủ Đức và Sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý.
Là phụ huynh có con đang học lớp 6 tại một trường THCS ở quận 1, chị Nguyễn Nga đồng tình với chủ trương trên.
“Bởi khu vực quận 1 mức sống cũng như chi phí sinh hoạt đều khá cao, điều kiện người dân cũng khác so với các địa bàn khác. Hơn nữa, tuỳ từng lứa tuổi sẽ đòi hỏi chế độ dinh dưỡng khác nhau. Vì thế, tiền ăn bán trú để trường thoả thuận với phụ huynh sẽ phù hợp” - chị Nga nói.
Chị Nga nêu ví dụ một học sinh cấp 2 nhu cầu chất dinh dưỡng, suất ăn sẽ không giống như học sinh tiểu học. Do đó, cần một chi phí phù hợp để cân đối về lượng, chất cho bữa ăn của các con. “Do đó tiền ăn khoảng 40.000 đồng - 45.000 đồng/suất là hợp lý” - chị Nga nói.
Nhân viên cấp dưỡng Trường Tiểu học Nguyễn Bình Khiêm, quận 1 chuẩn bị bữa ăn cho các con. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Đồng quan điểm, chị Hồng Thuý, phụ huynh có con đang học tại một trường ở quận 1 bày tỏ với tình hình vật giá leo thang hiện nay, việc tăng tiền ăn bán trú là điều cần thiết. Tuy nhiên, cách làm phải thực sự minh bạch, công khai.
“Tôi và rất nhiều phụ huynh mong muốn được tham gia vào các hoạt động đánh giá chất lượng bữa ăn ở trường của con như giám sát bếp ăn, được quan sát bữa ăn của con mỗi ngày qua website trường” - chị Thuý bày tỏ.
Chủ động nâng cao chất lượng bữa ăn
Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1 phấn khởi khi nắm bắt thông tin trên. Bởi những ý kiến góp ý của các cơ sở giáo dục công lập đã được lắng nghe và tháo gỡ.
“Việc cho phép nhà trường thoả thuận với phụ huynh và đặt ra mức thu tiền ăn bán trú cho học sinh là hoàn toàn đúng. Nó tuỳ theo nhu cầu, tuỳ theo lứa tuổi và địa bàn để trường đưa ra mức thu hợp lý” - ông Khoa nói.
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN
Năm học 2023-2024, tiền ăn bán trú của trường là 35.000 đồng/suất. Với số tiền như trên, trường cố gắng đảm bảo bữa ăn chính chất lượng. Tuy nhiên, trường đã phải cắt phần sữa vào bữa xế trong khi đây là nhu cầu năng lượng cần thiết cho độ tuổi phát triển học trò.
“Do đó với việc thoả thuận tiền ăn bán trú với phụ huynh trên nguyên tắc không quá 15% so với năm ngoái, trường sẽ thuận lợi hơn trong việc cung cấp suất ăn cho các em. Trường sẽ lấy ý kiến của phụ huynh ngoài suất ăn bữa trưa sẽ có thêm phần sữa vào bữa xế” - ông Khoa nói.
Ông Khoa cũng hy vọng Sở GD&ĐT TP.HCM sớm có văn bản hướng dẫn để các trường triển khai lấy ý kiến phụ huynh, thống nhất các mức thu vì năm học mới đang cận kề.
Tương tự, hiệu trưởng tại trường tiểu học ở quận trung tâm cho biết, việc không khống chế mức trần sẽ tạo điều kiện cho các trường chủ động trong việc cung cấp suất ăn bán trú cho học sinh.
“Năm trước, với mức thu 35.000 đồng/suất, trường phải "cân đo đong đếm" để đảm bảo bữa ăn cho các em. Tuy nhiên, dù cố gắng trường cũng chỉ đảm bảo được bữa ăn trưa, bữa xế phải giảm bớt về lượng.
Năm nay, khi được thoả thuận với phụ huynh dù không được vượt quá 15% thì tiền ăn bán trú cũng sẽ tăng hơn năm rồi. Mức thu sẽ tăng thêm 5.000 đồng/em giúp chúng tôi dễ dàng xoay xở, để đem đến bữa ăn bán trú đảm bảo chất lượng cho học trò” - vị hiệu trưởng này nói.
Hiệu trưởng này cũng cho biết sự thay đổi trên là phù hợp và cho thấy các cơ quan quản lý đã lắng nghe ý kiến góp ý và nắm bắt được khó khăn của các trường khi phải tổ chức bữa ăn trong điều kiện vật giá leo thang.
“Việc thoả thuận sẽ phù hợp với các trường tại các địa bàn khác nhau với nhu cầu khác nhau của từng bộ phận phụ huynh” - vị này nói.
Ông Mai Thanh Bình, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Anh Xuân, quận Tân Phú nhấn mạnh việc tổ chức bữa ăn bán trú tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm công tác, không vì mục đích kinh doanh.
"Do đó, với tiền ăn bán trú, trường sẽ thoả thuận với phụ huynh, thống nhất mức thu hợp lý. Từ đó để phụ huynh giám sát bữa ăn của học sinh. Trường hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp. Trường sẽ đăng thực đơn hàng tuần trên cổng thông tin điện tử để phụ huynh tiện theo dõi. Ngoài ra, tạo điều kiện để phụ huynh đến công ty kiểm tra khâu chế biến bữa ăn” - ông Mai Thanh Bình nói.
Trong khi đó, bà Lê Thị Thuỳ, Hiệu trưởng Trường THCS Vân Đồn, quận 4, đánh giá chính sách trên tạo sự chủ động cho các trường trong việc cung cấp bữa ăn cho các con, đặc biệt, đối với các trường ở địa bàn có điều kiện sẽ giúp tăng chất lượng bữa ăn bán trú.
“Đối với trường tôi, năm học vừa rồi với mức thu 35.000 đồng/em, tôi vẫn tổ chức bữa ăn cho con khá ổn, có thêm phần ăn xế” - bà Thuỳ nói.
Sở GD&ĐT đang lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, sau đó phối hợp với Sở Tài chính để có thể có thể ra văn bản hướng dẫn thu chi đầu năm. Đây là cơ sở để các đơn vị triển khai thực hiện. Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác hướng dẫn, chỉ đạo, giám sát để đảm bảo rằng việc thu chi thực hiện đúng quy định, thống nhất theo đúng tinh thần chung. |
Tính đến ngày 15-8, cả nước có ít nhất 29 địa phương thông qua mức thu học phí năm học mới 2024-2025
Nguồn: [Link nguồn]