Thường xuyên nghe cha mẹ nói 3 câu này, trẻ ngày càng kém cỏi, làm gì cũng thất bại
Một đứa trẻ tự ti, nhút nhát, làm việc gì cũng sợ rất khó tồn tại trong xã hội ngày nay, nguyên nhân đằng sau là cách dạy con sai lầm của cha mẹ.
Một số người khi lớn lên thường chỉ thích thu mình vào một góc, đi tới chỗ đông người chỉ mong đừng có ai để ý. Họ sống giống như chỉ để tồn tại, không muốn phiền tới ai và cũng mong đừng có ai phiền tới mình. Họ cũng rất thận trọng khi nói chuyện với mọi người, luôn nhạy cảm mỗi khi có ai đó nhắc tới mình.
Tất cả những điều này là do họ trưởng thành cùng với nỗi sợ hãi, sự tồi tệ, cảm giác không xứng đáng. Họ cũng từng là những đứa trẻ ngây thơ nhưng rồi dưới sự ảnh hưởng của gia đình, dần dần tính cách biến đổi. Dưới đây là những câu nói của cha mẹ rất dễ khiến con cái mình dần trở nên tự ti, kém cỏi, thu mình trong tương lai.
“Từ từ, cẩn thận, chậm một chút, đừng”
Trẻ con thường hay nghịch ngợm, chạy nhảy lung tung, dễ làm bẩn quần áo. Lúc này, một số người lớn sẽ cau mày nói “cận thận đừng có nhảy như thế”, “chạy chậm lại đi con”, “đừng có làm bẩn quần áo”…
Trong học tập, trẻ thường bị cha mẹ nhắc nhở phải cẩn thận hơn khi làm bài. Nếu có đứa trẻ nào nghịch phá, hư hỏng sẽ liền bị nói “con phải ngoan ngoãn hơn”. Trẻ em đôi lúc không thể hiểu tại sao những điều mình làm lại chẳng bao giờ đúng trong mắt cha mẹ.
Yin Jianli là một chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc từng nói: “Chậm lại, cẩn thận là những câu không nên nói khi dạy con”.
Khi người lớn nói những câu này, họ chỉ quan tâm tới những thứ trước mắt và muốn con mình đừng phạm lỗi. Mỗi khi bị nhắc nhở như thế, trẻ cảm thấy như bị dội một gáo nước lạnh, len lỏi một sự thất vọng trong lòng.
Đặc biệt, người lớn thường nhắc nhở theo một thói quen đừng làm cái này, đừng làm cái kia.
“Con đừng chạy quá nhanh”.
“Hãy cẩn thận, đừng có làm bẩn quần áo”.
“Con đừng có kén ăn như vậy, ăn nhiều thêm chút nữa”.
“Đừng có bất cẩn như vậy chứ”.
“Con ngoan một chút đi, đừng có để bố mẹ bị mất mặt”.
Khi những lời này vừa nói ra, đứa trẻ vốn đang có hứng thú với mọi thứ lập tức bị chặn đứng, không dám thử bất kỳ ý định nào, cẩn thận không dám làm phật ý cha mẹ mình.
Mong muốn khám phá và tự nhận thức của trẻ cũng vì thế mà bị hạn chế. Việc nhắc nhở con “đừng” làm quá nhiều thứ vô tình tạo thành một kiểu quan tâm thái quá, hay nói cách khác là cha mẹ đang quá can thiệp vào sự trưởng thành của con mình.
Điều này sẽ khiến sự tự tin của trẻ dần bị thui chột, chuyển sang dè chừng, cẩn thận từng lời nói hành động.
Trách móc, đổ lỗi
Trong một bữa cơm tất niên, lũ trẻ con xúm xít phụ bưng đồ ăn lên cúng. Đôi tay bé nhỏ của Tiểu Bối mỗi lần chỉ bưng được một đĩa.
Thấy Tiểu Bối bưng như vậy, người lớn liên tục nói “chậm lại, cẩn thận”. Mọi lời nhắc nhở đều vô ích cho tới khi anh họ của Tiểu Bối trình diễn bưng 2 tay 2 đĩa đồ ăn cùng lúc.
Anh họ Tiểu Bối khăng khăng làm được, bất chấp những lời nhắc nhở, can ngăn của người lớn, 2 tay bưng đĩa thức ăn đi thật nhanh. Ban đầu, một số người quan tâm chỉ nói những câu như “không nặng sao”, “có bưng được không”, dần dần họ chuyển sang ngăn chặn, lo lắng “thôi ngồi đó chơi đi, đừng có bưng làm gì, đổ xuống ai dọn”, “con cứ ngồi đó chờ cơm”.
Cuối cùng, người mẹ lớn tiếng mắng con “mẹ nói rồi, con đừng có làm như thế, đứng đó đừng có nhúc nhích, để cho người lớn làm”.
Thấy mọi người công kích mình như vậy, anh họ Tiểu Bối không còn bình tĩnh, phấn chấn nữa mà trở nên run rẩy, cuối cùng làm đổ đĩa đồ ăn, khóc như mưa, rồi chạy vào phòng trốn không chịu ra ngoài.
Lúc này, người mẹ còn mắng thêm “đứa trẻ này thật cứng đầu, đã sai rồi mà còn hành động như vậy, thế thì cho nhịn”.
Bữa tất niên hôm đó chẳng còn niềm vui nào với bọn trẻ nữa. Anh họ Tiểu Bối cảm thấy xấu hổ, còn bị mẹ mắng liên tục. Câu nói “con chẳng làm gì cho ra hồn” của người mẹ càng châm ngòi cho cuộc khẩu chiến của 2 mẹ con.
Nhiều cha mẹ luôn nghĩ mình là người lớn, người đi trước, nếu con cái không nghe lời thì sẽ chỉ gặp họa. Người lớn càng thích nói những câu như vậy bao nhiêu thì con cái càng căm ghét bấy nhiêu.
Khi đứa trẻ đã nhận ra sai lầm và đang học hỏi kinh nghiệm, việc cha mẹ liên tục đổ lỗi khiến chúng chán nản, căm ghét hơn.
Các câu nói mang tính dán nhãn
Khi lớn lên, anh họ của Tiểu Bối thừa nhận rằng, khoảnh khắc lúc đó rất xấu hổ, chỉ muốn nhanh chóng dọn dẹp thật nhanh.
Trong khi đó, người lớn lại bàn tán, đổ lỗi cho người mẹ không biết quản con, điều này khiến cho anh họ của Tiểu Bối rất bức xúc. Kết quả là cậu đóng cửa không chịu ra, tự trách mình chứ không phải bướng bỉnh như lời của người lớn nói.
Người lớn thường chỉ chú ý tới hành vi của trẻ khi đó mà ít khi nghĩ tới nguyên nhân đằng sau. Khi con cái không ngoan ngoãn, không nghe lời, câu cửa miệng của nhiều người là “sao con lại bướng bỉnh thế”.
Những câu nói dán nhãn như “lười biếng, ngu ngốc, cẩu thả, bất cẩn, không nghe lời, bướng bỉnh, ích kỷ…” dễ dàng tuôn ra từ miệng người lớn mỗi khi trẻ làm điều gì đó khiến họ không hài lòng.
Thực ra, người lớn không cố ý coi thường trẻ con, họ nói ra những câu này là để bày tỏ cảm giác bất lực vào lúc đó. Bản thân họ không muốn chịu đựng cảm giác khó chịu này nên truyền sang cho trẻ.
“Tôi không hiểu”.
“Tôi không thể”
“Tôi sẽ không”
“Tôi không tốt”.
Đây là những cảm giác khủng khiếp mà trẻ con chịu đựng mỗi khi nghe người lớn dán nhãn cho mình.
Trên thực tế, có 3 yếu tố để khiến một đứa trẻ trở nên tự ti là bị cha mẹ phớt lờ, chế giễu và đánh đập. Những câu nói ở trên chứa đầy sự tiêu cực, tước đi quyền lựa chọn, quyền thử và quyền phạm sai lầm ở con cái.
Tất nhiên, còn rất nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới việc một đứa trẻ tự ti, hoàn cảnh và thói quen của từng gia đình cũng tác động không nhỏ. Điều quan trọng nhất là bản thân làm cha mẹ nên ý thức và biết được những hậu quả của những lời nói mang tính sát thương gây cho con mình. Đặc biệt, có những hậu quả mãi cho tới khi trẻ lớn lên mới thấy rõ được.
Nguồn: [Link nguồn]
Cha mẹ đừng đợi tới khi con mình học cấp 3 mới chịu thay đổi nhận thức và suy nghĩ của bản thân.