Thùng rác thông minh của cậu học trò lớp 9

Bằng ý tưởng sáng tạo, cậu học trò lớp 9 Nguyễn Viết Gia Khải, Trường THCS Chu Văn An (quận Thanh Khê, Đà Nẵng), đã biến chiếc thùng chứa rác thông thường thành “thùng rác thông minh”, có thể cảm nhận người đến gần và phát ra tiếng nói hướng dẫn bỏ rác vào thùng để giữ gìn môi trường sạch đẹp.

Chiếc thùng rác biết nói

Gia Khải cho biết, ý tưởng của em xuất phát từ chuyến đi du lịch ở TP.Hồ Chí Minh cùng gia đình, thấy các thùng rác đều có ghi một bên vô cơ và bên kia là hữu cơ, nhưng thấy mọi người cứ tiện bên nào bỏ rác bên ấy, mà không thấy ai nhắc nhở phải bỏ rác đúng quy định. Từ đó Khải nảy ý định sẽ sáng chế chiếc thùng rác “biết” hướng dẫn mọi người bỏ rác đúng chỗ và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường...
 
Thùng rác thông minh  của cậu học trò lớp 9 - 1

Nguyễn Viết Gia Khải bên  “thùng rác thông minh” do chính mình sáng chế.  Kim Oanh

Về nhà, Khải bắt tay vào thực hiện ý tưởng trên. Ba Khải vốn làm thợ điện, từ nhỏ Khải tiếp xúc với các dụng cụ điện của ba, nên Khải đã mày mò nghiên cứu từng khâu một, từ thiết kế nguồn điện bên trong đến cách bắt đèn, hình dáng đều do Khải tự tay làm. Ngoài giờ đi học, Khải tận dụng thời gian buổi tối để hoàn thiện sáng chế của mình.
 
Sau 3 tháng mày mò nghiên cứu, và được sự hướng dẫn của thầy giáo chủ nhiệm lớp, sản phẩm của Khải đã thành công. Chiếc thùng rác thông minh này thoạt nhìn cũng rất giản đơn chỉ gồm 2 thùng chứa rác, một bên ghi chữ rác vô cơ, bên còn lại ghi rác hữu cơ. Nhưng khi cắm điện vào, bật công tắt lên, 2 thùng rác này sẽ phát ánh sáng và phát ra tiếng nói “Xin chào các bạn đến với thùng rác thông minh. Thùng rác màu cam bên trái là thùng rác vô cơ, thùng màu xanh lá cây bên phải là thùng rác hữu cơ. Hãy bỏ rác đúng theo quy định các bạn nhé”.


Giúp hạn chế ô nhiễm môi trường

Khải cho biết, cấu tạo thùng rác gồm bộ cảm ứng quang nhiệt, đèn led, máy Mp3, loa, biến thế (220V-V), mạch điều khiển đèn led, nguồn điện 220V và công tắc. Với ưu điểm phát giọng nói và phát sáng, thùng rác không chỉ gây sự chú ý, nhắc nhở những người xung quanh mà còn hỗ trợ hướng dẫn cho cả người khiếm thính, khiếm thị bỏ rác để bảo vệ môi trường, bởi nó được lắp đặt thêm chữ nổi braiile, để giúp người khiếm thị nhận biết thùng rác hữu cơ hay vô cơ để bỏ rác vào. Theo Khải, khó khăn nhất là khi lắp đặt bộ phận cảm ứng hồng ngoại, bộ cảm ứng thông thường quá nhạy, chỉ cần một người ở xa hay con vật chạy ngang thùng rác cũng sáng đèn và bắt đầu phát ra tiếng nói, gây ô nhiễm tiếng ồn. Khải đã phải lên mạng tìm kiếm, nhờ người đặt hàng bộ cảm ứng nhận diện tận Hà Nội để hạn chế ô nhiễm tiếng ồn.

Còn theo thầy Trà Lam Khôi- giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn Khải thực hiện ý tưởng, thì “thùng rác thông minh” của Khải có thể đem ra sử dụng trong cuộc sống, rất tiện lợi khi đặt ở các trường học, rạp chiếu phim, những khu du lịch biển hay bất cứ nơi công cộng nào.

Nói về sáng chế của cậu học trò Nguyễn Viết Gia Khải, thầy Hồ Hữu Tuệ - Phó Hiệu trưởng Trường Chu Văn An cho biết: “Nhà trường rất bất ngờ với ý tưởng chế tạo thành công ‘thùng rác thông minh” của em Khải. Mong rằng sản phẩm sẽ được ứng dụng rộng rãi trong cộng đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Kim Oanh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN