Thứ trưởng GD&ĐT: Được hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu

Theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay bộ không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy nếu đợt đầu tuyển không đủ chỉ tiêu thì đợt sau có thể hạ điểm chuẩn để tuyển tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu.

Thứ trưởng GD&ĐT: Được hạ điểm chuẩn để tuyển đủ chỉ tiêu - 1

Bộ GD-ĐT cho biết nguồn tuyển dư dôi 27% nên các trường không lo thiếu thí sinh

Hôm nay (12-8) đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên vào đại học, cao đẳng sẽ kết thúc. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh việc xét tuyển ĐH, CĐ đợt 1.

Có thể công bố kết quả xét tuyển từ ngày 13-8

Thưa Thứ trưởng, thời gian xét tuyển đợt 1 đang đi vào giai đoạn nước rút, Thứ trưởng có thể cho biết tính tới thời điểm hiện tại công tác xét tuyển đã thực hiện như thế nào, có khó khăn và thuận lợi gì?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Năm nay là năm đầu tiên thí sinh được đăng ký xét tuyển trực tuyến nên có nhiều thuận lợi. Các em có thể ở nhà với chiếc máy tính nối mạng là có thể thực hiện việc đăng ký xét tuyển. Bộ đã chuẩn bị kỹ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đơn giản hóa phần mềm nên trong những ngày qua hệ thống hoạt động suôn sẻ, không xảy ra trục trặc kỹ thuật nào. Việc đăng ký trực tuyến sẽ kết thúc vào cuối ngày hôm nay. Thống kê cho thấy có hơn 28% số thí sinh đã lựa chọn phương án đăng ký xét tuyển trực tuyến.

Đến 18 giờ chiều ngày 11-8 đã có 390.000 thí sinh đăng ký vào hệ thống của Bộ. Tổng số thí sinh có điểm trên điểm sàn năm nay là 404.000. Như vậy nếu tính cả số lượng thí sinh nộp qua bưu điện mà hiện tại các trường chưa kịp nhập vào hệ thống thì hầu như tất cả thí sinh có kết quả thi trên điểm sàn đều đã đăng ký hết. Có thể nói rằng năm nay, tỷ lệ thí sinh có điểm trên mức điểm sàn nộp đăng ký xét tuyển cao nhất so với mọi năm.

So với chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 là 317.000 thì số lượng thí sinh đăng ký hiện tại đã vượt chỉ tiêu của các trường. Tất nhiên không phải tất cả các ngành đều có đủ thí sinh, có một số ngành dư nhiều nhưng cũng có những ngành thì thiếu. Các đợt xét tuyển bổ sung sẽ giúp thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 có cơ hội đăng ký xét tuyển vào các ngành/trường còn thiếu chỉ tiêu.

Bộ có những chỉ đạo chung gì cho các trường trong những ngày cuối của đợt xét tuyển này, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Hôm nay (12-8) sẽ kết thúc đợt đăng ký xét tuyển đầu tiên. Trong những ngày vừa qua bộ đã cử các tổ công tác đến làm việc trực tiếp với một số trường có đông thí sinh để kiểm tra tình hình chuẩn bị điều kiện kỹ thuật cho việc xét tuyển tốt.

Đến tối nay (12-8) các trường sẽ tải dữ liệu về để làm thủ tục xét tuyển. Các trường hoàn tất sớm nhất việc xét tuyển thì có thể công bố kết quả trong ngày 13-8. Bộ cũng đã chỉ đạo các trường chạy thử phần mềm xét tuyển với cơ sở dữ liệu giả định để khi có dữ liệu chính thức thì có thể chạy ngay. Đối với những trường nhận đăng ký xét tuyển trực tiếp, Bộ yêu cầu các trường chuẩn bị phương án xử lý nhanh hồ sơ thí sinh khi có khả năng xảy ra ùn tắc vào ngày cuối cùng của đợt 1.

Điều quan trọng bộ lưu ý các trường năm nay là không được tuyển vượt quá chỉ tiêu đã công bố. Trong cơ sở dữ liệu các trường sẽ tải về tối ngày 12-8 bộ cung cấp cho các trường đầy đủ thông tin thí sinh đã đăng ký vào trường/ngành của đợt xét tuyển. Trên cơ sở dữ liệu đó, các trường có thể phán đoán được thí sinh có học ở trường mình không. Năm nay bộ cũng không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước. Vì vậy nếu đợt đầu tuyển không đủ chỉ tiêu thì đợt sau có thể hạ điểm chuẩn để tuyển tiếp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Các trường cũng không phải chờ đến khi thí sinh nhập học mới biết được số lượng thí sinh chính thức vào học trường mình mà chỉ 5 ngày sau khi công bố kết quả nếu thí sinh không nộp giấy báo kết quả thi thì xem như không nhập học và trường tuyển bổ sung. Với những qui định linh hoạt như vậy thì không có lý do gì trường tuyển vượt chỉ tiêu đã công bố.

Các trường không lo thiếu thí sinh

Thưa Thứ trưởng, đợt xét tuyển thứ nhất với khung thời gian ngắn hơn năm trước, trong ngày cuối cùng của đợt xét tuyển nếu thí sinh gặp khó khăn trong trường hợp nộp hồ sơ xét tuyển thì có thể giải quyết vấn đề này như thế nào, các em có thể đến đâu để làm thủ tục?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Như đã nói, theo thống kê cho đến thời điểm này số thí sinh chưa đăng ký còn rất ít, hầu hết thí sinh trên điểm sàn đã đăng ký hết. Tuy nhiên bộ cũng không chủ quan, vẫn phải nhắc các trường có tính cạnh tranh cao và nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp chuẩn bị phương án xử lý khi số lượng thí sinh đến đăng ký tăng đột biến.

Trong ngày cuối cùng, các trường phải nhận hồ sơ của tất cả các thí sinh đến nộp trực tiếp, không được để thí sinh nào đến trường mà không nộp được. Đối với những thí sinh nộp hồ sơ qua đường bưu điện thì trong ngày 12-8 các em chỉ cần đến bưu điện gần nhất làm thủ tục gửi phiếu đăng ký xét tuyển bằng thư chuyển phát nhanh là xong. Thời gian hợp lệ của hồ sơ được tính theo dấu bưu điện. Những trường hợp hồ sơ đến chậm sau khi trường đã xét tuyển thì trường xét bổ sung những thí sinh này. Tất cả phiếu đăng ký xét tuyển đến muộn nhưng có dấu bưu điện từ ngày 12-8 trở về trước đều có giá trị xét tuyển, thí sinh không phải bận tâm lo lắng.

Năm nay các em đã ý thức rất kỹ việc chọn ngành, chọn trường. Sau khi có kết quả thi THPT quốc gia các em đã có 10 ngày để nghiên cứu ngành/trường mình yêu thích. Các em có kết quả xét tuyển năm ngoái để tham khảo. Bộ cũng yêu cầu các trường không được công bố dữ liệu đăng ký xét tuyển vào trường để tránh gây tâm lý hoang mang đối với thí sinh. Vì thế các em không có lý do gì phải chờ đến giờ chót mới nộp đăng ký xét tuyển. Do lưu lượng thí sinh rải đều trong 12 ngày nhận đăng ký xét tuyển, không tập trung tại một thời điểm nào nên mọi việc diễn ra rất thuận lợi và suôn sẻ.

Qua đợt 1 xét tuyển, Thứ trưởng có chia sẻ, nhắn nhủ gì với các thí sinh trong đợt xét tuyển tiếp theo?

Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Khi công bố kết quả xét tuyển đợt 1, những thí sinh trúng tuyển phải nộp giấy báo kết quả thi trong thời hạn qui định (hạn chót là hết ngày 19-8) để khẳng định nhập học. Đây là điều rất quan trọng mà các em phải lưu ý. Đối với những thí sinh không trúng tuyển đợt 1 cần chuẩn bị nộp đăng ký xét tuyển đợt bổ sung. Các trường công bố cụ thể các ngành sẽ xét tuyển bổ sung, số chỉ tiêu cần tuyển để thí sinh biết và nộp đăng ký xét tuyển.

Nguồn tuyển dư dôi 27% nên các trường không lo thiếu thí sinh. Vì vậy, với các trường có các ngành đợt 1 chưa tuyển đủ thì cũng không có gì đáng lo ngại cả. Hãy chuẩn bị kỹ công tác truyền thông để thí sinh biết, đăng ký. Các em thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 thì vẫn còn nhiều cơ hội trúng tuyển trong các đợt bổ sung. Cùng một ngành học nhưng các trường khác nhau có điểm chuẩn vào ngành cũng khác nhau. Tùy theo kết quả thi của mình các em nộp đăng ký xét tuyển vào trường/ngành có điểm chuẩn phù hợp. Trong các đợt bổ sung, tính cạnh tranh không lớn nên khả năng trúng tuyển cao hơn đợt 1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo ​Yến Anh (Người lao động)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN