Thủ khoa 12 năm bụng rỗng tới trường
Cùng lúc, đỗ thủ khoa trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh và á khoa trường ĐH Y Hà Nội, thay vì vui mừng thì chàng trai nghèo Trần Văn Cường ở Đức Thọ (Hà Tĩnh) phải day dứt giữa việc học hay đừng.
Bố tâm thần, mẹ mò cua bắt ốc nuôi con
Những ngày cuối tháng 7, trời Hà Tĩnh nắng cháy da thịt nhưng chị Nguyễn Thị Trung xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) dầm mình ngoài đồng cả ngày lẫn đêm để mò cua, bắt ốc hy vọng kiếm thêm được chút tiền cho con trai nhập học.
Tin con trai đỗ thủ khoa ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh với 28,5 điểm, lại đến á khoa trường ĐH Y danh tiếng bậc nhất (29 điểm) khiến chị phải suy nghĩ, nhiều đêm khóc một mình vì thương con. Chị nói trong nước mắt, “khổ mấy tôi cũng động viên con đi học mà nó cứ lần chần bảo, thương mẹ. Chị gái nó từng thi đỗ ĐH ở Hà Nội nhưng thấy nhà nghèo, nó không đi, giờ lấy chồng sống khổ cực, sắp tới phải gửi con về nhờ mẹ nuôi, tôi ân hận lắm”.
Chị kể, Cường là con trai thứ 5 trong gia đình, 4 anh em chị đều ly hương vào Bình Dương, TP Hồ Chí Minh làm thuê kiếm sống. Cuộc sống công nhân không dư giả để phụ giúp bố mẹ nuôi em. Nhà Cường nhiều năm nay thuộc diện hộ nghèo trong xã. Bố lại bị bệnh tâm thần từ khi em lên 3 hay lên 4 gì đó, Cường không nhớ nổi.
Chỉ nhớ, mỗi khi lên cơn những trận đòn cha đuổi đánh mẹ vẫn hằn sâu trong tâm trí. Rồi ông nằm liệt giường một chỗ, mọi sinh hoạt đều phải có người khác giúp đỡ. Người phụ nữ khắc khổ là mẹ Cường đã chạy vạy khắp nơi thuốc thang đã giúp ông có thể đi lại, tự tắm rửa nhưng ông mất trí nhớ hoàn toàn. Hằng ngày, khi vợ đi làm, con đi học ông lẩn thẩn đi hết đường làng, ngõ xóm miệng lẩm bẩm những điều không ai hay. Cả xã Trung Lễ lâu nay không ai lạ gì hoàn cảnh của ông nên lắm lúc đã dẫn ông về nhà khi ông đi lạc.
Cường và mẹ
Theo lời mẹ, Cường là đứa con trai sống tình cảm, rất thương cha. Tới mỗi bữa cơm, bà thường xúc cơm ra một tô, bỏ thức ăn đầy đủ mang lên cho ông nhưng Cường vẫn đi sau, sẻ bớt thức ăn trong bát mình thêm cho cha và bảo, cho cha phần nhiều cha ăn cho khỏe. Đi học về, Cường lại gần trò chuyện, an ủi, nhổ tóc bạc cho cha dù cha cứ ngu ngơ không hiểu chuyện. Biết tin Cường đỗ thủ khoa, nhiều người đến hỏi thăm, chúc mừng, ông vẫn cười cười, nói nói.
Điều chị Trung đau đầu nhất hiện nay là không biết lấy tiền đâu ra cho con trai ăn học. Bùa cứu sinh với chị là vay ngân hàng gói hỗ trợ học sinh, sinh viên thì mỗi năm chỉ được 10 triệu đồng. Chị đi hỏi ý kiến của nhiều người, bảo Hà Nội chi tiêu đắt đỏ, cho con đi học ít nhất mỗi tháng phải tiêu tốn 3 triệu. Chị chưa biết phải xoay xở ra sao. Gia đình chị lâu nay sống nhờ mấy sào ruộng. Ngày chị đi làm đồng, đêm lại không ngủ đi cào hến, bắt ngao, bắt cá vừa bán vừa làm thức ăn hàng ngày cho cả gia đình. Nếu chỉ dựa vào đó, chị e không lo nổi cho con ăn học những 6 năm ở Thủ đô.
Nhà Cường là ngôi nhà nhỏ 3 gian nằm lọt thỏm giữa vườn đất cháy nắng. Góc học tập của Cường là chiếc bàn gỗ cũ kỹ chất cao sách vở. Trong nhà, chiếc xe đạp Cường được Hội Chữ thập đỏ huyện Đức Thọ tặng thưởng em thi đỗ học sinh giỏi là đồ vật có giá trị nhất.
12 năm ôm bụng rỗng tới trường
Giọng đầy hào hứng, Cường khoe, trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh gọi điện về động viên em nhập học, nhà trường sẽ miễn học phí hoàn toàn trong 4 năm học với cam kết điểm tổng kết mỗi năm trên 7.0. Thế nhưng, em lại thích học trường Y bởi từ bé chứng kiến bố đau ốm, Cường đã ấp ủ giấc mơ được trở thành bác sỹ để có cơ hội chữa bệnh cho bố và giúp đỡ được nhiều người. Giờ đây, giấc mơ ấy đã đến gần hơn, Cường lại phải tính toán vì học trường Y, thời gian kéo dài những 6 năm, chưa kể phải học lên nữa mới mong trở thành bác sỹ giỏi. Em sợ một mình mẹ không cáng đáng nổi.
Thủ khoa Trần Văn Cường vẫn hằng ngày chăn trâu giúp mẹ
Một mình là lao động chính trong nhà nên mẹ Cường thường ra khỏi nhà khi tờ mờ sáng. Cường buổi tối cũng thức học bài muộn nên sáng ngủ dậy là đến trường. 12 năm nay đi học, Cường không có cả bữa sáng lót dạ. Hỏi em lấy sức đâu để học hết tiết 5 có khi gần 12 giờ trưa mới nghỉ? Cường cười, “Cả nhà em cùng nhịn mà chị, với lại cứ nhịn mãi cũng thành quen”.
Nhà nghèo là thế, nhưng suốt 12 năm liền Cường đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Những năm học trường THPT Trần Phú, huyện Đức Thọ, Cường đều giành giải nhất học sinh giỏi Toán cấp tỉnh; năm 2013 Cường đạt giải 3 Toán cấp quốc gia. Ngoài thời gian học ở trường, về nhà Cường phải phụ giúp mẹ làm đồng, nấu cơm. Nặng có 45 kg nhưng mùa vụ đến, những việc nặng nhọc như cày, bừa Cường đều tranh thủ đỡ đần mẹ.
Ham học Toán, mê thổi sáo
Mẹ Cường kể, Cường đi học được hết THPT cũng là nhờ sự giúp đỡ của nhiều người. Mỗi khi đóng tiền học, mẹ Cường lại đi vay hàng xóm, nhà 100-200 nghìn đợi mùa thu hoạch lúa bán trả. Cũng có khi, cô giáo chủ nhiệm thương, đóng giúp một nửa rồi bạn bè cùng lớp hiểu tình cảnh cũng gom góp người một ít mua sách vở tặng Cường. Ham mê môn Toán, Cường thường tìm mượn sách nâng cao của những anh chị khóa trước để học thêm.
Thầy Phạm Đăng Nhân, Hiệu phó trường THPT Trần Phú vừa là giáo viên dạy Toán của Cường chia sẻ thêm, Cường rất sáng dạ lại cần mẫn chịu khó nên học giỏi. “Các công thức, bài tập ở trên lớp Cường hiểu và ghi nhớ rất nhanh, nhiều lúc đưa ra cả cách giải thú vị trước thầy”, thầy Nhân nói.
Chia sẻ bí quyết học giỏi, Cường cho hay, em không có nhiều thời gian để học nên khi học em rất tập trung. Không có điều kiện đi học thêm, Cường chủ yếu học sách giáo khoa và tự giải tất cả các bài toán ở sách nâng cao để củng cố kiến thức.
Ngoài học giỏi, chàng trai nhỏ thó này còn niềm đam mê thổi sáo. Cường kể, từ nhỏ, mỗi lần đi chăn bò em cùng lũ bạn thi nhau thổi sáo thành quen. Mỗi chiều dắt bò ra đồng, em không quên mang theo cây sáo để véo von với chúng bạn.
Một mình là lao động chính trong nhà nên mẹ Cường thường ra khỏi nhà khi tờ mờ sáng. Cường buổi tối cũng thức học bài muộn nên sáng ngủ dậy là đến trường. 12 năm nay đi học, Cường không có cả bữa sáng lót dạ. “Cả nhà em cùng nhịn mà chị, với lại cứ nhịn mãi cũng thành quen” – Cường nói. |
Để nhận ngay Điểm chuẩn ĐH – CĐ 2014, soạn tin: VD: Để tra cứu điểm chuẩn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, soạn tin: (Ghi chú: Điểm chuẩn sẽ được gửi tới bạn ngay khi có, xem chi tiết Bấm đây) |