Thu đầu năm cả trăm triệu, phụ huynh bức xúc than trời
Sơn lại lớp học, lót lại sàn nhà, thay mới bàn ghế, lắp máy lạnh, sắm tivi… với tổng kinh phí hơn 100 triệu đồng là những gì mà phụ huynh có con đang học lớp 1/7 trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, TPHCM vừa đầu tư cho con trong năm học mới này.
Tuy nhiên, ngay trong lớp học này, nhiều phụ huynh tỏ ra bức xúc vì Ban đại diện cha mẹ học sinh làm hết việc của nhà trường và làm mất công bằng trong giáo dục giữa các lớp, giữa các học sinh.
Làm mới lớp học hơn 100 triệu đồng
Theo phản ánh của phụ huynh, phòng học của lớp 1/7 trường Tiểu học Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình khá cũ kỹ. Bên cạnh đó, đây lại là lớp tích hợp có dùng máy chiếu trong khi không có máy lạnh, do đó, một số phụ huynh trong Ban đại diện cho cha mẹ học sinh đề xuất sơn lại lớp học và gắn máy lạnh.
Báo cáo quỹ cha mẹ học sinh của một trường tiểu học ở TPHCM.
“Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình sửa chữa lớp học, các phụ huynh này còn đề xuất lót lại sàn gạch, mua sắm tivi, kệ tủ, công tơ điện riêng… Đặc biệt, lúc đầu bàn ghế chỉ đề xuất sửa chữa lại một số chỗ thì sau đó được thay mới hết toàn bộ. Kinh phí khi hoàn tất các hạng mục lên đến hơn 100 triệu đồng”, phụ huynh này kể.
Theo phụ huynh này, lớp 1/7 có 35 học sinh thì lúc đầu mỗi phụ huynh đóng khoảng 3 triệu đồng. Đến khi hoàn tất các hạng mục thì bị thâm tiền nên kêu gọi một số phụ huynh đóng thêm tiền. “Về nguyên tắc, khi làm việc phải đấu thầu nhưng Ban đại diện lớp không làm thế. Việc bỏ ra hơn cả 100 triệu để đầu tư cho lớp học như thế là lãng phí và làm mất công bằng trong giáo dục giữa các lớp học, các học sinh với nhau…”, phụ huynh này bức xúc nói.
Trong khi đó, một phụ huynh khác có con học lớp 3/2 trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1 cũng kêu trời vì hằng năm đều phải đóng tiền cơ sở vật chất nhưng đụng cái gì cũng kêu gọi phụ huynh quyên góp. Người này cho biết, trong cuộc họp phụ huynh cách đây khoảng 2 tuần, Ban đại diện cha mẹ học sinh ra thư ngỏ với nội dung: “Hiện nay, sàn của lớp đã cũ nên buổi trưa các bé phải ngủ trên bàn ghế. Để đảm bảo giấc ngủ trưa của các bé được an toàn và ngon giấc, Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 dự kiến lót sàn gỗ cho lớp với kinh phí 14 triệu (giá tham khảo lớp 4/1 kế bên), chia bình quân mỗi học sinh 400 ngàn đồng. Rất mong sự hợp tác của quý phụ huynh…”.
Thư ngỏ lót sàn gỗ của Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 3/2 trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TPHCM bị phụ huynh phản đối.
Phụ huynh “năn nỉ” trường được làm
Làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Thị Tân, Hiệu trưởng trường Tiểu học Lê Văn Sỹ (quận Tân Bình) thừa nhận, có việc lớp 1/7 sửa chữa lớp học và thay mới bàn ghế. “Tuy nhiên, việc này không phải nhà trường đề xuất mà là do Ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1/7 đề xuất và năn nỉ để được làm với mục đích có môi trường học tốt hơn cho các em học sinh”, bà Tân khẳng định.
Theo bà Tân, một số hạng mục ban đầu nhà trường không đồng ý thay đổi như lát lại sàn nhà, thay mới bàn ghế vì bàn ghế cũ vẫn còn dùng được, nhưng phụ huynh năn nỉ quá nên mới cho phép làm. Bà Tân khẳng định: “Không có chuyện ép buộc hay bổ đầu tất cả các phụ huynh trong lớp mà tất cả đều trên tinh thần tự nguyện”. Bà Tân cho biết thêm, ngoài lớp 1/7, một số lớp khác còn làm mạnh hơn, có lớp một phụ huynh tự đứng ra lắp 2 cái máy lạnh mà không cần kêu gọi ai cả.
Ông Nguyễn Văn Ngạn, đại diện Ban cha mẹ học sinh lớp 1/7 cho biết, tổng kinh phí làm mới lớp học và mua sắm là khoảng 105 triệu đồng. “Kinh phí hoàn toàn được các phụ huynh tự nguyện đóng góp chứ không ép buộc bởi trong lớp cũng có phụ huynh không đóng và có phụ huynh đóng nhiều hơn”, ông Ngạn khẳng định.
Một phụ huynh khác đặt câu hỏi: “Việc xã hội hóa, cùng nhà trường đầu tư cho lớp học là cần thiết nhưng đầu tư vào một lớp học cả trăm triệu như vậy liệu có cần thiết, có công bằng giữa các lớp và giữa các học sinh trong cùng một trường. Bên cạnh đó, đến năm sau, các phụ huynh này liệu có muốn thay đổi lớp học khác khi họ đã tốn cả trăm triệu đồng cho phòng học. Nhà trường, phụ huynh ai cũng sẽ khó xử trong vấn đề này…”.
Theo nội dung vừa HĐND TP Hà Nội thông qua, học phí của các cấp học ở cả ba vùng thành thị, nông thôn, miền núi trên địa...