Thông tư 26 ‘cởi trói’ cho học sinh và giáo viên
Những quy định từ Thông tư 26 sẽ thay đổi phương pháp, cách học của học sinh, từ đó giúp các em phát triển năng lực, phẩm chất qua các hoạt động trải nghiệm, dự án, làm việc nhóm.
Bộ GD&ĐT vừa ban hành Thông tư 26 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh (HS) THCS và HS THPT ban hành kèm theo Thông tư 58 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên được thực hiện theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến thông qua hỏi đáp, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập.
Kiểm tra, đánh giá định kỳ, gồm kiểm tra giữa kỳ và kiểm tra, đánh giá cuối kỳ, được thực hiện thông qua bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.
Đánh giá qua thuyết trình, làm dự án
“Việc đa dạng hình thức đánh giá phù hợp với tình hình giáo dục hiện nay. Phương pháp đổi mới giáo dục là đánh giá về năng lực của HS. Do đó, nếu chỉ kiểm tra đơn thuần theo phương pháp truyền thống trên giấy thì không thể hiện đầy đủ trình độ của các em” - thầy Phan Thành Vinh, giáo viên (GV) Trường THCS Phan Tây Hồ, quận Gò Vấp, nói.
Đối với môn tiếng Anh, ngoài việc kiểm tra bằng giấy, trên lớp thầy cũng thường phân công cho HS thuyết trình về các chủ đề liên quan đến bài học trong sách. Việc kiểm tra trên giấy chỉ kiểm tra được từ vựng, kỹ năng viết của các em. Thế nhưng qua thuyết trình, GV sẽ biết được kỹ năng nghe, nói của từng em. Tất cả hoạt động này đều được lấy điểm.
Cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Liên Châu, GV Trường THCS Tùng Thiện Vương, quận 8, cho rằng đối với môn hóa, ngoài việc kiểm tra giấy cô cũng thường cho HS thực hành theo nhóm để lấy điểm. Việc làm này sẽ khiến các em nhớ bài rất lâu và rèn luyện được ý thức làm việc tập thể.
“Điều này sẽ giảm được việc GV phải chấm bài giấy do số lượng bài kiểm tra giảm. Hơn nữa, HS được đánh giá bằng nhiều cách, có cơ hội lấy điểm tốt hơn và thể hiện được năng lực của bản thân” - cô Liên Châu bày tỏ.
Cô Võ Thị Kim Hiệp, GV Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, khẳng định: “Thông tư 26 đã “cởi trói” cho HS và GV. Nó cho thấy sự đồng bộ giữa việc đổi mới phương pháp dạy học với kiểm tra, đánh giá. Tùy theo khối lớp, GV sẽ có cách đánh giá phù hợp tùy theo môn học như thuyết trình, làm dự án, sản phẩm. Điều này sẽ giúp HS có nhiều cơ hội trải nghiệm và sáng tạo, đồng thời GV cũng năng động, cũng có góc nhìn và cách đánh giá đa chiều về HS hơn.
Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa trong một tiết học môn địa lý. Ảnh: KIM HIỆP
Giáo viên, học sinh phải đổi mới
Muốn đa dạng hóa hình thức đánh giá, theo thầy Vinh, trước hết GV cần phải đổi mới phương pháp dạy và hình thức tổ chức lớp học. Từ đó, GV mới có thể suy nghĩ nhiều hình thức khác nhau để đánh giá HS. Ví dụ như thay vì kiểm tra giấy, GV có thể tổ chức các trò chơi liên quan đến bài học, từ đó đánh giá năng lực của mỗi em. HS cần phải chủ động nhiều hơn trong học tập. Chỉ có như vậy các em mới có thể bắt nhịp với các hình thức kiểm tra mới từ GV.
Trong khi đó, cô Kim Hiệp cho rằng muốn thực hiện được điều này cần có một lộ trình. Nếu GV muốn đánh giá HS thông qua những hình thức mới thay cho bài kiểm tra giấy như tìm tài liệu bổ trợ, bài tính tích hợp thì trong quá trình dạy GV cần phải cho các em làm quen để có sự trải nghiệm và thích nghi. Nếu HS thích ứng với phương pháp học tập nào thì GV đánh giá theo phương pháp đó.
Ông Nguyễn Xuân Đắc, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, cho hay hiện nhà trường đã thông báo cho HS và phụ huynh nắm rõ sự thay đổi trong cách kiểm tra, đánh giá.
“Thực tế, trước khi có Thông tư 26, TP.HCM đã đổi mới kiểm tra, đánh giá theo từng bộ môn, linh động giao cho GV xây dựng chương trình dạy học theo chủ đề, dự án. Từ đó sẽ đánh giá HS qua dự án hoặc thuyết trình tùy theo nội dung.
Với Thông tư 26 đã quy định cụ thể hơn, có cơ sở chính xác cũng như hành lang pháp lý để thực hiện. Việc đa dạng trong hình thức đánh giá đòi hỏi GV, HS và ban giám hiệu nhà trường phải thay đổi. Khi thay đổi cách kiểm tra, đánh giá, HS sẽ không còn phải học theo kiểu nhồi nhét, học thuộc lòng. Nhưng bù lại, cha mẹ và HS phải thay đổi cách học để có thể bắt kịp và thích nghi với hình thức mới” - hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Gia Thiều khẳng định.
Tuy nhiên, thầy Đỗ Duy Nam, GV địa lý Trường THCS Phú Thọ, quận 11, cho hay việc đánh giá HS qua hoạt động tập thể cũng gặp khó vì trình độ HS và mức độ chăm chỉ của từng HS khác nhau.
“Tôi đang hướng dẫn HS thực hiện dự án tìm hiểu di sản Việt Nam, thế nhưng có nhóm đã bắt đầu thực hiện, có nhóm vẫn chưa. Trong nhóm thực hiện, có em tham gia, có em không làm gì. Vì thế, GV phải theo sát mới có thể đánh giá được một cách công bằng và khách quan nhất” - thầy Nam chia sẻ thêm.
Học sinh giỏi chỉ cần một trong ba môn 8 điểm
Loại giỏi, nếu có đủ các tiêu chuẩn sau đây:
a) Điểm trung bình các môn học từ 8 điểm trở lên, trong đó điểm trung bình của một trong ba môn toán, ngữ văn, ngoại ngữ từ 8 trở lên; riêng đối với HS lớp chuyên của trường THPT chuyên phải thêm điều kiện điểm trung bình môn chuyên từ 8 trở lên;
b) Không có môn học nào điểm trung bình dưới 6,5;
c) Các môn học đánh giá bằng nhận xét đạt loại Đ.
Tương tự, việc xếp loại khá, trung bình, điểm trung bình vẫn theo thông tư cũ nhưng Thông tư 26 đã nới rộng hơn khi đưa thêm môn ngoại ngữ và chỉ cần một trong ba môn đạt chuẩn là đạt.
Mới đây, một thành viên Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực đề xuất, 5 năm tới, chương trình học THPT...
Nguồn: [Link nguồn]