Thời thầy cô phải... nhẫn!

Sự kiện: Giáo dục

Thầy cô giáo luôn cảm thấy áp lực khi hằng ngày, mỗi lời nói, hoạt động dạy học của mình đều bị theo dõi, săm soi từng li từng tí và theo đó là không ít nỗi niềm...

Chưa bao giờ các mối quan hệ trong và ngoài ngành giáo dục phức tạp như hiện nay. Những người trực tiếp đứng trên bục giảng không thoát khỏi những hệ lụy từ chính nghề mình mang lại.

Chớ đánh đồng tiêu cực

Phải thẳng thắn thừa nhận rằng có một bộ phận giáo viên vì nhiều lý do khác nhau đã làm tổn hại lớn đến thanh danh nhà giáo như thầy giáo sàm sỡ học sinh, cô giáo mầm non ra tay hành hạ những đứa trẻ thơ ngây rất tàn độc, nhục mạ học sinh, tìm mọi cách moi tiền phụ huynh... để rồi hàng triệu trái tim nhà giáo phải chịu điều tiếng.

Nhưng nếu vì một vài cá nhân mà có thể đánh đồng với bao thế hệ thầy cô giáo vượt qua vất vả, khó khăn sống chết với nghề thì thật thiếu công bằng. Chưa kể số vụ thầy cô giáo bị hành hung, làm nhục trong trường, thậm chí ngay trên bục giảng không phải chưa từng xảy ra. Nhiều người chỉ biết theo đám đông phê phán, kết tội giáo viên mà không chịu tìm hiểu xem cơn cớ vì sao. Một thầy giáo với tâm trạng bất lực buông lời khuyên đồng nghiệp của mình rằng: "Học sinh và phụ huynh luôn đúng, các thầy cô hãy biết giữ lấy thân phận của mình. Tuyệt đối không được la mắng, quở phạt, đánh đập học sinh dù chúng có thế nào đi nữa. Gắng bám lấy nghề để còn lo cho gia đình". Nghe mà xót xa thay!

Giáo viên hiện nay phải chịu rất nhiều áp lực Ảnh: TẤN THẠNH

Giáo viên hiện nay phải chịu rất nhiều áp lực Ảnh: TẤN THẠNH

Có một căn nguyên cần kể đến đầu tiên: Mỗi gia đình thường chỉ có 1-2 con nên mỗi khi "con vàng con bạc" của phụ huynh có chuyện, họ không cần biết nguyên nhân vì đâu, lỗi tại ai, thầy cô bao giờ cũng là đối tượng trước tiên và sau cùng để họ truy vấn. Chả thế mà có cô giáo bị kỷ luật oan khi chân một học sinh bầm tím da do bệnh mà phụ huynh không hề hay biết, cứ dồn ép buộc tội cô đánh dù cô giáo đã hàng chục lần nói không trong nước mắt. Cuối cùng cô phải đành nhận tội để "chỉ nhận kỷ luật chứ không phải bị đuổi dạy". Đến khi con nghỉ học vẫn thấy hiện tượng thâm tím tay chân, đưa đến bệnh viện khám, bác sĩ mới cho biết đứa trẻ bị bệnh viêm da, khi đó, cô giáo mới được giải oan. Cô giáo này do chịu quá nhiều áp lực, oan ức không thể giãi bày đã dẫn đến trầm cảm...

Trẻ con thời nay lại khó bảo. Nhiều phụ huynh từng kêu lên "sao dạy con khó quá!". Thế thì với một lớp mấy chục học sinh, thầy cô uốn nắn, dạy dỗ còn khó đến mức nào. Đừng trói tay, trói chân rồi bắt thầy cô phải nhẫn nhục chịu đựng, buộc thầy cô phải chấp nhận lùi bước trước mọi ngang tàng, ngỗ ngược của trẻ! Vì thầy cô đâu phải phù thủy hay bà tiên mà giáo dục con em mình bằng điều ước được.

Đừng thêm vị chua chát!

20-11 là ngày tôn vinh nhà giáo, đồng thời là dịp để phụ huynh, các tổ chức xã hội bày tỏ sự quan tâm của mình đối với người thầy. Thế nhưng, đã có ý kiến cho rằng 20-11 là dịp thầy cô giáo vào "mùa thu hoạch". Có chua chát quá không?

Thử hỏi: Một thầy giáo mẫn cán, suốt năm học hết lòng, tận tụy với học sinh, đến ngày 20-11 nhận món quà từ tấm lòng thành của phụ huynh, học sinh thì có gì sai?

Một thầy giáo giỏi, bất chấp đường xa, tranh thủ cả ngày lễ, chủ nhật bồi dưỡng cho học sinh tối dạ lấy lại kiến thức căn bản, thay vì nếu không được kèm cặp chắc chắn phải ở lại lớp nên ngoài tiền thu đúng mực hằng tháng, thầy được phụ huynh cám ơn bằng một món quà nhân ngày Nhà giáo Việt Nam, vậy có đáng trân trọng không?

Một cô giáo cảm hóa được học sinh cá biệt bằng sự kiên nhẫn và tình thương hiếm thấy, khiến một đứa trẻ hỗn láo, ngỗ ngược trở nên tiến bộ, học hành tử tế; cô được phụ huynh mang một giỏ quà đến tặng thay lời cảm ơn và chiêu đãi cả gia đình một bữa tối tại nhà hàng nhân ngày 20-11, liệu có phải là ân nghĩa thầy trò?

Nói tóm lại, do đặc trưng nghề nghiệp, nếu là nhà giáo chân chính đúng nghĩa, người ta thường đủ tỉnh táo để nhận diện mọi mối quan hệ, biết tùy vào điều kiện, hoàn cảnh để ý thức rõ thái độ tình cảm chân thành của người khác khi trao gửi niềm tin hay chỉ đơn giản là nhận một món quà. Một chút quà trong dịp 20-11 có thể khiến thầy cô ấm lòng, góp phần động viên an ủi họ rất lớn. Nhưng nếu vì một động cơ không trong sáng thì nói thật, đừng làm khổ thêm đời sống vốn khốn khó của nhà giáo nữa!

Về phía thầy cô, hãy biết kìm lòng, rèn luyện cho mình đức tính kiên nhẫn, kiên nhẫn chịu đựng nhưng đừng bạc nhược, nhiệt tâm cống hiến và vững vàng trước mọi cám dỗ, thách thức. Được như vậy mới có thể tiếp tục thanh thản sống tốt và ngẩng cao đầu tự hào với nghề; để ai ai cũng phải thừa nhận nghề dạy học chưa bao giờ hết cao quý. 

Cô giáo khiến học trò mê địa lý bằng trò chơi

Học địa lý qua trò chơi là phương pháp được cô Võ Thị Kim Hiệp, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM, áp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạc Miên ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN