Thiếu trầm trọng thiết bị, học trực tuyến thế nào?
Việc học trực tuyến đang đặt ra nhiều khó khăn như đường truyền bị nghẽn; học sinh tại Hà Nội, TPHCM và các địa phương đang thiếu trầm trọng thiết bị để học tập.
Học sinh thiếu trầm trọng thiết bị học trực tuyến.
TPHCM 77.000 học sinh không có điều kiện học trực tuyến
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, qua rà soát, địa phương hiện có khoảng 77.000 học sinh không có điều kiện học tập trực tuyến. Tuy nhiên đây là số liệu gồm cả những khó khăn về đi lại, đường truyền, không có phụ huynh kèm cặp… Thực tế, có khoảng 51.000 học sinh tiểu học gặp khó khăn khi học trực tuyến trong đó có khó khăn về đường truyền. TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp như kêu gọi đơn vị, cá nhân quyên góp, chung tay tặng máy tính cho học sinh khó khăn.
Tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT cũng cho biết, để sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến, từ năm ngoái đơn vị đã kết hợp với các nhà mạng, xây dựng nền tảng dạy học trên hệ thống LMS. Các cấp học được bố trí thời khoá biểu khác nhau, trong đó tiểu học sẽ học buổi tối để có sự hướng dẫn của phụ huynh; THCS – THPT học sáng- chiều các ngày trong tuần. Vấn đề khó khăn khi triển khai dạy học trực tuyến tại Nghệ An là ở vùng khó khăn, chỉ có khoảng 60% học sinh có điều kiện thiết bị để học tập.
Tại Hà Nội, địa phương triển khai dạy học trực tuyến từ lớp 1- 12 hiện nay chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng học sinh thiếu thiết bị dạy học. Tuy nhiên, tại các nhà trường, giáo viên đã rà soát cụ thể đến từng lớp học, những trường hợp chưa có thiết bị học tập sẽ báo cáo để có phương án hỗ trợ.
Vận động cá nhân, doanh nghiệp tặng máy tính
Theo lãnh đạo Phòng GD&ĐT tại Hà Nội, qua rà soát mỗi trường học đều có từ 10-20 học sinh thiếu thiết bị, cần được hỗ trợ. Với những trường có ít học sinh thiếu thiết bị, trước mắt trường vận động, quyên góp cha mẹ học sinh, lấy máy tính cũ của trường cho các em sử dụng. Đối với các trường vùng khó khăn, học sinh thiếu thốn nhiều hơn hiện ngành giáo dục đang kêu gọi cá nhân, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ. Ngoài ra, các trường nội đô cũng kêu gọi, quyên góp để hỗ trợ các trường vùng khó khăn như: Mới đây, Trường THCS Giảng Võ tặng 10 bộ máy tính cho học sinh tại Ba Vì.
Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu cũng cho biết, các trường cũng thực hiện các giải pháp như vận động phụ huynh góp, trao tặng, vận động các doanh nghiệp… Sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ xin UBND TP chủ trương để các đơn vị giới thiệu các gói giải pháp chẳng hạn như thiết bị, đường truyền để cung ứng cho các trường và học sinh. Tuy nhiên, hiện nay dù phụ huynh có tiền cũng không mua được thiết bị bởi việc đi lại khó khăn. Thậm chí, có máy tính rồi nhưng bị hư hỏng, giáo viên, phụ huynh cũng không đi sửa được. Đối với những học sinh không có điều kiện học trực tuyến, các trường xây dựng phiếu học tập giao bài, sau đó đội ngũ tình nguyện viên sẽ thu các phiếu gửi về để thầy cô để đánh giá các em đang học ở mức độ nào.
Tại Nghệ An, lãnh đạo Sở GD&ĐT cũng cho biết, trước đó ở vùng khó khăn, học sinh thiếu thiết bị sẽ học nhóm với nhau. 5-6 em cùng học chung 1 điện thoại hay máy tính. Ở vùng khó khăn, đường truyền kém, giáo viên sẽ giao bài tập cho học sinh. Hiện nay, địa phương đang kêu gọi cá nhân, tổ chức quyên góp tặng máy tính đã qua sử dụng cho học sinh có điều kiện học tập.
Tại Hà Tĩnh, cũng có nhiều học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến, do đó địa phương này chỉ dạy trực tuyến với THCS – THPT và yêu cầu các trường rà soát và chia 3 nhóm học sinh.
Trong đó, nhóm 1 gồm học sinh có phương tiện học tập sẽ học trực tuyến mỗi tiết khoảng 40 - 45 phút; mỗi buổi dạy không quá 4 tiết. Thời gian học được thực hiện hằng ngày (từ thứ 2 đến thứ 7); Nhóm học sinh không thể học được trực tuyến nhưng phụ huynh kèm cặp được, hiệu trưởng các trường chỉ đạo giáo viên bộ môn phối hợp với giáo viên chủ nhiệm chuyển giao nhiệm vụ học tập cho các em thông qua tin nhắn SMS, Vnedu, qua Zalo, Facebook; Nhóm không học được trực tuyến và phụ huynh không kèm cặp được sẽ huy động sự giúp đỡ của các tổ chức và phân công giáo viên kèm cặp; phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”…
2 triệu học sinh truy cập đã tắc đường truyền
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ tối 6/9 về khó khăn lớn trong dạy học trực tuyến là thiết bị và đường truyền.
“Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, phương án khác trong việc dạy và học được Bộ GD&ĐT đưa ra là hướng dẫn các trường thực hiện, tận dụng các bài giảng điện tử, bài học điện tử để học sinh học ở nhà.
Riêng với lớp 1, Bộ GD&ĐT phối hợp VTV sản xuất các video bài học cho môn Tiếng Việt và Tiếng Anh khá đầy đủ. Các bài giảng này được phát trên kênh truyền hình quốc gia. “Sau dịch bệnh, những nơi không có học liệu tốt thì cần các giáo viên dạy phụ đạo thêm để có chất lượng tốt nhất”, ông Sơn nói.
*Kết thúc buổi học online đầu tiên của năm học mới 2021 - 2022, nhiều học sinh chán nản vì mạng liên tục bị rớt. TRong khi đó, phía nhà mạng cho hay, việc sửa cáp quang AAG (gặp sự cố) có thể kéo dài đến ngày 26/9 thì mới đây, cáp quang AAE-1 lại gặp sự cố khiến cả hai tuyến cáp quan trọng kết nối đi quốc tế của Việt Nam bị ảnh hưởng.
Sự cố đứt cáp quang xảy ra khi năm học mới vừa bắt đầu, nhiều địa phương triển khai học trực tuyến. Bên cạnh đó, nhu cầu làm việc trực tuyến cũng gia tăng do nhiều địa phương tiếp tục giãn cách xã hội. Vì vậy, sự cố gây ảnh hưởng không nhỏ đến học tập, công việc của nhiều người.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã thông tin về công tác dạy và học trong năm học 2021-2022 trước bối...
Nguồn: [Link nguồn]