Thiếu giáo viên tại TPHCM: Nhiều trường chỉ chọn được 5-8 tổ hợp môn

Sự kiện: Giáo dục

Do thiếu giáo viên và cơ sở vật chất ở các môn năng khiếu, nghệ thuật nên hầu hết các trường tại TPHCM chỉ chọn 5- 8 tổ hợp trong tổng số 108 tổ hợp môn trong chương trình giáo dục phổ thông do Bộ GD&ĐT quy định.

Trường chọn thay học sinh

Ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông (THPT) Nguyễn Du (quận 10) cho hay, năm học 2022- 2023 trường dự kiến tuyển 560 học sinh lớp 10 vào học 8 tổ hợp môn. Trong 8 tổ hợp môn thì toán, anh, văn là các môn chủ đạo xuất hiện ở tất các tổ hợp. Các môn lý, hóa, sinh, sử, địa, tin học, mỗi môn xuất hiện ít nhất ở một tổ hợp cùng với các môn tự chọn còn lại. Ngoài ra, trường này còn dành một tổ hợp tự chọn do học sinh và phụ huynh đề xuất theo nguyện vọng.

Tương tự, Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) cũng có 8 tổ hợp môn dành cho lớp 10 trong năm học 2022- 2023. Ông Đỗ Đình Đảo, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, việc đưa ra 8 tổ hợp môn này được thực hiện dựa trên hai nguyên tắc cơ bản. Thứ nhất, tổ hợp môn phải đảm bảo đủ tổ hợp xét tuyển đại học sau này của học sinh. Thứ hai, tổ hợp môn phải đảm bảo đúng năng lực, sở trường của học sinh.

Từ năm học 2022- 2023, học sinh bậc phổ thông sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới với đa dạng các tổ hợp

Từ năm học 2022- 2023, học sinh bậc phổ thông sẽ học theo chương trình giáo dục phổ thông mới với đa dạng các tổ hợp

Ông Đảo dẫn chứng, trong 8 tổ hợp môn thì toán, văn, anh xuất hiện ở tất cả các tổ hợp, học sinh được chọn lựa các môn còn lại. Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ cũng sẽ không công bố số lớp theo tổ hợp mà sẽ để các em học sinh lựa chọn theo nguyện vọng và sau đó xếp lớp theo thứ tự ưu tiên.

Trong khi đó, do định hướng thiên về khối khoa học tự nhiên từ nhiều năm qua, Trường THPT Thành Nhân (quận Tân Phú) chỉ tổ chức dạy 4 tổ hợp cho khối 10 trong năm học tới. Ông Nguyễn Đình Độ, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bên cạnh các môn bắt buộc thì các môn lý, hóa, sinh, tin học cũng sẽ xuất hiện ở tất cả 4 tổ hợp. Môn tự chọn còn lại là sử, địa, giáo dục kinh tế và pháp luật.

Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết các trường phổ thông trên địa bàn TPHCM đều tổ chức từ 5- 8 tổ hợp môn cho chương trình lớp 10 trong năm học tới. Các môn thiên về nhóm công nghệ và nghệ thuật ít được chọn lựa.

Khó cân bằng môn tự chọn

Ông Nguyễn Đình Độ cho rằng, dù có đến 108 tổ hợp nhưng trường chỉ chọn 4 tổ hợp để giảng dạy là do gặp khó khăn về đội ngũ giáo viên cũng như cơ sở vật chất. “Trường hiện không có giáo viên các môn về công nghệ và nghệ thuật. Nếu mở các lớp này thì trường sẽ phải tuyển mới hoặc làm hợp đồng”, ông Độ nói.

Ông Đỗ Đình Đảo cũng cho rằng, nếu để học sinh tự chọn môn thì sẽ có rất nhiều tổ hợp, dẫn đến nhà trường khó đáp ứng về cơ sở vật chất cũng như giáo viên.

Theo ông Huỳnh Thanh Phú, ngoài các khó khăn về giáo viên, cơ sở vật chất khi triển khai môn học tự chọn thì cũng nên linh động trong quá trình dạy và học các tổ hợp môn. Ông Phú lấy ví dụ: “Ở môn giáo dục thể chất, chúng ta không nên bắt buộc các em học 1 môn trong 3 năm mà nên linh động. Tương tự, môn nghệ thuật cũng nên linh động dạy theo vùng miền. Đối với khu vực phía Bắc có thể để các em chọn ca trù, nhạc dân gian nhưng phía Nam thì các em có thể chọn cải lương, tân cổ giao duyên…”.

Trước đó, theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Bộ GD&ĐT công bố ( áp dụng từ năm học 2022-2023), các môn học theo chương trình mới sẽ được phân chia thành 2 loại: Môn học, hoạt động bắt buộc và môn học tự chọn.

Cụ thể, ở cấp Tiểu học, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục lối sống, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Lịch sử và Địa lý, Khoa học, Tin học và Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn là Tiếng dân tộc thiểu số và Ngoại ngữ 1 (đối với lớp 1 và 2). Như vậy, ở bậc học này xuất hiện môn học mới là Tin học và Công nghệ.

Ở cấp THCS, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật. Môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Đáng lưu ý ở bậc học này là môn Tin học trở thành bắt buộc (khác với trước đây là tự chọn). Ngoài ra, sự xuất hiện của các môn: Lịch sử và Địa lý, Khoa học Tự nhiên sẽ khiến cách tổ chức dạy học khác so với trước.

Ở cấp THPT, các môn học bắt buộc: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh. Các môn học được lựa chọn: theo nhóm Khoa học Xã hội (gồm các môn Giáo dục kinh tế và pháp luật, Lịch sử, Địa lý), nhóm Khoa học Tự nhiên (gồm các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), nhóm Công nghệ và Nghệ thuật (gồm Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật). Các môn học tự chọn: Tiếng dân tộc thiểu số, Ngoại ngữ 2. Như vậy, ngoài 5 môn bắt buộc, học sinh phải chọn tối thiểu 5 môn khác của nhóm môn được lựa chọn.

Nguồn: [Link nguồn]

Hơn 100 tổ hợp môn học lớp 10: Khó chuẩn bị kịp?

Chỉ gần 5 tháng nữa các trường sẽ triển khai chương trình lớp 10 mới. Nhiều giáo viên, lãnh đạo nhà trường lo “vỡ trận” còn GS Nguyễn Minh Thuyết, tổng chủ biên Chương...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN