Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh gồng mình ôn Ngoại ngữ

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 10

Do năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội bất ngờ đưa vào làm môn thi chính thức trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 nên với nhiều học sinh đã vốn chỉ chú trọng Toán và Ngữ văn nay phải “căng mình” ôn thêm ngoại ngữ.

Thi vào lớp 10 tại Hà Nội: Học sinh gồng mình ôn Ngoại ngữ - 1

Kỳ thi vào lớp 10 THPT tại Hà Nội năm học 2019 – 2020 có nhiều thay đổi so với các năm trước. Ảnh minh họa

“Căng mình” ôn Ngoại ngữ

Thời gian từ nay đến kỳ thi vào 10 năm 2019 còn khá dài, tuy nhiên việc Sở GD&ĐT tăng số môn lên gấp đôi thành 4 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư được công bố vào tháng 3 tới) cũng làm việc học của học sinh xáo trộn. Ngoài học 3 môn thi đã biết, các thí sinh còn phải học đều các môn còn lại trong nhóm môn được quy định sẽ chọn 1 môn làm môn thi. Thế nên, hiện tại rất nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội, cả thầy và trò đang gấp rút thực hiện song song vừa ôn tập hiệu quả, vừa học kiến thức mới. Do tính chất cạnh tranh căng thẳng của kỳ thi vào lớp 10, nhiều học sinh đã sớm có kế hoạch tăng cường thời gian tự ôn, học thêm.

Đối với môn Ngoại ngữ, do năm nay Sở GD&ĐT đưa vào làm môn thi chính thức, nên với nhiều học sinh đã vốn chỉ chú trọng Toán và Ngữ văn, nay phải tăng cường học Tiếng Anh chuẩn bị cho kỳ thi vào 10 sắp tới. Nhiều phụ huynh chia sẻ, do có sự chủ quan nên con bị hổng nhiều kiến thức môn Tiếng Anh trong thời gian qua vì quá tập trung cho hai môn Toán, Ngữ Văn. Nên khoảng thời gian từ nay đến lúc thi, sẽ tăng cường phụ đạo học ôn ở nhà và tham gia các lớp học thêm.

Theo cô Mai Hương - Giáo viên Tiếng Anh, Trường THCS & THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho biết, tuyển sinh lớp 10 thi môn Ngoại ngữ sẽ giúp học sinh tích cực học tập. Nhiều học sinh thời gian qua không chú trọng môn Tiếng Anh nên bây giờ khá lo lắng, nhất là môn Anh lại thi trắc nghiệm kết hợp tự luận. “Kể từ lúc biết thông tin từ Sở, học sinh đã để ý hơn đến học tập, dành nhiều thời gian hơn cho môn học này. Thay vì lo lắng, học sinh cần học thật chắc các kiến thức trong sách giáo khoa là tốt nhất. Tuy nhiên, các em phải chuẩn bị tâm thế, tinh thần, học với thái độ nghiêm túc và động thái cụ thể”, cô Mai Hương chia sẻ.

Học sinh vẫn thích học nghề

Bộ GD&ĐT, việc cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề THCS trong tuyển sinh vào lớp 10 được bãi bỏ từ năm 2019. Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ không được cộng điểm khuyến khích trong các cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do Sở GD&ĐT tổ chức. Thông tin này đồng nghĩa với việc kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội cũng sẽ không áp dụng cộng điểm học nghề, các cuộc thi mà chỉ áp dụng điểm ưu tiên cho học sinh con em gia đình chính sách, người dân tộc thiểu số ít người…

Việc bỏ điểm cộng vào lớp 10 dù nhiều phụ huynh, học sinh nối tiếc song theo các giáo viên, chuyên gia giáo dục, quy định này rất hợp lý bởi học nghề lâu nay chỉ phục vụ cộng điểm là chủ yếu, học sinh không hào hứng với môn học này. Việc bỏ quy định cộng điểm từ học nghề góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề tại các trường phổ thông hiện nay. Chỉ có những thí sinh thực sự yêu thích, hứng thú với các môn học nghề mới đăng ký tham gia và học một cách nghiêm túc.

Theo ghi nhận, tại các trường THCS, Trung tâm Giáo dục hướng nghiệp và Giáo dục thường xuyên ở một số quận nội thành, hoạt động dạy nghề vẫn diễn ra bình thường. Lượng học sinh đăng ký học nghề có giảm so với các năm học trước, song vẫn khá nhiều học sinh đăng ký tham gia, học rất nghiêm túc. Hầu hết các trường thực hiện trên tinh thần tự nguyện, không bắt ép học sinh. Tại một số trường THCS đã hoàn thành chương trình dạy nghề cho học sinh khối 9 của trường. Trong khi đó, nhiều trường hiện mới bắt đầu thực hiện tiếp nhận đăng ký tham gia học nghề của học sinh, số lượng học sinh tham gia cũng rất đông, có lớp 100% tham gia.

Có con đang học lớp 9, chị Thu Phương (ở Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: “Mới đầu, tôi cũng dự định để con không học nghề vì không còn được cộng điểm vào lớp 10. Nhưng con gái tôi vẫn xin mẹ cho đi học lớp nấu ăn, vì con rất thích nấu ăn. Lớp của con số lượng đăng ký học nghề cũng khá đông, các cháu rất hào hứng được học theo sở thích của mình. Tôi thấy hoạt động định hướng nghề nghiệp cho học sinh là rất cần thiết, không nên gắn với cộng điểm tuyển sinh. Bởi lợi ích của việc học nghề là rất tốt, các cháu học xong có thể giúp đỡ gia đình các công việc như: Nấu ăn, may vá, sửa xe, lắp đặt điện nước…”

Để chuẩn bị tốt cho tuyển sinh lớp 10 năm học 2019 – 2020, Sở GD&ĐT đã có yêu cầu các phòng GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh; quan tâm đến học sinh có học lực yếu, kém, chưa chăm. Kế hoạch này phải thông qua Ban Giám hiệu và thông báo tới học sinh, cha mẹ học sinh. Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; chú ý phân hoá các đối tượng theo học lực để hướng dẫn ôn tập rèn kỹ năng làm bài. Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với ôn theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 – 2020 tại Hà Nội, các thí sinh sẽ dự thi 4 môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn còn lại trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2019. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút; 2 bài thi còn lại là 60 phút. Dự kiến, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 2 và 3/6/2019.

Hà Nội bỏ cộng điểm nghề tuyển sinh vào lớp 10: Hết 'phao cứu sinh'

Từ năm học 2019 – 2020, tuyển sinh vào lớp 10 THPT tại Hà Nội sẽ không còn điểm cộng cho học sinh có chứng chỉ học nghề,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh – Thu Hương ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 10 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN