Thi vào lớp 10 năm học 2020-2021 tại Hà Nội: Giữ nguyên thi 4 môn, học sinh có kham nổi?
Năm nay, dù dịch bệnh phát sinh nhưng đến thời điểm này, Hà Nội vẫn giữ nguyên phương thức tuyển sinh gồm 4 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và môn thi thứ 4. Đặc biệt, đến thời điểm này môn thi thứ 4 vẫn chưa biết là môn nào, khiến nhiều học sinh và phụ huynh lo lắng…
Thi 4 môn, ôn 9 môn
Mới đây, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội đã chính thức thông tin về kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2020 – 2021, với 4 môn thi. Trong đó, môn Ngữ văn và Toán (theo hình thức tự luận) Ngoại ngữ (Tiếng Anh) và môn thi thứ 4 (là một trong 6 môn: Vật lý, Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân) theo hình thức trắc nghiệm. Theo Sở GD&ĐT, môn thi thứ 4 sẽ được công bố trước 2 tháng sau khi có ngày thi chính thức. Nội dung thi nằm trong chương trình được Bộ GD&ĐT giảm tải. Ngày thi chính thức cũng sẽ được công bố trong thời gian tới.
Do dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Hà Nội đã cho học sinh các cấp học được nghỉ từ ngày 3/2 đến nay. Nhằm đảm bảo kiến thức, ngành giáo dục thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị, trường học đẩy mạnh hướng dẫn, dạy học theo các hình thức trực tuyến. Bên cạnh đó, trong khoảng 1 tháng qua, Hà Nội cũng đa dạng hơn hoạt động dạy, bồi dưỡng kiến thức cho học sinh, nhất là đối với các học sinh cuối cấp (lớp 9, lớp 12) để chuẩn bị cho kỳ thi quan trọng sắp tới là thi vào lớp 10, thi THPT Quốc gia 2020.
Đối với học sinh lớp 9, do tính chất căng thẳng của kỳ thi vào các trường chuyên, THPT công lập, nên việc học tập trong thời gian này của học sinh khiến nhiều gia đình "mất ăn, mất ngủ" bởi thành phố vẫn giữ nguyên 4 môn thi. Thời điểm này năm ngoái, môn thi thứ 4 đã được công bố (là môn Lịch Sử), nhưng năm nay vẫn chưa biết là môn nào và thời điểm nào sẽ công bố. Vậy là học sinh vừa học kiến thức mới, vừa bố trí ôn tập tổng cộng 9 môn học.
Dự kiến, kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sắp tới vẫn tiếp tục áp dụng 4 môn thi. Ảnh minh họa: Q.Anh
Sốt ruột cho tình trạng vừa học online, vừa phải ôn thi và thấp thỏm chờ môn thi thứ 4 của con, chị Thu Hương có con học lớp 9 Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) cho biết: "Con được nghỉ học từ Tết đến nay, ngoài việc tuân thủ theo hướng dẫn của giáo viên như: Làm bài tập, học trên các ứng dụng học tập như Classroom, Zoom Meeting… còn học trên truyền hình, học ôn tập trên phần mềm của Sở GD&ĐT. Tuy nhiên, đến nay chưa biết môn thi thứ 4 là môn nào nên con phải học, ôn tập cả 9 môn dẫn đến quá tải. Mong rằng, môn thi thứ 4 cũng như đề thi năm nay giảm đi độ khó vì ảnh hưởng của đợt nghỉ kéo dài".
Có nên cắt giảm môn thi?
Trên thực tế, việc áp dụng thi 4 môn và công bố môn thi thứ 4 của Sở GD&ĐT vào thời điểm cuối tháng 3 hàng năm được nhiều nhà trường đồng tình, bởi việc này tránh đi tình trạng học lệch của học sinh khi chỉ học vào các môn thi như trước đây. Song, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên học sinh nghỉ học kéo dài, dù đã được điều chỉnh nhưng chưa biết khi nào học sinh quay trở lại trường, trong khi các giải pháp học online, trên truyền hình dù đã được triển khai mạnh mẽ, nhưng vẫn là mang tính tình thế, hiệu quả chưa cao.
Lo lắng cho học sinh, giữa tháng 3 vừa qua, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie Hà Nội cũng đã gửi tâm thư đề xuất Hà Nội cắt môn thi thứ 4 tại kỳ thi vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 để giảm tải cho học sinh. Theo đó, chỉ thi các môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ; bỏ môn thi thứ 4. Giảm bớt môn thi ở kỳ thi lớp 10 nhằm giảm áp lực cho giáo viên và học sinh cuối cấp, giúp người dân yên tâm chống dịch và giảm được đáng kể quy mô tổ chức kỳ thi của toàn thành phố.
Còn theo nhận xét của thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội): "Hiện nay, học sinh vẫn tiếp tục nghỉ, các giải pháp học trên truyền hình, online chỉ mang tính tình thế. Mỗi học sinh hiện nay dù nghỉ ở nhà nhưng vẫn phải học nhiều môn, trong đó trọng tâm là 6 môn trong nhóm môn chỉ để lấy 1 môn thi. Vì thế, không cần thiết để thi 4 môn, bên cạnh đó cũng cần có đề thi minh họa theo hướng giảm tải để thí sinh tham khảo, ôn tập bởi ảnh hưởng đợt nghỉ kéo dài do dịch bệnh".
Vừa qua, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố nội dung giảm tải đối với học sinh THCS, trong đó có lớp 9. Theo một số giáo viên THCS, học sinh lớp 9 cần xây dựng một kế hoạch học tập hiệu quả, bởi căn cứ vào nội dung giảm tải có thể thấy, nội dung đã được tinh giảm, song đề cao việc tự học của học sinh. Do đó, cần thiết phải nắm chắc kiến thức của bậc THCS, tăng cường học trực tuyến, truyền hình để có đủ kiến thức phục vụ tốt cho kỳ thi, nhất là đối với những thí sinh dự thi vào lớp 10 trường THPT công lập "tốp đầu", trường chuyên.
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019-2020 (lần 2). Theo đó, trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Bộ GD&ĐT tiếp tục điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 như sau: Kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020. Thi THPT quốc gia từ ngày 8/8 đến 11/8/2020. Như vậy, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2020 - 2021 tại các địa phương chỉ có thể tổ chức vào thời điểm sau ngày 15/7 và có thể được bố trí không trùng, hoặc quá sát với kỳ thi THPT Quốc gia 2020.
Năm học 2019 - 2020, dự kiến Hà Nội có 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS (tăng hơn năm ngoái gần 7.000 học sinh). Theo kế hoạch của UBND TP.Hà Nội về phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2020 - 2021, chỉ có 62% em trong số học sinh tốt nghiệp THCS vào học trường công. Số còn lại, các em sẽ phải chọn phương án học nghề, ngoài công lập, học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên… Đây là lý do khiến Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội luôn được đánh giá căng thẳng hơn cả thi THPT quốc gia.
Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ vẫn giữ 4 môn thi trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2020-2021.
Nguồn: [Link nguồn]