Thi tuyển vào lớp 10 Hà Nội: Nên để học sinh chọn môn thi thứ 4
Một số ý kiến cho rằng, nếu Hà Nội không bỏ môn thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hằng năm, nên để học sinh lựa chọn môn phù hợp năng lực.
Liên quan đến kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội, nhiều phụ huynh có ý kiến nên bỏ bài thi thứ 4 bởi vì việc phút chót công bố môn thi này gây áp lực rất lớn cho học sinh. Trong thời gian chờ đợi, học sinh đã phải học thêm, luyện thi kiến thức nhiều môn.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn cho biết, trong tuần này UBND TP sẽ phê duyệt phương án thi tuyển vào lớp 10 năm học 2023-2024 và đơn vị công bố sớm để phụ huynh, học sinh được biết.
"Theo đó, học sinh cứ yên tâm học tập bởi các phương án khi được đưa ra, sẽ được Sở GD&ĐT cân nhắc để học sinh không áp lực", ông Tuấn nói.
Thi tuyển lớp 10 Hà Nội luôn là kỳ thi "nóng", nhận được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, học sinh.
Vậy nhưng, trên các diễn đàn, những ngày này phụ huynh vẫn bàn tán, đưa ý kiến đòi bỏ môn thi thứ 4.
Thầy V.K.N, giáo viên bộ môn Hoá học, Hệ thống giáo dục Học Mãi nói rằng, việc phụ huynh đòi bỏ bài thi thứ 4, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 là không mới. Hằng năm, cứ dịp này, phụ huynh đều đưa ra rất nhiều lí do để đòi bỏ môn thi thứ 4 như: ảnh hưởng COVID-19; gây áp lực cho học sinh; định hướng chương trình GDPT mới…
Thế nhưng, theo thầy N., nhìn nhận thực tế lâu nay sẽ thấy, học sinh vẫn có tâm lý “thi gì học nấy” nên nếu không thi, các em sẽ sớm bỏ bê kiến thức các môn từ lớp 7, lớp 8. Như vậy, hệ luỵ rất lớn là các em bị thiếu kiến thức nền tảng để bước vào THPT, việc chọn môn, chọn tổ hợp cũng khó khăn hơn.
Hơn nữa, dù sau này có học tiếp THPT hay ra ngoài cuộc sống, kiến thức nền tảng đóng vai trò rất quan trọng để con người tương tác với nhau, với môi trường, sử dụng thiết bị công nghệ hay đơn giản là hiểu được cơ bản kiến thức về y tế, sức khoẻ.
Lấy ví dụ như, trong thời gian cả nước cao điểm chống dịch COVID-19, vẫn có những người tin một cách mù quáng về việc phòng, chữa bệnh bằng cách ăn giun đất hay thời điểm 4-5 giờ sáng virus phát tán mạnh nhất…. “Nếu ai cũng có kiến thức nền tảng cơ bản, sẽ hiểu để không tin theo những điều hết sức vô lí như vậy. Hay đơn giản hơn, khi đau ốm, bệnh tật, có kiến thức cơ bản môn Sinh học, con người không bị lôi kéo vào những trò chữa bệnh theo hướng phản khoa học, mê tín dị đoan”, thầy N. nói.
Cũng theo thầy N. những năm gần đây Hà Nội bỏ bài thi thứ 3 vì dịch bệnh nhưng theo dõi khi tổ chức bài thi thứ 4, nội dung đề khá cơ bản, không đánh đố, không làm khó học sinh. Thậm chí môn thi thứ 4 là môn cứu điểm cho các môn còn lại.
"Với cách ra đề đó, học sinh hoàn toàn không phải đi học thêm, thay vào đó các em chỉ cần học kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, làm bài tập và soạn đề cương theo sự hướng dẫn của giáo viên đầy đủ đã đáp ứng được yêu cầu", thầy N. chia sẻ.
Để học sinh chọn môn
Chị Trần Thu Anh, có con năm nay thi tuyển lớp 10 tại quận Ba Đình chia sẻ, trái ngược với mong muốn của nhiều phụ huynh, chị lại muốn có bài thi thứ 4. Bởi vì, dù có tổ chức 3 hay 4 bài thì chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 của Hà Nội không thay đổi và khi thi 4 môn, học sinh sẽ học đều kiến thức các môn.
Tuy nhiên, chị Thu Anh cho rằng, con đang có xu hướng học tốt các môn như Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học. Trong tương lai, có lẽ con cũng sẽ chọn tổ hợp Khoa học tự nhiên.
Như vậy, nếu năm nay Sở GD&ĐT Hà Nội bốc thăm thi môn thứ 4 là Lịch sử hoặc Địa lý thì coi như không rơi vào môn lợi thế, điểm chắc chắn không như kỳ vọng. Do đó, chị mong muốn, nếu được, mỗi học sinh đăng ký môn thế mạnh để làm bài thi môn thứ 4 sẽ thuận lợi cho cả việc học tập, định hướng lâu dài của con.
Bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Nguyễn Siêu nói rằng, Hà Nội không nên bỏ bài thi thứ 4 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Bởi vì có thể học sinh theo xu hướng học để thi, lơ là các môn học còn lại. Tuy nhiên, ngoài 3 môn cơ bản Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ nên cho học sinh tự chọn môn thi phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp của các em.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thay đổi theo hướng giáo dục tiếp cận phát triển năng lực và phẩm chất của học sinh, nên đầu vào THPT cũng phải thay đổi theo.
Và lứa học sinh lớp 9 từ năm ngoái khi lên THPT bắt đầu thực hiện chương trình GDPT mới. Theo đó, ngoài các môn bắt buộc, các em sẽ được chọn môn học theo các tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… khác với việc học tất cả các môn như trước.
“Như vậy, kỳ thi cũng cần thay đổi phù hợp với đổi mới của chương trình GDPT, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tự chọn theo năng lực và phù hợp với tổ hợp mà các em dự định học ở bậc THPT. Đây cũng là căn cứ để các trường kiểm tra đầu vào của học sinh có đáp ứng được chương trình học THPT mà các em đăng ký hay không”, bà Thuý nói.
Trong khi đó, cũng có rất nhiều nhà giáo, hiệu trưởng các nhà trường cho rằng, việc tổ chức bài thi thứ 4 là không cần thiết vì gây áp lực cho học sinh. Hiện nay nhiều địa phương cũng tổ chức thi tuyển lớp 10 với 3 bài thi: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ vẫn đảm bảo chất lượng.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 của Hà Nội hằng năm thường có sức "nóng" rất lớn vì có số lượng học sinh dự thi đông. Thực hiện chủ trương phân luồng, định hướng nghề nghiệp từ sau bậc THCS, do đó Hà Nội chỉ dành khoảng 60% chỉ tiêu cho trường THPT công lập. Số còn lại, học sinh sẽ học trường THPT ngoài công lập, học nghề, các Trung tâm GDTX- GDNN... |
Sở GD&ĐT Hà Nội chưa công bố năm nay có tổ chức bài thi thứ tư, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 hay không nhưng nhiều phụ huynh đã thay hình đại diện, “nhuộm đỏ” mạng xã hội...
Nguồn: [Link nguồn]