Thi tuyển lớp 6 các trường tốp đầu ở Hà Nội: Không luyện, khó đỗ

Sự kiện: Tuyển sinh lớp 6

Nhiều phụ huynh, giáo viên khẳng định, học sinh đặt mục tiêu thi tuyển vào lớp 6 các trường chất lượng cao, trường tốp đầu ở Hà Nội nếu không luyện thi sẽ khó “có cửa”. Do đó, dù con học tốt, nhiều phụ huynh vẫn sấp ngửa cho đi học thêm kín lịch.

Học sinh đi luyện thi ở một trung tâm tại Hà Nội. Ảnh: Hà Linh

Học sinh đi luyện thi ở một trung tâm tại Hà Nội. Ảnh: Hà Linh

Khó có bữa cơm tối trọn vẹn

Chị Trần Thị Nhung, có con đang học lớp 5 một trường tiểu học tại quận Đống Đa (Hà Nội) chia sẻ, do xác định mục tiêu từ đầu là cho con thi vào lớp 6, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam nên từ đầu năm lớp 4, gia đình đã lùng sục khắp Hà Nội tìm lò luyện thi.

Không quản đường sá xa xôi, chỉ cần được giới thiệu ở đâu có thầy cô dạy tốt, chị lập tức đưa con đăng ký học. Ban đầu, Đức Minh (con chị Nhung) học mỗi tuần 3 buổi, mỗi môn một buổi nhưng đến lớp 5 trung tâm yêu cầu tăng tốc Tiếng Anh và Toán thêm 2 buổi. Như vậy, lịch học thêm của Đức Minh gần như kín cả tuần.

“Có những ngày mình sắp xếp công việc đón con từ trường rồi đi thẳng ra lớp học thêm. Lớp học thêm thường tổ chức từ 6 - 8 giờ tối nên hơn 1 năm qua, gia đình gần như không có bữa tối trọn vẹn. Biết là vất vả nhưng vì mục tiêu to lớn hơn, đành chịu”, chị Nhung nói.

Chị Nhung khẳng định, kinh nghiệm từ con trai đầu cho thấy, con giỏi ở lớp, trường nhưng không luyện thi theo các dạng đề của trường tốp đầu, thậm chí luyện thi chậm cũng trượt. Điều này cũng được một số giáo viên tiểu học khuyên phụ huynh nên chịu khó “theo” nếu đã có mục tiêu. Trên các diễn đàn “Đồng hành cùng con ôn thi vào các trường chất lượng cao”, phụ huynh sôi nổi chia sẻ kinh nghiệm luyện thi, địa chỉ học thêm.

Cô T.T.M, giáo viên một trường tiểu học tại Hà Nội, từng trợ giảng cho một trung tâm luyện thi nhiều năm lý giải, sở dĩ học sinh có năng lực tốt nhưng không luyện thi khó có thể đỗ vào các trường tốp đầu là vì, kiến thức giáo viên giảng cho học sinh trên lớp chỉ cơ bản, nằm trong chương trình, không có phần nâng cao.

Trong khi đó, bài kiểm tra, đánh giá năng lực đầu vào của các trường THCS tổ chức thi tuyển có các câu hỏi khó, đòi hỏi học sinh đào sâu tư duy. “Chưa kể, đề nhiều câu hỏi, thời gian giải quyết ngắn nếu các em không được rèn, luyện thành kỹ năng rất khó có thể thực hiện xong bài”, cô M. nói.

“Trước đây, tôi cũng từng đi dạy thêm ở các trung tâm, thực chất chỉ được một số em giỏi tiếp thu hiệu quả, số còn lại rất khó khăn. Mỗi ngày, trẻ đã có 8 tiếng học trên lớp. Nếu cuối ngày, cha mẹ lại đưa con đi học thêm 1-2 ca ở ngoài đến 8-9 giờ tối, không có thời gian nghỉ ngơi, trẻ cũng không tiếp thu được kiến thức thầy cô giảng dạy”.

PGS.TS Đặng Quốc Thống

Phụ huynh không nên a dua

Nhiều năm nay, Sở GD&ĐT Hà Nội cho phép Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam; các trường THCS chất lượng cao và các trường có số lượng hồ sơ đăng ký vượt chỉ tiêu tuyển sinh được xét tuyển kết hợp tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh đầu vào lớp 6.

Ở khối trường ngoài công lập, số lượng trường tổ chức xét tuyển hồ sơ kết hợp kiểm tra, đánh giá năng lực học sinh rất nhiều, phải kể đến như: Hệ thống Liên cấp Ngôi sao, Trường THCS Archimedes, Trường THCS & THPT Lương Thế Vinh, Trường THCS Ngoại ngữ, Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Trường THCS Đoàn Thị Điểm…

PGS. TS Đặng Quốc Thống, Chủ tịch hội đồng Trường Đoàn Thị Điểm nói rằng, muốn tuyển được học sinh có chất lượng phải tổ chức kỳ thi tuyển kiểm tra kiến thức học sinh.

Tuy nhiên, phụ huynh phải xác định, đối với những trường có tính chất chuyên biệt chỉ dành cho những học sinh có năng lực đặc biệt, không nên a dua, chạy theo phong trào luyện thi từ sớm để “ép trái non chín sớm”.

Năm nay, Trường THCS Đoàn Thị Điểm có kế hoạch tuyển sinh từ sớm, chia làm nhiều đợt để tuyển sinh các lớp 6 học nâng cao về Toán, Toán Tiếng Anh, Tiếng Anh… Tuy nhiên, trường này không khuyến khích học sinh luyện thi ở ngoài, thay vào đó tham gia CLB hành trang vào lớp 6 do trường tổ chức để làm quen các dạng câu hỏi trong đề tuyển sinh.

Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội cũng cho rằng, nếu các gia đình không “đầu tư” học sinh khó đạt số điểm đỗ vào các trường tốp đầu. Bởi ngoài các trường tuyển sinh theo tuyến, các trường có chất lượng muốn tuyển học sinh đảm bảo chất lượng, từ đó có kế hoạch, mục tiêu dạy học khác.

Ông Khang nói, hằng năm đề thi môn Toán tuyển lớp 6 của trường gồm 40 câu trắc nghiệm, học sinh làm trong 60 phút. Kiến thức chủ yếu thuộc chương trình lớp 5 với 3 mức độ gồm: nhận biết, thông hiểu và vận dụng, không có vận dụng cao. Do đó, đối với môn này học sinh không cần học thêm, luyện thi, chỉ cần học tốt ở trường tiểu học có thể làm được bài.

Tuy nhiên, đối với môn Tiếng Anh đề gồm 60 câu, học sinh làm trong 60 phút, trong đó kiến thức đi từ dễ đến khó. “Nếu học sinh không được học tăng cường, sẽ chỉ làm được khoảng 20 câu. Mỗi năm, học sinh dự tuyển vào lớp 6 của trường cao gấp 3 lần chỉ tiêu và học sinh trượt đông gấp nhiều lần học sinh đỗ”, ông Khang nói.

Do đó, ông Khang cho rằng, phương án thi tuyển tác động rất lớn đến việc học của học sinh. Trong bối cảnh hiện nay, nhà trường chỉ thi toán và Tiếng Anh. Một số trường kết hợp xét tuyển hồ sơ, học bạ và thi tuyển 3 môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh.

Giá trị của bài thơ “Bắt nạt” trong sách Ngữ Văn lớp 6 nằm ở tính gây tranh cãi

Từng tạo nên “làn sóng” tranh luận vào năm 2021 khi xuất hiện trong sách Ngữ Văn lớp 6 chương trình đổi mới giáo dục, bài thơ “Bắt nạt” đến nay vẫn là chủ đề tranh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Tuyển sinh lớp 6 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN