Thi tuyển lớp 10 từ năm 2025: Cần sớm có định hướng đề thi
Năm 2024 là năm cuối cùng lứa học sinh lớp 9 sẽ thi tuyển vào lớp 10 theo chương trình cũ. Đến thời điểm này, một số địa phương đã công bố các môn thi theo hướng giảm tải. Nhiều thầy cô cho rằng, cần sớm công bố định hướng đề thi tuyển lớp 10 từ năm 2025 vì đó là lứa học sinh đầu tiên thi theo chương trình GDPT 2018.
Thời điểm này, nhiều địa phương đã chốt phương án thi tuyển lớp 10 năm học 2024-2025. Điều đặc biệt, một số địa phương năm ngoái tổ chức thi tuyển lớp 10 bằng phương án nhiều môn thi năm nay đã giảm xuống chỉ còn 3 môn.
Cụ thể như phương án thi tuyển lớp 10 mới được Sở GD&ĐT Ninh Bình công bố, thí sinh sẽ thực hiện 3 môn thi, trong đó chốt 2 môn Toán và Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp tự luận.
Môn thi thứ 3 được chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh. So với năm ngoái, ngoài Toán, Ngữ văn thí sinh sẽ phải làm bài thi tổ hợp kiến thức các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội (trong đó điểm Tiếng Anh chiếm 60%; các môn tổ hợp chiếm 40%), thì phương án thi năm nay giảm số môn thi, giảm áp lực rất lớn cho thí sinh.
Năm học 2023-2024 là năm cuối cùng học sinh lớp 9 thi tuyển lớp 10 theo chương trình 2006
Đặc biệt, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc một trong những địa phương trước đây tổ chức nhiều bài thi để tuyển sinh lớp 10 THPT công lập đến nay cũng đã có những điều chỉnh theo hướng giảm tải cho học sinh. Theo phương án thi vừa công bố, thí sinh sẽ thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh thay vì 5 bài thi (thêm tổ hợp Tiếng Anh và 2 môn thi khác) như các năm trước.
Tại cuộc họp bàn về phương án dạy học tích hợp do Bộ GD&ĐT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, chương trình GDPT mới có những đặc điểm mới, khác so với chương trình 2006. Quy định chung Bộ sẽ nghiên cứu, sau đó tổ chức hội thảo, lấy ý kiến các Sở GD&ĐT. |
Trong khi đó, thời điểm này Sở GD&ĐT Hà Nội mới chỉ công bố sẽ tổ chức phương án thi tuyển để tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2024-2025, chưa công bố số lượng môn thi. Điều này được cho là để quản lý chất lượng giáo dục, buộc thầy trò các trường THCS phải tổ chức dạy và học đều tất cả các môn.
Bà Nguyễn Ngọc Dung, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS Phúc Xá, quận Ba Đình (Hà Nội) nói rằng, năm 2025 lứa học sinh lớp 9 đầu tiên thi tuyển lớp 10 theo chương trình GDPT mới tuy nhiên đến thời điểm này cô trò vẫn chưa hình dung được phương án thi như thế nào, lộ trình ra sao vì chương trình mới, một số môn học gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử đã tích hợp thành 2 bộ môn mới hoàn toàn. Khi đó phương án thi, đề thi sẽ khác so với hiện nay.
Một giáo viên dạy bộ môn Ngữ văn ở bậc THCS tại Hà Nội chia sẻ, môn Ngữ văn trong chương trình SGK mới có nhiều thay đổi. Nếu như trước đây, học sinh ôn kỹ các tác phẩm trong SGK và đề thi sẽ ra gói gọn trong các tác phẩm đó thì kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chắc chắn sẽ không sử dụng ngữ liệu trong sách như trước. Vấn đề đặt ra, liệu cấu trúc, độ khó dễ, phân hóa đề thi như thế nào, cần được công bố sớm để cô trò sớm hình dung, từ đó rèn cho học sinh kỹ năng làm bài.
Thầy Nghiêm Chí Thành, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy (Hà Nội) bày tỏ quan điểm, THCS là bậc học nền tảng, các môn học cần được củng cố kiến thức vững chắc.
Theo thầy Thành, mục tiêu của chương trình GDPT 2018 là nhằm hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Do đó, đề thi các môn tuyển sinh lớp 10 cũng cần nghiên cứu theo hướng làm sao ứng dụng kiến thức vào thực tiễn nhưng ở mức độ phổ thông. Còn nếu vẫn ra theo dạng cấu trúc bài tập và lý thuyết sẽ như “lối mòn” và không giải quyết được mục tiêu. Tuy nhiên, để thực hiện được, cần phải có quá trình để học sinh tiếp cận dần dần.
Nguồn: [Link nguồn]
Dự báo mức độ cạnh tranh vào lớp 10 công lập năm học 2024-2025 tiếp tục căng thẳng vì tỉ lệ tuyển sinh các trường không tăng, nhiều phụ huynh đã tính toán phương án dự phòng...