Thi tuyển lớp 10 Hà Nội: Đề thi cơ bản, không đánh đố học sinh
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 năm nay có 4 ngày (từ 23-26/5) để kiểm tra lại thông tin cá nhân, nguyện vọng đăng ký, điểm ưu tiên…, mọi sai sót có thể sửa chữa kịp thời.
Trong thời gian từ 23-26/5, thông tin xem danh sách dự tuyển tại các nhà trường, thí sinh tự do, thí sinh tỉnh ngoài xem tại Phòng GD&ĐT về các thông tin liên quan điểm ưu tiên, ngày tháng, năm sinh, hộ khẩu… Nếu có gì sai sót, học sinh được sửa chữa trong thời gian này. Đây cũng là năm thứ 2, Hà Nội không cho phép học sinh thay đổi nguyện vọng (NV) sau khi đã nộp phiếu đăng ký dự thi với bất cứ lý do gì. Điều này, khác với những năm trước, học sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng sau khi biết tỉ lệ chọi vào các trường THPT.
Theo kế hoạch tuyển sinh của Hà Nội, ngày 31/5 tới, địa phương cũng sẽ công bố số lượng học sinh đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của từng trường THPT công lập. Khi đó, dựa vào số lượng học sinh đăng ký dự thi và chỉ tiêu tuyển sinh, các trường có thể tính được tỉ lệ chọi. Các em tra cứu thông tin ở Cổng thông tin điện tử của ngành ở địa chỉ https://hanoi.edu.vn. Tuy nhiên, do quy định không được đổi NV nên thời điểm này, việc nắm tỉ lệ chọi để học sinh nỗ lực học tập mà thôi.
Tăng kỹ năng luyện đề
Theo một số giáo viên, hiệu trưởng các trường THCS, thời điểm này học sinh đã gần như hoàn thành kế hoạch năm học, học sinh được tập trung ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi.
Học sinh lớp 9 các trường THCS đang tăng tốc ôn luyện, chuẩn bị cho kỳ thi. Ảnh: Như Ý
Bà Phạm Thị Xuân Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Giang, quận Thanh Xuân nói rằng, từ nay đến kỳ thi không còn nhiều thời gian, ngoài việc tiếp tục bổ sung kiến thức, bà Oanh lưu ý học sinh nên luyện nhiều đề thi của những năm trước để hình thành kỹ năng làm bài. Qua đó, cũng giúp các em ghi nhớ sâu hơn kiến thức mình đã học. Nếu học sinh thi vào các trường THPT chuyên, các em phải học và ôn tập theo chương trình, dạng đề thi riêng, đòi hỏi có sự nâng cao của các trường chuyên. Còn nếu chỉ dự thi vào các trường THPT công lập, các em cần tập trung học, nắm chắc kiến thức cơ bản ở chương trình, SGK. “Nhiều năm gần đây, đề thi tuyển vào lớp 10 ra cơ bản, không có câu hỏi quá khó hay đánh đố học sinh. Đa số học sinh đạt điểm cao là những em nắm chắc kiến thức cơ bản cộng với có kỹ năng làm làm”, bà Oanh nói.
Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Nhị, quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Bích Nga cho rằng, sau khi đã đăng ký các NV, học sinh cần nỗ lực học để “về đích”. Học sinh ở trường được ôn tập 3 môn Văn, Toán, Ngoại ngữ theo từng chủ đề và luyện các dạng đề. Sau đó, giáo viên tiếp tục kiểm tra để xem học sinh nắm bài đến đâu, tiếp tục củng cố. Nhà trường yêu cầu giáo viên dạy lớp 9 phải bám kiến thức cơ bản, dạy học có phương pháp, ôn tập cho học sinh theo từng mảng, miếng để các em nắm bắt và hệ thống lại toàn bộ chương trình trước kỳ thi. “Cách ra đề của Sở GD&ĐT vừa cơ bản, không quá khó nhưng cũng có “đất” cho học sinh thể hiện. Ví dụ, các em dành điểm 7-8 là rất cơ bản và để đạt được 9-10 vẫn có những câu hỏi đòi hỏi tư duy, năng lực tốt. Ví dụ đề Ngữ văn hằng năm cho thấy, vừa kiểm tra được tư duy văn chương vừa ứng dụng kiến thức trong đời sống. Học sinh không nên quá lo lắng, áp lực”, bà Nga nói.
Hiệu trưởng một số trường THCS khác cũng nói, với việc chỉ thi 3 môn trong kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay đã giảm tải rất lớn cho học sinh, các nhà trường.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập năm nay được tổ chức từ ngày 18-19/6 với 3 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ. Ngày 20/6, học sinh thi các môn chuyên vào trường THPT chuyên.
Nguồn: [Link nguồn]
Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 18 và 19-6, với ba môn thi: Toán, ngữ văn, ngoại ngữ.