Thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025: Đề xuất 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn

Sự kiện: Giáo dục

Bộ GD&ĐT đã đề xuất phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bao gồm 4 môn thi trong đó 2 môn bắt buộc, 2 môn lựa chọn với lý do giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm chi phí cho phụ huynh và xã hội.

Bộ GD&ĐT đã có báo cáo Dự thảo phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT từ năm 2025 trình Phó Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Quốc gia giáo dục và Phát triển nhân lực.

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. ảnh: như ý

Học sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT. ảnh: như ý

Bộ GD&ĐT đề xuất 3 phương án thi gồm: Phương án 1 là thí sinh thi hai môn bắt buộc Ngữ văn, Toán và hai môn lựa chọn (trong các môn Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ); phương án 2 gồm 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và 2 môn lựa chọn; phương án 3 là thi 4 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và 2 môn lựa chọn.

Kết quả, đa số lựa chọn phương án 2 hoặc 3 môn bắt buộc. Kết quả khảo sát gần 130.700 cán bộ, giáo viên cả nước về phương án 2 và 3 cho thấy, gần 74% chọn phương án 2, đó là thi 3 môn bắt buộc và 2 môn lựa chọn. Sau đó, Bộ GD&ĐT khảo sát thêm gần 18.000 cán bộ, giáo viên ở TPHCM, Long An, Tây Ninh, Lạng Sơn và Bắc Giang với cả ba phương án thì 60% chọn phương án thi 2 môn bắt buộc 2 môn lựa chọn.

Ngoài ra, bộ này lấy ý kiến 10 chuyên gia tại cuộc họp do Văn phòng Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực phối hợp Cục Quản lý chất lượng tổ chức hôm 5/10. Kết quả, 6 chuyên gia chọn phương án thi 2 môn bắt buộc.

Giảm áp lực cho học sinh

Trên cơ sở phân tích khách quan, ý kiến góp ý của các Sở GĐ&ĐT và dựa theo các nguyên tắc cốt lõi trong quá trình xây dựng phương án thi, Bộ GD&ĐT đã kiến nghị, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 gồm 4 môn thi. Cụ thể, mỗi thí sinh sẽ thi 2 môn bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn trong số 9 môn gồm: Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ.

Bộ GD&ĐT cho rằng, thi 4 môn giảm áp lực thi cử cho học sinh và giảm chi phí cho gia đình, xã hội. Với phương án đó, số buổi thi sẽ giảm so với hiện nay, giảm áp lực và chi phí. Việc lựa chọn 2 trong số 9 môn học để dự thi sẽ tạo ra 36 cách thức lựa chọn khác nhau, tạo điều kiện để thí sinh lựa chọn môn thi phù hợp với định hướng nghề nghiệp, năng lực và sở thích.

Một khía cạnh quan trọng khác là khi tổ chức thi 4 bài thi sẽ không gây mất sự cân bằng giữa việc chọn khối KHXH nhiều hơn KHTN (tỉ lệ chọn tổ hợp KHXH 3 năm liên tiếp gần đây lần lượt là: 64,7%; 66,9%; 67,9%).

Yêu cầu giảm áp lực thi tốt nghiệp THPT

Tại cuộc họp ngày 14/11 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực dành nhiều thời gian thảo luận về các đề xuất của Bộ GD-ĐT đối với các phương án tổ chức thi và xét tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025. Theo các đại biểu, phương án thi tốt nghiệp phải tiếp cận đồng bộ, bài bản, tập trung đầu tư cho ngân hàng đề thi chuẩn hoá cho tất cả địa phương, vùng miền. Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, mục tiêu số 1 của kỳ thi tốt nghiệp là đánh giá được chất lượng đào tạo bậc phổ thông. Văn Kiên

Nguồn: [Link nguồn]

Thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Có nên ‘loại’ ngoại ngữ ra khỏi môn thi bắt buộc?

Đa số ý kiến về phương án mới nhất thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đều mong muốn kỳ thi tốt nghiệp cần thay đổi theo hướng gọn nhẹ, giảm áp lực. Có ý kiến đề xuất nên...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hà Linh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN