Thi tốt nghiệp THPT: Siết chặt kỷ luật

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tới đây sẽ có những biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi, nền nếp thi, đặc biệt là ở khâu coi thi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD - ĐT) dự kiến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2013 tới đây, sẽ có những biện pháp nhằm siết chặt kỷ luật phòng thi, nền nếp thi, đặc biệt là ở khâu coi thi; tăng cường giám sát của xã hội, để hạn chế tiêu cực. Tuy nhiên, việc cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Hạn chế yếu kém trong coi thi

Vừa qua, Bộ GD - ĐT đã tổng kết về các kỳ thi năm 2012, trong đó nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khâu coi thi. Tuy nhiên, Bộ cũng thừa nhận, mặc dù đã có những giải pháp để ngăn chặn tiêu cực nhưng công tác coi thi, chấm thi vẫn có những sai sót, vi phạm quy định của quy chế.

Thi tốt nghiệp THPT: Siết chặt kỷ luật - 1

Thí sinh làm bài thi môn văn tại Hội đồng thi trường THPT Trưng Vương (Hưng Yên)

“Công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau. Đặc biệt, tại Hội đồng coi thi trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang đã để xảy ra tình trạng giám thị và người không có trách nhiệm trong Hội đồng coi thi tham gia giải bài, ném bài cho thí sinh; giám thị buông lỏng trách nhiệm để thí sinh nhận tài liệu từ bên ngoài và quay cóp, chép bài của nhau trong phòng thi”, ông Ngô Kim Khôi, Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD - ĐT nhấn mạnh.

Bộ GD - ĐT cũng cho biết, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012 Bộ đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả thi tăng cao đột biến với so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm. Kết quả chấm thẩm định cho thấy, một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định của quy chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ. Vì vậy, có nhiều bài thi bị chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm hoặc bị cộng điểm sai; một số lượng đáng kể các bài thi có kết quả điểm công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD - ĐT, chủ yếu là điểm công bố cao hơn từ 1 điểm đến 2 điểm, cá biệt là 3 điểm và cao hơn so với đáp án và thang điểm của Bộ.

“Những hạn chế trong công tác coi thi, chấm thi nêu trên cũng cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ”, ông Ngô Kim Khôi nhận định.
 
Thí sinh hoàn toàn giám sát được coi thi

Khắc phục những hạn chế về coi thi, kỳ thi tốt nghiệp 2013, Bộ GD - ĐT sẽ cho phép học sinh mang vào phòng thi thiết bị ghi âm, ghi hình, chỉ có chức năng ghi thông tin, không truyền được thông tin ra ngoài phòng thi. Người sử dụng không nghe được âm thanh, không xem được hình ảnh trực tiếp tại chỗ nếu không có thiết bị hỗ trợ khác, để tăng cường sự giám sát của xã hội đối với công tác coi thi. Đồng thời, bổ sung quy định về việc chấm kiểm tra tối thiểu 5% bài thi các môn thi tự luận; Bộ tổ chức Hội đồng chấm thẩm định bài thi tự luận.

Tuy nhiên, quy định này đang khiến nhiều địa phương băn khoăn. Ông Nguyễn Đình Hòa, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương cho rằng, việc mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi cần được các trường tự quyết định xem có phù hợp với trường mình hay không. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, thí sinh đến phòng thi có nhiệm vụ phải làm bài chứ không phải giám sát giám thị. Nên, nếu cho thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình với mục đích giám sát giám thị thì sẽ còn ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh.

Nhận định về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng, việc cho phép thí sinh mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi không phải là sáng kiến của Bộ mà xuất phát từ thực tiễn của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012. Học sinh cũng là một chủ thể trong nhà trường và hoàn toàn có thể chung tay chống tiêu cực. Quy định này cũng góp phần giám sát để giám thị làm tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Vân (TTXVN)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN