'Thi tốt nghiệp THPT nếu đỗ 100% có cần tổ chức thi?'

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Quan điểm này được đưa ra tại Hội thảo khoa học Đổi mới đánh giá trong thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức ngày 30/10.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) cho hay, trong hội thảo khoa học này, ở đây với vai trò của một người nghiên cứu, chúng ta thấy rằng việc đổi mới kiểm tra, đánh giá đã được thay đổi về mặt nhận thức, cụ thể kiếm tra đánh giá là để cung cấp thông tin hỗ trợ cho quá trình dạy và học; trong đó hỗ trợ cho người thầy cải tiến quá trình dạy, hỗ trợ cho học trò cải tiến việc học để kết quả, mục tiêu giáo dục tốt hơn.“Mục tiêu của bài kiểm tra không phải chỉ để kiểm tra kiến thức của học sinh, quan trọng là kiểm tra xem việc dạy việc học có hiệu quả hay không. Như vậy vai trò của kiểm tra, đánh giá không phải để xếp thứ hạng mà nhằm kiểm tra hiệu quả việc dạy và học. Một câu nói rất hay của GS John Hattie mà tôi rất thích, câu nói phản ánh đúng bản chất của hoạt động kiểm tra đánh giá”, ông Trí nói. 

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

TS Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT). Ảnh: Thanh Hùng.

Ông Trí cho rằng, trong lý luận khoa học giáo dục về kiểm tra đánh giá có 2 loại bài thi cơ bản là là bài thi đánh giá theo tiêu chí và bài thi đánh giá theo chuẩn. Ông Trí cũng đặt ra trường hợp: “Nếu thi tốt nghiệp THPT đỗ 100% có phải tổ chức thi hay không?”. Khá nhiều người nói rằng: "Thi mà đỗ 100% thi làm gì?" nhưng ông Trí nhận định, đó là câu trả lời không chính xác. Theo ông, thi tốt nghiệp THPT cũng tương tự như thi bằng lái xe ô tô, kể cả số người đỗ là 100% vẫn cần tổ chức thi. “Bởi nếu không thi làm sao đảm bảo một người lái xe ra đường đảm bảo an toàn... Thi tốt nghiệp THPT để bảo đảm người học sau thời gian ngồi trên ghế nhà trường, hòa mình vào xã hội, họ đã đảm bảo đủ các yêu cầu cơ bản mà chương trình giáo dục phổ thông đặt ra hay chưa để bước sang một giai đoạn mới?”.“Bài thi tuyển sinh của các trường đại học lại là một bài thi theo tiêu chí, tiêu chí là sao để chọn lựa học sinh tốt nhất cho việc hoàn thành chương trình đại học. Còn bài thi tốt nghiệp THPT là bài thi đánh giá theo chuẩn của chương trình giáo dục phổ thông đã đặt ra. Hai bài thi  với mục tiêu khác nhau. Tuy nhiên, các trường đại học cũng có thể lấy kết quả bài thi tốt nghiệp làm tiêu chí tuyển sinh của họ nếu họ thấy hợp lý”, ông Trí nói.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, cần cẩn trọng bởi nếu không, có thể dẫn đến việc chúng ta “trộn lẫn” nhiệm vụ đánh giá học sinh của cả 3 việc: kiểm tra đánh giá trên lớp; thi tốt nghiệp; thi đại học vào nhau. Sau đó, lấy chuẩn đánh giá vốn của thi đại học áp vào cho bài thi tốt nghiệp, hay cả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trên lớp.

“Khi Bộ GD-ĐT đưa ra đề thi minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, tôi nghĩ nên tiếp cận nó như là một cách đổi mới về cách đánh giá mới ở bài thi chính thức. Còn nếu như ở một số nơi hiện nay, quá hào hứng với định dạng đó và “ốp” nguyên vào cả những bài kiểm tra cuối kỳ ngay từ lớp 10, thậm chí từ lớp 9 rất nguy hiểm. Bởi định dạng đề khi được Bộ GD-ĐT đưa ra nhằm muốn truyền thông điệp nhiều hơn về việc dạy và học nên cởi mở, thay đổi ra sao; không phải là một hình thức đánh giá chuẩn để áp dụng một cách cứng nhắc”, ông Vinh nói.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng.

GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thanh Hùng.

“Khi chúng ta quá nhìn vào kỳ thi cuối cùng và tất cả các hoạt động đều đi theo kỳ thi đó thì những bài kiểm tra, đánh giá sẽ không cung cấp được nhiều thông tin cho việc học của học sinh, chỉ cũng cấp thông tin cho việc chuẩn bị cho kỳ thi. Điều này rất đáng lo ngại”.

Tại hội thảo, có ý kiến băn khoăn rằng theo chuẩn đầu ra, học sinh phải hoàn thành 3 năng lực chung, 7 năng lực đặc thù và 5 phẩm chất mới được đánh giá hoàn thành chương trình phổ thông 2018. Trong khi đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 yêu cầu thi 4 môn gồm Toán, Văn và 2 môn tự chọn. “Vậy chúng ta nên đánh giá như thế nào về việc học sinh phải thi tốt nghiệp THPT mới được hoàn thành chương trình phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp, liệu có mâu thuẫn?”, vị này nói. 

Về điều này, ông Trí cho hay, Nhà nước đưa ra chuẩn chương trình và thi tốt nghiệp THPT chỉ là khâu cuối cùng để cấp bằng. “Thực chất chúng ta còn phải xét cả điểm học bạ THPT, theo dự kiến của Bộ GD-ĐT sẽ tăng lên chiếm 50% trong cách tính điểm xét tốt nghiệp và điều này liên quan đến quá trình dạy học”, ông Trí nói.

GS Lê Anh Vinh cho rằng, nếu đáp ứng được đúng nghĩa việc giúp học sinh đạt được các phẩm chất và năng lực theo chuẩn đầu ra của chương trình phổ thông 2018, việc hoàn thành và có kết quả tốt ở kỳ thi tốt nghiệp THPT chắc chắn không khó với các em. Vì vậy, giáo viên và các trường không nên quá lo lắng về vấn đề này.

Nguồn: [Link nguồn]

Thủ tướng vừa có Chỉ thị về việc tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, giáo dục nghề nghiệp năm 2025...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Hùng ([Tên nguồn])
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN